Thường xuyên rà soát VBQPPL
Để nâng cao chất lượng của hệ thống VBQPPL, khuôn khổ pháp lý về xây dựng, ban hành QPPL không ngừng được hoàn thiện. Trong đó phải kể đến Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).
Sau khi Luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP được ban hành và được sửa đổi, bổ sung, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai tốt Luật và Nghị định. Đồng thời, nhằm nâng cao chất lượng của các VBQPPL, Bộ Tư pháp thực hiện kiểm soát chất lượng ban hành VBQPPL thông qua công tác thẩm định, kiểm tra VBQPPL; theo dõi chặt chẽ các bộ, ngành trong việc tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp.
Bộ đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP) trong việc ban hành một văn bản để quy định chi tiết nhiều nội dung được giao, hạn chế số lượng văn bản quy định chi tiết; đồng thời, thực hiện có hiệu quả quy định về việc soạn thảo, ban hành một văn bản sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ nhiều VBQPPL; đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan thường xuyên rà soát các VBQPPL để kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ khi phát hiện những văn bản sai phạm, thiếu tính thống nhất, đồng bộ. Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ cho những người trực tiếp làm công tác xây dựng chính sách, soạn thảo, thẩm định của các bộ, ngành, địa phương.
Hiện nay, Bộ Tư pháp đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, trong đó tập trung hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mô hình của các tổ chức pháp chế; xây dựng, xác định rõ vị trí việc làm cho cán bộ pháp chế; nghiên cứu bổ sung chế độ, chính sách hỗ trợ phù hợp đối với cán bộ pháp chế nhằm thu hút những người có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao công tác trong lĩnh vực này.
Kiên quyết không trình các dự thảo không bảo đảm chất lượng
Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao chất lượng hệ thống VBQPPL, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, khả thi của văn bản, Bộ Tư pháp để nghị thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, chính xác các chủ trương, đường lối của Đảng trong Văn kiện Đại hội XIII; các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Hiến pháp năm 2013, nhất là Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm Luật Ban hành VBQPPL, Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật.
Cùng đó, phát huy vai trò và trí tuệ của Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, các cơ quan báo chí trong việc phản ánh, góp ý, kiến nghị, phản biện đối với đề nghị xây dựng VBQPPL và dự án, dự thảo VBQPPL.
Nghiên cứu tiếp tục cải tiến quy trình tổ chức thẩm định, nâng cao chất lượng thẩm định, kiên quyết không trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các dự án, dự thảo VBQPPL không cần thiết ban hành, không bảo đảm chất lượng; xây dựng cơ chế thu hút các chuyên gia, nhà khoa học tham gia vào việc nghiên cứu, hoạch định chính sách, soạn thảo, thẩm định các dự án, dự thảo VBQPPL.
Tăng cường và nâng cao chất lượng kiểm tra VBQPPL nhằm kiểm soát chặt hơn tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của VBQPPL, đặc biệt là thông tư của các bộ, cơ quan ngang bộ để kịp thời bãi bỏ các văn bản trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội; kiện toàn, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật. Có cơ chế thích hợp bảo đảm và tăng cường nguồn lực đầu tư, đổi mới cơ chế phân bổ, sử dụng hiệu quả kinh phí xây dựng pháp luật.