Thực sự là Hồ Duy Hải đã kêu oan hay chỉ kêu giảm án?

Hồ Duy Hải
Hồ Duy Hải
(PLO) - Các cơ quan tố tụng cả hai cấp sơ phúc thẩm trong vụ án Hồ Duy Hải đều cho rằng Hải đã nhận tội và đã xét xử Hải theo lời nhận tội ấy. Tuy nhiên nhiều người thắc mắc Hồ Duy Hải có kêu oan hay xin giảm án?  Hải có nhận tội giết người mà muốn xin được sống hay là Hải kêu cứu là mình vô tội mà bị xử oan?

Kêu oan từ trước khi có cáo trạng?

Theo luật sư Nguyễn Văn Đạt (người bào chữa cho Hải trong cả hai phiên tòa sơ phúc thẩm) thì ngay trong lần đầu tiên gặp Hải (trước khi có cáo trạng), Hải đã kêu oan và từ đó đến nay, Hải liên tục kêu oan nhưng không được xem xét và trong hồ sơ vụ án không hề ghi nhận điều này.

Tại phiên tòa sơ thẩm, Hải đã kêu oan, LS Đạt đã có bài bào chữa kêu oan nêu ra 41 điểm bất hợp lý, vi phạm tố tụng trong hồ sơ vụ án và đề nghị tòa tuyên bố không đủ bằng chứng buộc tội Hải.

Điều kỳ lạ là phiên tòa sơ thẩm có đông đảo người dân Long An tham dự đứng tràn ra ngoài sân và ở hai bên đường Nguyễn Huệ, Trương Định, được truyền loa phóng thanh ra ngoài, nhân chứng cho biết là âm thanh của các người khác phát biểu đều được truyền rất tốt, nhưng đến phẩn kêu oan của Luật sư Đạt thì âm thanh bị hư, không ai nghe được gì cả.
Ngoài các cơ quan tố tụng thì ông Võ Thành Quyết (luật sư chỉ định), từ lúc chưa kết thúc điều tra và ngay trong phiên tòa sơ thẩm đã “ buộc” Hải nhận tội giết người và chỉ xin giảm án chung thân.
Điều oái oăm khác, vị luật sư do cơ quan điều tra (CQĐT) chỉ định này chính là vị luật sư đầu tiên được gia đình thuê bào chữa cho Hải và đã thanh toán thù lao một lần theo hợp đồng là 10 triệu. Người thân đã kể về hoàn cảnh dẫn đến việc thuê và thôi nhờ LS Quyết như sau. Sau khi Hải bị bắt, CQĐT nhiều lần đến nhà khám xét đào bới cả nền nhà, khám xét cả phòng riêng, tủ của em gái Hải.
Mấy chiếc nhẫn của em gái Hải mua ở tiệm vàng Ngọc Sương có biên lai hẳn hoi cũng bị thu giữ (những chiếc nhẫn này được đưa vào cáo trạng xem là tang vật trong vụ án và được tòa tuyên hoàn trả nhưng không còn hóa đơn). Tình hình rất căng thẳng, có người giới thiệu LS Quyết nguyên là Trưởng phòng Cảnh sát Công an tỉnh, là “sếp” cũ của ông Phạm Tiến (người phụ trách điều tra vụ án của Hải). Chính vì vậy gia đình đã ký hợp đồng với ông Quyết.
Quả thật, sau khi ký hợp đồng thì không còn khám xét nữa nhưng nội dung cách thức tư vấn của ông Quyết làm gia đình lo ngại. Trong khi vụ án chưa có kết luận điều tra, chưa biết thủ phạm là ai, ông Quyết cứ thúc gia đình Hải bồi thường thiệt hại cho hai gia đình nạn nhân “xem như cách khắc phục hậu quả để giảm nhẹ hình phạt”.
Gia đình đã chi tiền nhưng xác định rõ mục đích là hỗ trợ chi phí mai táng chứ không chấp nhận bồi thường thiệt hại vì chưa biết ai là hung thủ. Việc gia đình Hải chấp nhận bồi thường thiệt hại cho gia đình người bị hại đồng nghĩa với việc thừa nhận con em mình phạm tội.
Do nhiều lần ông Quyết thúc ép như vậy, gia đình Hải đã bất bình đi nhờ luật sư khác. Đến khi đã có luật sư khác, ông Quyết lại được cơ quan điều tra chỉ định làm luật sư bào chữa. Đồng thời ở trong tù Hải lại được CQĐT “tạo điều kiện” viết văn bản từ chối luật sư gia đình mời.
43 lần gửi đơn
LS Đạt cho biết, trong đơn kháng cáo Hải đã kêu oan. Với quan điểm bào chữa công khai, thẳng thắn, LS Đạt gởi đến HĐXX văn bản bài bào chữa kêu oan cho Hải trước khi phiên phúc thẩm diễn ra. Cẩn thận hơn, gần ngày xử phúc thẩm, ông còn gửi văn bản cho chủ tọa phiên tòa nêu tóm tắt quan điểm là Hải bị oan.
Nhưng rất tiếc là những quan điểm này không được HĐXX tranh luận và cũng không đưa vào bản án. Một ngày sau phiên xử sơ thẩm, LS Đạt đã gởi đơn kêu oan, xin giám đốc thẩm.
Sau đó, ông nhiều lần cùng mẹ Hải ra Hà Nội gửi đơn khắp các cơ quan liên quan, các Đại biểu Quốc hội nhưng không ai giải quyết. Từ năm 2012 đến nay, LS Đạt không đi gởi đơn trực tiếp mà hàng tháng gửi đơn qua đường bưu điện để kêu oan xin giám đốc thẩm. Mỗi lần ông đều cập nhật số thứ tự và lá đơn gần đây nhất là lá đơn thứ 43.
Mỗi lần đi thăm nuôi mà có thể nói chuyện riêng, Hải đều nhắc nhở gia đình là làm đơn gửi Chủ Tịch nước kêu oan. Gia đình Hải và các luật sư cũng không hề nhận quyết định bác đơn ân xá của Chủ Tịch nước. Thật sự Hải có làm đơn xin ân xá hay không? Nếu có thì làm trong hoàn cảnh nào? Trong tiến trình tố tụng vụ án của Hải lại xảy ra những hiện tượng kỳ lạ rất khó giải thích.
Đến giờ này, Hải có làm đơn xin ân xá hay không? LS Trần Hồng Phong khẳng định: “Với tư cách là luật sư hỗ trợ pháp lý cho gia đình Hải trong việc xin giám đốc thẩm kêu oan cho Hải, tôi khẳng định Hải có kêu oan dù tôi cũng xác nhận có rất nhiều bản khai trong trại giam Hải khai mình là hung thủ giết người. Vấn đề này, về mặt tố tụng hình sự, tôi đã trình bày rõ trong "Đơn đề nghị giám đốc thẩm" của mình.
Tuy nhiên, tôi vẫn muốn trình bày lại về việc Hải kêu oan thể hiện ở những tài liệu/bằng chứng sau đây: Trong bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Long An có ghi việc Hải kêu oan. Hải khai rằng mình chỉ khai giết người theo lời của một công an xã chứ không thực sự giết người. Tuy nhiên Tòa sơ thẩm đã không chấp nhận lời khai lại này”. Luật sư Đạt, bà Nguyễn Thị Rưởi (dì của Hải), bà Nguyễn Thị Loan (mẹ của Hải) cũng đều khẳng định là Hải không làm đơn xin ân xá giảm án mà chỉ có đơn kêu oan.
(Còn tiếp)

Đọc thêm

Hoãn phiên tòa xét xử nguyên lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa

Các bị cáo tại phiên tòa sáng 26/12/2024. Ảnh: TTXVN phát
(PLVN) - Sáng 26/12, Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án hình sự "Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" tại dự án Hạc Thành Tower. Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng và 9 bị cáo phải hầu tòa.