Pháp luật có lau khô được nước mắt mẹ cha?

Pháp luật có lau khô được nước mắt mẹ cha.
Pháp luật có lau khô được nước mắt mẹ cha.
(PLVN) - Câu trả lời là không, cho dù hình phạt của pháp luật rất nghiêm khắc với tội bất hiếu. Bị con đánh đến thương tật 67%, người mẹ vẫn xin toà thả tự do cho con. Tấm lòng bao la của người mẹ vẫn khóc nấc lên khi toà tuyên án: “Con ơi! Mẹ thương con!”. Nước mắt ngàn đời vẫn chảy xuôi là vậy…

Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con

Tiếc rằng hai câu thơ “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con” lại được vận vào những hoàn cảnh thật đau lòng của nhiều bà mẹ. Người mẹ vừa được nhắc đến ở đầu bài là bà Nguyễn Thị Thơm ở quận Bình Thạnh, TP.HCM.

Năm 1981, bà Thơm biết Nguyễn Thiên Ân bị bỏ rơi, bà Thơm đem về nuôi coi như con đẻ. Nhưng ân nghĩa đó, trong một cơn phê thuốc, Ân đã trút bỏ tất cả. Ân dùng ổ khoá đánh nhiều nhát vào đầu bà Thơm khiến bà phải vào viện điều trị nhiều tuần. Sau khi ra viện, đôi mắt bà đã vĩnh viễn bị hỏng. 

Thế nhưng, ở đời nước mắt luôn chảy xuôi và lòng mẹ thì bao la, biết con ở tù, bà Thơm nhờ người làm cơm và dắt vào thăm con. Ngày ra tòa, dù bị con đánh đến thương tật 67%, bà vẫn xin toà thả tự do cho con bởi “Tôi thương con vì nó bị bỏ rơi từ nhỏ, đời nó đã phải chịu nhiều bất hạnh, nó đánh tôi trong lúc bị bệnh, mê man không nhớ gì cả, sau này gặp tôi nó đã khóc và xin lỗi”. Tấm lòng bao la của người mẹ vẫn khóc nấc lên khi toà tuyên án đối với bị cáo Ân: “Con ơi! Mẹ thương con!”

Ngày 16/9/2020, bà Hoàng Thị Nghĩa 88 tuổi bị chính con trai ruột của mình là Lê Kiếm đánh chết. Điều đáng nói là Kiếm là kẻ nghịch tử mà cả xóm ai cũng biết, luôn bạo hành mẹ. Nhưng khi chính quyền địa phương đến làm việc, người mẹ luôn thương con rồi khoan dung mù quáng, giấu hết mọi chuyện. Để rồi cuối cùng sự việc đau lòng đã xảy ra khi đi nhậu về, Kiếm đánh vào đầu và mặt mẹ khiến bà ngã vào vách, nền gạch nhà tắm, gây tử vong. 

Năm 2016, bà Dương Thị Kim Châu ở quận Gò Vấp, TP.HCM, sau khi can ngăn con cháu cãi nhau bị chính con gái và cháu ruột đánh. Khi cụ ngã xuống, hai kẻ nghịch tử vẫn tiếp tục dùng chân đạp liên tục lên người, lên mặt khiến toàn thân cụ tím tái.

“Lúc bị đánh, tôi ứa nước mắt, không phải vì nỗi đau trên thể xác mà vì đau lòng, không bao giờ tôi nghĩ bị chính con đẻ, cháu ruột của mình đánh. Cứ nghĩ do chúng nóng giận nhất thời mà không kiểm soát được, không ngờ sau khi được can ngăn chúng lại tiếp tục thoá mạ, thách thức tôi. Lòng tôi đau như cắt, có ai lại muốn con cháu mình đi tù, nhưng không thể dạy bảo nổi hai đứa nghịch tử nên đành để pháp luật xử lý” - bà Châu buồn bã chia sẻ…

Pháp luật và tội bất hiếu

Từ ngàn xưa, hiếu thảo được xem là đạo đức hàng đầu. Một người không thể được xem là hoàn thiện về nhân cách nếu như không có lòng hiếu thảo. Nhìn về cổ luật, ở nước ta, thời Lý Thái Tông đã có luật thành văn là bộ Hình thư; thời Lê Thánh Tông có bộ luật Hồng Đức; đến thời Gia Long triều Nguyễn có bộ luật Gia Long.

Các bộ luật này đều nói đến 10 tội lớn (tội thập ác) trong đó có tội ác nghịch, bất hiếu với cha mẹ. Hiếu thảo là căn bản đạo đức. Pháp luật có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn đạo đức, có hình phạt răn đe đối với hành vi vi phạm đạo đức. Do đó trong thể chế pháp luật ngày xưa, người bất hiếu bị hình phạt rất nặng. Người có hành vi đánh đập hay mưu giết ông bà cha mẹ của mình hay của chồng, của vợ mình đều bị xử tử hình.

Con cái rủa mắng ông bà cha mẹ, không nuôi cha mẹ già, đang có tang cha mẹ mà vui chơi, tham gia các hoạt động cờ bạc, rượu chè, đàng điếm đều phạm tội thập ác. Người phạm tội sẽ bị phạt đồ hình (lao động khổ sai), bắt phục vụ cho binh lính ở chiến trường. Trước khi thụ án, kẻ bất hiếu còn bị phạt đòn 80 trượng.

Tội bất hiếu trong pháp luật và đạo đức xã hội đều khó dung tha.
 Tội bất hiếu trong pháp luật và đạo đức xã hội đều khó dung tha.

Ngày nay, theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình thì con cái với cha mẹ, ông bà là mối quan hệ gia đình, phải biết yêu thương, chăm sóc, quý trọng lẫn nhau. Con cái có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình; có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.

Cũng theo quy định của pháp luật thì tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình (tội bất hiếu) là một trong hành vi phá hoại hạnh phúc gia đình và phải chịu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, Bộ luật Hình sự có chế tài để bảo vệ quan hệ hôn nhân và gia đình, trong đó bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu, người có công nuôi dưỡng khi những người khác có hành vi bạo lực, xâm hại đến thân thể của họ. Bởi vậy, theo quy định của pháp luật thì người vi phạm sẽ phải đối mặt với mức hình phạt là cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm...

Có thể nói dưới góc nhìn của luật hiện hành thì nghĩa vụ của con cái trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ đặc biệt là cha mẹ ốm đau, già yếu, khuyết tật... không chỉ là vấn đề đạo đức xã hội mà đây còn là trách nhiệm pháp lý. Nếu người nào vi phạm nghĩa vụ, trách nhiệm này thì tùy vào tính chất mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự…

Vĩ thanh

Có một vụ án xảy ra ở Hải Dương đã cách đây 3 năm, người con dùng chiếc quạt cây đánh chính người mẹ đẻ của mình đến nứt hộp sọ. Tàn nhẫn hơn, sau khi gây án, người con đặt mẹ lên giường và để mặc ở đó đến ngày hôm sau.

Không biết đêm hôm đó, trong khi đứa con nghịch tử say ngủ mà không hề hối lỗi, người mẹ đã phải trải qua những cảm xúc đau đớn đến thế nào? Bà phải đặt cho mình biết bao câu hỏi, biết bao hình ảnh ngày xưa từ lúc mang nặng đẻ đau, đến câu hát ầu ơ ru con ngủ, đến những mồ hôi nước mắt đã chảy xuống… 

Trong kho tàng kinh các của Phật giáo, trong Kinh Đại tập Đức Phật dạy: “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật. Gặp đời không có Phật, nên biết khéo phụng sự cha mẹ tức là phụng sự Phật vậy”. 

Đức Khổng Tử, bậc Thánh khai sáng đạo Nho nêu rõ năm mối quan hệ lớn trong các tương giao xã hội gọi là Ngũ luân gồm: quan hệ vua và bầy tôi (quân thần), quan hệ cha mẹ và con cái (phụ tử), quan hệ chồng vợ (phu phụ), quan hệ anh em (huynh đệ), quan hệ bạn bè (bằng hữu).

Trong đó, mối quan hệ vua và bầy tôi, cha mẹ và con cái, chồng và vợ là ba mối quan hệ cơ bản nhất, quan trọng nhất được gọi là Tam cương (ba giềng mối, ba yếu tố cương lãnh quan trọng). Trong quan hệ phụ tử, Đức Khổng Tử xem hiếu thảo là ứng xử đạo đức quan trọng mà con cái cần phải có đối với cha mẹ.

Mạnh Tử của đạo Nho cũng dạy nhiều về hiếu thảo, làm con mà phạm phải 5 điều sau bị xem là bất hiếu: Lười biếng chẳng chịu làm việc để nuôi cha mẹ; Ham mê cờ bạc, rượu chè, chẳng đoái hoài đến việc phụng dưỡng cha mẹ; Ham mê của cải, chỉ lo làm giàu, hoặc chỉ biết có vợ/chồng mình, chẳng đoái hoài đến việc phụng dưỡng cha mẹ; Chiều theo lòng ham muốn của mình để được sướng tai, vui mắt, ăn chơi sa đọa, trụy lạc, làm những điều xấu xa, tồi tệ khiến cha mẹ xấu hổ tủi nhục; Ham dùng sức mạnh, quyền uy, thế lực gây hấn, đánh nhau làm cha mẹ lo lắng, làm cha mẹ bị liên lụy, nguy hại đến cha mẹ.

Có một bài hát rằng: “Một bông hồng cho em. một bông hồng cho anh và một bông hồng cho những ai đang còn mẹ. Đang còn mẹ để lòng vui sướng hơn. Rủi mai này mẹ hiền có mất đi. Như đóa hoa không mặt trời…”.

Pháp luật ngày nay tuy không có hình phạt nặng như đánh đòn 80 trượng rồi bắt đồ hình khổ sai, lưu đày… đối với tội bất hiếu như cổ luật ngày xưa nữa, nhưng dù ở góc độ nào đi chăng nữa thì người con phạm tội bất hiếu cũng đã thực sự đánh mất đi tư cách làm người của mình.

Đọc thêm

Hà Giang: Một cán bộ địa chính xã bị khởi tố

Hà Giang: Một cán bộ địa chính xã bị khởi tố
(PLVN) - Mới đây, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Hà Giang vừa ra quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thị Thủy (SN 1980) là công chức địa chính xã Kim Linh (huyện Vị Xuyên) về hành vi Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Đăng thông tin xuyên tạc trên Facebook, một đối tượng bị bắt giam

Đăng thông tin xuyên tạc trên Facebook, một đối tượng bị bắt giam
(PLVN) -Ngày 20/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, cho biết đã ra quyết định Khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Bùi Tiến Lợi (SN 1969, nơi thường trú khu phố 8, phường Phú Lợi, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Khởi tố thêm 2 cán bộ trong vụ sai phạm về quản lý đất đai tại Lào Cai

Vũ Xuân Nghiêm thời điểm bị bắt giữ.
(PLVN) -  Ngày 19/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lào Cai đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc  của 2 bị can để điều tra về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan đến công tác quản lý đất đai tại xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.

Bắt tạm giam Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Hào Kiệt

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã thi hành lệnh bắt tạm giam bị can Nguyễn Văn Giỏi.
(PLVN) - Liên quan đến vụ án vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh An Giang, sáng 20/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh An Giang cho biết vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam bị can Nguyễn Văn Giỏi (SN 1991, ngụ huyện An Phú, tỉnh An Giang) - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Hào Kiệt về hành vi “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.