“Chúng tôi sẽ kiên quyết chứ không có chuyện tạm dừng” - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Nguyễn Ngọc Đông khẳng định về việc phân luồng 30% xe khách đoạn Hà Nội – Vinh sang đường Hồ Chí Minh (HCM).
Giảm tải cho quốc lộ 1
Ngày 29/1, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã gửi thông báo đến 22 Sở GTVT, đề nghị lựa chọn 30% số xe khách tuyến cố định liên tỉnh từ 300 -1.000km hướng Quốc lộ 1 (QL1) - TP Vinh sang hoạt động trên đường HCM đoạn Hà Nội – Vinh từ ngày 1/2. Đại diện Tổng cục Đường bộ cho biết, việc phân luồng một số phương tiện từ hướng QL1A sang đường HCM đoạn Hà Nội - Vinh nhằm khai thác hiệu quả đường HCM và giảm tải cho QL1.
Theo báo cáo so sánh chi phí hoạt động vận tải theo QL1 và đường HCM đoạn Hà Nội – Vinh của Tổng cục Đường bộ, hành trình mới dài hơn 60km tuy nhiên thời gian di chuyển lại ngắn hơn. Với xe con và xe khách thời gian tiết kiệm hơn từ 60 – 116 phút; xe tải nhẹ và xe tải hạng trung tiết kiệm từ 37 – 57 phút.
Chỉ có xe tải hạng nặng di chuyển trên đường HCM đoạn Hà Nội – Vinh có thời gian tiết kiệm không đáng kể so với đường QL1A. Tổng cục này tính toán chi phí cho 290km lưu thông trên QL1A đoạn Hà Nội – Vinh đối với các loại phương tiện xe con, xe tải, xe khách dao động từ 35.000 – 1.280.000 đồng. Hai loại phương tiện phải gánh nhiều chi phí nhất đi qua tuyến này chính là xe tải nặng 3 trục và trên 4 trục. Trong khi đó phương án đi qua đường HCM có ưu điểm là không có trạm thu phí…
Tổng cục Đường bộ cũng yêu cầu các tuyến vận tải hành khách cố định trên 1.000 km có lộ trình đi qua QL1 đoạn Hà Nội - Ninh Bình - Thanh Hóa - Vinh và ngược lại, sẽ đi theo vành đai 3 ra đường HCM, Sở GTVT các tỉnh, thành phố liên quan hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện.
Doanh nghiệp không mặn mà
Tuy nhiên, thực tế một tuần qua, trong tổng số 117 DN phải điều chỉnh hành trình, có rất ít đơn vị thực hiện...
Một loạt lý do được các DN viện dẫn ra, trong đó nổi lên là cơ sở hạ tầng dịch vụ chưa đáp ứng, cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện, các dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi và trạm xăng dầu còn ít… Đặc biệt, dẫu không nói ra nhưng một lý do mà DN vận tải nào cũng nhìn thấy rất rõ là khả năng “bắt khách” dọc đường HCM hầu như là không có, bởi dân cư sinh sống hai bên thưa thớt…
Một số DN cho biết, thực ra các dịch vụ sửa chữa phương tiện chủ yếu tập trung ở các thị trấn, thị xã như Hòa Lạc, Phố Châu, Vũ Quang, Hương Khê… Trong khi đó nhiều đoạn hầu như “trắng” dịch vụ sửa chữa, còn các điểm cung cấp xăng dầu, dừng, nghỉ dọc đường chủ yếu mang tính tự phát chưa cung cấp đủ dịch vụ cho lái xe và hành khách. Bên cạnh đó, việc kết nối giữa đường HCM và QL1 thông qua các tuyến đường ngang vẫn còn cản trở…
Sẽ không có chuyện "tạm dừng"
Tại cuộc họp giao ban báo chí hôm 6/1, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) Trần Ngọc Thành cho biết, cơ quan chức năng của Bộ GTVT đã nghiên cứu, điều tra, khảo sát và xây dựng đề án, trong đó giai đoạn 1 mới chỉ phân làn một số tuyến vận tải cố định từ Bắc vào Nam đi theo đường HCM. Bộ cũng đã tiến hành duy tu, bảo dưỡng đoạn đường này đồng thời bổ sung hệ thống biển báo hiệu giao thông, các chỉ dẫn kết nối với QL1…
Về phản ánh của DN vận tải cho rằng nếu đi theo đường HCM thì không thể đón trả khách dọc tuyến, ông Trần Ngọc Thành khẳng định, theo quy định, trên toàn bộ hành trình, xe khách chỉ được phép đón, trả khách tại các bến xe và các điểm đón trả khách đã được đăng ký, chứ không có chuyện bắt khách dọc đường. Trong thời gian tới, các lực lượng chức năng sẽ cương quyết, xử lý việc đón trả khách không đúng quy định, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong lĩnh vực vận tải đường bộ
Thứ trưởng Bộ GTVT kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, việc phần luồng đường HCM đã có sự nghiên cứu, chuẩn bị từ trước chứ không hề đột ngột. “Thực ra từ năm 2006, sau khi thông đoạn Hà Nội-Kon Tum, Bộ cũng đã có nhiều hướng dẫn sử dụng tuyến đường này nhằm giảm tại cho QL1. Việc phân luồng này tiếp tục thực hiện từ nhiều năm nay.
Chúng tôi sẽ kiên quyết chứ không có chuyện tạm dừng!”. Ông Đông cũng cho biết việc phân luồng đường HCM cũng là để giảm tải cho QL 1, nhất là QL 1 hiện nâng cấp mở rộng nên việc đi lại rất khó khăn và Bộ cũng chỉ bắt buộc đối với đoạn Hà Nội- Vinh vì đoạn này cơ bản các dịch vụ đã đáp ứng được, kể cả vấn đề cứu hộ cứu nạn…
Dự kiến, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ làm việc trực tiếp với địa phương và trao đổi trực tiếp với DN nếu có ý kiến phản ánh…
Thanh Lan