Đề xuất quy định 3 cấp độ phòng thủ dân sự
Trình bày báo cáo về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự (PTDS) tại Phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) diễn ra hồi tháng 2 vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, về đánh giá mức độ rủi ro thảm họa, sự cố và cấp độ PTDS, có ý kiến đề nghị quy định rõ thủ tục, nội dung đánh giá mức độ rủi ro về thảm họa, sự cố hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết; nghiên cứu, kế thừa cách phân loại, đánh giá mức độ ảnh hưởng rủi ro cho thống nhất với các luật chuyên ngành.
Nhiều ý kiến đề nghị xác định cấp độ PTDS cần căn cứ vào tính chất, quy mô, mức độ nghiêm trọng xảy ra để có các biện pháp ứng phó, khắc phục tương ứng. Có ý kiến đề nghị cần quy định tiêu chí có tính định lượng để đánh giá chính xác mức độ rủi ro, tách riêng cấp độ sự cố và cấp độ thảm họa...
Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho biết, do đặc điểm, tính chất các loại sự cố nên cách thức, tiêu chí phân loại, đánh giá mức độ rủi ro do các loại sự cố cũng khác nhau, một số sự cố được quy định cụ thể cách thức, tiêu chí phân loại, đánh giá mức độ rủi ro nhưng nhiều sự cố không được quy định về đánh giá mức độ rủi ro mà chỉ xác định các tiêu chí để phân loại cấp độ sự cố. Với đặc thù đó, việc phân cấp độ sự cố cho các loại rủi ro cũng khác nhau.
Với đặc điểm trên, không thể có cách thức, tiêu chí đánh giá chung về mức độ rủi ro cho tất cả các loại thảm họa, sự cố trong PTDS. Việc đánh giá thảm họa theo tiêu chí nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng là khó khả thi và không có căn cứ định lượng. Từ các lý do trên, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị UBTVQH cho bỏ quy định về đánh giá mức độ rủi ro tại khoản 1 Điều 6 của Dự thảo Luật Chính phủ trình.
Đối với quy định về cấp độ PTDS, tiếp thu ý kiến các đại biểu QH, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị UBTVQH cho chuyển nội dung Điều 21 về Điều 6 dự thảo Luật Chính phủ trình và sửa lại thành Điều 5 mới là “Cấp độ PTDS”. Theo đó, hoạt động PTDS được chia thành 3 cấp độ để ứng phó với các sự cố, thảm họa.
Việc xác định cấp độ PTDS sẽ căn cứ vào các tiêu chí, bao gồm phạm vi ảnh hưởng, khả năng lan rộng và hậu quả có thể xảy ra của sự cố, thảm hoạ; đặc điểm vị trí địa lý, dân cư, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của địa bàn chịu ảnh hưởng của sự cố, thảm họa; diễn biến, mức độ gây thiệt hại và thiệt hại do sự cố, thảm họa gây ra và khả năng ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa của chính quyền địa phương và lực lượng PTDS. “Với cách thức xác định này, việc phân định cấp độ PTDS đã bảo đảm cả về tính chất, mức độ và địa bàn, địa giới hành chính, tạo căn cứ chặt chẽ cho các cấp chính quyền “kích hoạt” và áp dụng các biện pháp PTDS phù hợp”, ông Lê Tấn Tới khẳng định.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh thống nhất với Cơ quan soạn thảo đề nghị không quy định “PTDS cấp độ 4” được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố trong tình trạng khẩn cấp mà xác định cụ thể các biện pháp PTDS trong tình trạng khẩn cấp tại Điều 25 dự thảo Luật trình UBTVQH. “Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho rằng quy định về cấp độ PTDS là nội dung rất quan trọng, là cơ sở để phân định hoạt động PTDS với các hoạt động thường xuyên trong ứng phó với các sự cố thông thường theo quy định của pháp luật. Việc xác định cấp độ sẽ làm căn cứ để áp dụng triển khai đồng bộ, thống nhất các biện pháp PTDS cụ thể”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh nhấn mạnh.
Rà soát để quy định đảm bảo tính đồng bộ
Cho ý kiến về nội dung này, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc UBTVQH Nguyễn Thị Thanh tán thành với việc xác định các cấp độ PTDS để ứng phó với các sự cố, thảm họa. “Khu vực phòng thủ của các địa phương đều có cấp độ và hàng năm đều có diễn tập theo cấp độ đó”, Trưởng Ban Công tác đại biểu dẫn chứng và bày tỏ đồng tình với ý kiến của Ủy ban Quốc phòng - An ninh trong xác định cấp độ PTDS. Theo bà Nguyễn Thị Thanh, quy định như vậy là rõ ràng, khoa học và liên thông, tạo thuận lợi cho việc tiếp cận, dễ hiểu.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định đề nghị, việc phân loại cấp độ PTDS phải tương xứng với phân cấp độ của các luật như: Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Lâm nghiệp… Đánh giá việc phân loại như dự thảo Luật đã rõ hơn, thuyết phục hơn nhưng Phó Chủ tịch QH cũng đề nghị rà soát để quy định đảm bảo tính đồng bộ. “Giả sử dịch bệnh xảy ra ở 2 xã, liên quan đến đến 2 huyện tại 2 tỉnh giáp nhau thì phân loại là 2 cấp độ 1 hay 1 cấp độ 3? Cách xử lý thế nào?”, Phó Chủ tịch QH đặt câu hỏi.
Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng cho rằng quy định như dự thảo Luật là tương đối rõ, gọn và dễ theo dõi. Dẫn quy định của dự thảo Luật đề ra 4 tiêu chí để xác định cấp độ PTDS bao gồm phạm vi ảnh hưởng, khả năng lan rộng và hậu quả có thể xảy ra của sự cố thảm họa; đặc điểm vị trí địa lý, dân cư, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của địa bàn chịu ảnh hưởng; diễn biến, mức độ gây thiệt hại và thiệt hại do sự cố thảm họa gây ra và thứ 4 là khả năng ứng phó, khắc phục hậu quả, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật kiến nghị, quy định các cấp độ PTDS phải gắn với đầy đủ 4 tiêu chí trên. Do đó, cần rà soát và bổ sung thêm những dấu hiệu, những tiêu chí để đánh giá cấp độ PTDS đảm bảo đầy đủ, cụ thể hơn để vận dụng trong thực tiễn.
Cấp độ PTDS được quy định như sau:
a) PTDS cấp độ 1 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa trong phạm vi địa bàn cấp huyện, khi việc ứng phó, khắc phục vượt quá khả năng của lực lượng chuyên trách và chính quyền cấp xã, cần phải có sự tham gia của các lực lượng và người dân dưới sự điều hành của chính quyền cấp huyện;
b) PTDS cấp độ 2 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa trong phạm vi địa bàn cấp tỉnh, vượt quá khả năng ứng phó của chính quyền cấp huyện;
c) PTDS cấp độ 3 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa trên địa bàn một hoặc một số tỉnh, TP trực thuộc Trung ương có khả năng lan rộng,vượt quá khả năng ứng phó của chính quyền cấp tỉnh. (Trích dự thảo Luật PTDS)