Đó là ý kiến được đưa ra tại Hội thảo khoa học “Phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương ở Việt Nam hiện nay” do Bộ Nội vụ và Văn phòng Viện KAS tại Việt Nam phối hợp tổ chức, diễn ra hôm nay (8/5) tại Hà Nội.
Đánh giá đúng thực trạng
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ với chính quyền địa phương đã được đẩy mạnh đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành thống nhất của Chính phủ và phát huy sự chủ động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi thẩm quyền của chính quyền địa phương các cấp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của hệ thống hành chính từ Trung ương đến cơ sở.
Tuy nhiên, thời gian qua, có khá nhiều thông tin đã phản ánh về hiện tượng nhiều địa phương tìm cách đẩy công việc lên cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. “Chuyện đùn đẩy mọi việc lên cho Chính phủ và Thủ tướng xảy ra do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất có thể thấy đó là sự phân chia thẩm quyền giữa các cấp chính quyền chưa đủ rõ ràng, mạch lạc.
Một số nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã chưa được quy định rõ, vẫn còn một số nhiệm vụ cả cấp tỉnh, cấp huyện hoặc cấp huyện, cấp xã cùng thực hiện nhưng chưa rõ thẩm quyền và trách nhiệm của từng cấp trong quản lý”- ông Tuấn nói.
Qua gần 3 năm triển khai thực hiện Luật tổ chức Chính quyền địa phương 2015 (TCCQĐP), bên cạnh các kết quả đã đạt được, một số quy định hiện hành của Luật cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Chính vì vậy, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nhấn mạnh rất cần thiết phải tiến hành tổ chức hội thảo này nhằm đánh giá đúng thực trạng việc phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương hiện nay, những vướng mắc, hạn chế trong quy định của Luật TCCQĐP hiện hành, trên cơ sở đó làm căn cứ cho việc đề xuất, kiến nghị nhằm xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cấp chính quyền, tránh chồng chéo như hiện nay, một việc nhiều cấp chính quyền thực hiện.
Còn khoảng cách giữa luật và thực tế
Cho rằng Hiến pháp 2013 đã thay tên gọi của Chương Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân thành tên gọi là Chính quyền địa phương, mở ra khả năng đa dạng các mô hình tổ chức chính quyền địa phương, nhưng theo GS.TS. Nguyễn Đăng Dung, Khoa Luật- Đại học Quốc gia Hà Nội, Luật TCCQĐP 2015 vẫn không thể hiện được tinh thần của nguyên tắc chính quyền địa phương tự quản. Vì khái niệm này cho đến hiện nay vẫn chưa được thừa nhận một cách chính thức trong các văn kiện của Đảng.
Mặc dù Luật TCCQĐP có phân biệt rõ ràng giữa chính quyền địa phương thành thị khác với vùng nông thôn. “Nhưng đi vào cụ thể các nhiệm vụ quyền hạn giữa chúng vẫn là giống nhau không có gì thay đổi”- ông Nguyễn Đăng Dung khẳng định.
Cùng quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh, Khoa Luật- Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, Hiến pháp 2013 đã thừa nhận thẩm quyền riêng của địa phương thông qua quy định: địa phương được quyền “quyết định các vấn đề của địa phương do luật định”. Đây là thẩm quyền riêng biệt, độc lập so với thẩm quyền của các cơ quan nhà nước cấp trên. Tuy nhiên, Luật TCCQĐP đã không làm rõ hơn nhiều lắm ý tưởng phân quyền thể hiện trong Hiến pháp 2013.
Phân tích cụ thể hơn vấn đề này, bà Nguyễn Hoàng Anh dẫn chứng: về tổ chức, Luật TCCQĐP bổ sung thêm đơn vị hành chính: thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; đồng thời phân biệt giữa chính quyền địa phương ở nông thôn và ở đô thị. Nhưng những quy định này chưa đủ để có thể xây dựng mô hình riêng biệt về tổ chức các cơ quan chính quyền ở từng loại địa phương.
Quang cảnh hội thảo. |
Cùng với đó, phân quyền đã được đề ra nhưng vẫn chỉ dừng lại ở những nguyên tắc chung chung. Theo các quy định cụ thể về thẩm quyền của từng cấp chính quyền, thì đa số các loại quyền hạn vẫn đang tồn tại dưới dạng thức “chia sẻ” giữa nhiều cấp địa phương hay giữa địa phương (cấp tỉnh) và Trung ương. Luật TCCQĐP chưa có những quy định về quyền hạn riêng của địa phương - tương ứng với quy định Hiến pháp về “những công việc của địa phương”.
Ngoài ra, cơ chế kiểm soát quyền lực Trung ương - địa phương chưa được quy định tương thích với ý tưởng phân quyền. “Mặc dù Hiến pháp đã quy định về khả năng phân quyền, phân cấp và uỷ quyền, nhưng theo Luật TCCQĐP, ngay cả khi thực hiện các công việc đã được phân quyền, chính quyền địa phương vẫn phải chịu sự kiểm tra, giám sát của “cơ quan nhà nước cấp trên” và đây là điều không thực phù hợp với nguyên tắc phân quyền hành chính được thực hành phổ biến trên thế giới, mâu thuẫn ngay với quy định trong Luật: “Chính quyền địa phương tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền””- bà Hoàng Anh nêu quan điểm.
Giảm bớt tối đa giám sát hành chính của cấp trên
Từ thực tế trên, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh đã chỉ ra những vấn đề cần cải cách mà pháp luật về TCCQĐP Việt Nam cần hướng tới. Cụ thể, khi đã xác định các địa phương có thể thực thi các quyền tự chủ, cần quy định rõ các thẩm quyền của địa phương đó. Chính quyền địa phương cần có những thẩm quyền riêng biệt – so với các cơ quan nhà nước cấp trên. Đó là các thẩm quyền được thực hiện trong phạm vi phân cấp.
Có thể các thẩm quyền này được thừa nhận tại Luật tổ chức, hoặc được quy định rành mạch tại các Luật chuyên ngành. Các thẩm quyền đó có thể được quy định theo hướng liệt kê, hoặc lý tưởng hơn- theo kiểu loại trừ: những gì mà không thuộc phạm vi hoạt động của trung ương thì thuộc thẩm quyền của địa phương. Khi ranh giới thẩm quyền giữa trung ương, địa phương hay giữa các cấp địa phương chưa rõ thì toà án sẽ là người đưa ra giải thích cuối cùng.
PGS.TS.Nguyễn Hoàng Anh phát biểu tại hội thảo. |
Đối với vấn đề địa phương tự quản, bà Hoàng Anh đề nghị luật cần đổi mới cơ chế giám sát hoạt động của địa phương. “Kinh nghiệm nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, đối với các lĩnh vực tự quản của chính quyền địa phương, chỉ có thể tồn tại một cơ chế giám sát duy nhất là tư pháp. Tòa án chính là cơ quan độc lập, khách quan và chuyên nghiệp nhất để đánh giá tính hợp pháp trong hoạt động của chính quyền địa phương đối với những lĩnh vực đã được phân cấp, phân quyền”-bà Hoàng Anh cho biết.
Tuy nhiên, việc giám sát hành chính của cấp trên nên giảm bớt tối đa, bởi lẽ sự can thiệp hành chính một cách trực tiếp và toàn diện là đi ngược lại với quyền tự chủ của địa phương. Trong bối cảnh chính quyền địa phương phân cấp, tự chủ thì việc giám sát sẽ phải phân biệt hai trường hợp:
Đối với các thẩm quyền chưa phân quyền cho địa phương, nghĩa là những thẩm quyền mà địa phương thực hiện căn cứ vào văn bản pháp luật, sự chỉ đạo của cấp trên (trước khi quyết định phải được phê chuẩn, duyệt của cấp trên) thì trong trường hợp này, cấp trên có quyền giám sát trực tiếp thông qua việc đình chỉ, bãi bỏ các văn bản của chính quyền địa phương nếu trái luật, trái văn bản cấp trên.
Đối với những thẩm quyền đã phân quyền cho địa phương, nghĩa là những thẩm quyền mà địa phương có toàn quyền tự quyết, thì cấp trên không có quyền giám sát trực tiếp. Văn bản của chính quyền địa phương chỉ chịu sự kiểm soát duy nhất của pháp luật mà đại diện là cơ quan tư pháp.