Phân quyền, phân cấp, ủy quyền thế nào mới hợp lý?
Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Hà Tĩnh và Kiên Giang cho rằng, thứ nhất, cần cân nhắc quy định HĐND có thể ủy quyền cho Thường trực HĐND trên cơ sở xác định rõ vị trí, vai trò của Thường trực HĐND (Văn phòng Chính phủ).
Thứ 2, HĐND hai địa phương này đề nghị bỏ nội dung “Trong trường hợp cần thiết, HĐND ban hành Nghị quyết về vấn đề đã được Thường trực HĐND giải quyết trong thời gian giữa hai kỳ họp HĐND”. Bởi vì, nếu Nghị quyết HĐND không tán thành những vấn đề Thường trực HĐND đã thực hiện thì sẽ không có phương án giải quyết.
Cùng trong vấn đề này, HĐND TP Đà Nẵng và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đưa ra đề nghị rằng, chưa có quy định cụ thể lĩnh vực cần thực hiện phân cấp và ủy quyền để thống nhất áp dụng ban hành các văn bản ủy quyền hoặc phân cấp.
Luật hiện hành quy định hình thức văn bản phân cấp, còn ủy quyền thì bằng văn bản (có thể hiểu là văn bản hành chính hoặc văn bản quy phạm pháp luật). Mặt khác, luật quy định phân cấp phải thực hiện một cách “liên tục, thường xuyên”, còn ủy quyền thực hiện trong “khoảng thời gian xác định”.
Như vậy, khi một nhiệm vụ được ủy quyền nhiều lần trong thời gian nhất định thì cũng có thể hiểu được là nhiệm vụ ủy quyền này thành phân cấp. Từ đó, dẫn đến cách hiểu và áp dụng thực hiện thiếu thống nhất đối với quy định này.
Do vậy, đề nghị sửa đổi Khoản 1 Điều 12 và Khoản 1 Điều 14 để xác định rõ hơn nguyên tác phân quyền, ủy quyền; Luật phải quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền, tránh tình trạng có việc thì cả 3 cấp cùng làm, có việc không rõ ai làm, ai chịu trách nhiệm.
Trước những ý kiến góp ý về vấn đề phân quyền, phân cấp, ủy quyền, Bộ Nội vụ đã tiếp thu và đã bổ sung quy định mang tính nguyên tắc để các luật chuyên ngành quy định cụ thể: Các luật khi quy định nhiệm vụ, quyền hạn cho các cơ quan nhà nước ở địa phương phải quy định cụ thể các nhiệm vụ, quyền hạn mà cơ quan nhà nước ở địa phương không được phân cấp, ủy quyền cho cơ quan nhà nước cấp dưới hoặc cơ quan tổ chức khác…
Đề xuất có 2 Phó Chủ tịch UBND tỉnh
Trong những quy định về số lượng cấp Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND), Sở Nội vụ tỉnh Hưng Yên đề xuất, số lượng Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thị xã thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố là 2.
UBND tỉnh Bắc Ninh, Cao Bằng, Quảng Nam, Hậu Giang, Kiên Giang, Bình Phước… đều kiến nghị rằng, nên giữ nguyên quy định có 2 Phó Chủ tịch UBND tỉnh do chức danh Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh quy định tại Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 nâng lên thành Phó Chủ tịch UBND tỉnh trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương nên không làm tăng biên chế. Ngoài ra, dự thảo Luật cần sửa đổi bổ sung Khoản 2 Điều 25 về thành phần Thường trực HĐND và số lượng Phó Chủ tịch UBND huyện để đảm bảo sự thống nhất trong văn bản.
Theo ý kiến của UBND tỉnh Quảng Nam và Ủy ban Pháp luật, HĐND và UBND là hai thành tố trong chính thể của chính quyền địa phương, hai cơ quan này có mối quan hệ chặt chẽ về mặt tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.
Do đó, nội dung của dự thảo Luật cần đảm bảo tính thống nhất. Trong cùng một dự án Luật nhưng có quy định khác nhau về tổ chức của HĐND và UBND là chưa phù hợp. Để đảm bảo tính thống nhất trong các quy định về tổ chức chính quyền địa phương, đồng thời thực hiện chủ trương “giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt đồng” theo Nghị quyết 18-NQ/TW, các địa phương này đề nghị Bộ Nội vụ quy định số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh theo loại đơn vị hành chính (tỉnh loại 1 có 2 Phó Chủ tịch, tỉnh loại 2, 3 có 1 Phó Chủ tịch HĐND).
Đối với số lượng cấp Phó Chủ tịch UBND cấp xã loại I, II, HĐND tỉnh Cao Bằng đề nghị quy định xã, phường, thị trấn loại I có từ 1-2 Phó Chủ tịch; còn xã, phường, thị trấn loại II, III có 01 Phó Chủ tịch để giảm biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 18. Trong khi đó, Sở Nội vụ tỉnh Bình Phước cho rằng, đối với cấp xã loại II nên bố trí 02 Phó Chủ tịch UBND, loại III nên giữ nguyên theo quy định hiện hành.
Bộ Nội vụ cho biết nội dung này hiện còn có nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, việc tăng số lượng Phó Chủ tịch UBND phải phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương nhưng phải đặt trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW về tinh giản biên chế.
Bên cạnh đó, trong quy định về cơ cấu của HĐND các cấp, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã đề nghị Bộ Nội vụ tiếp thu nghiên cứu các quy định như: Có nên giữ quy định tất cả người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện là thành viên UBND như hiện hành hay chỉ quy định một số như Luật 2003; việc bầu/bổ nhiệm Ủy viên UBND và người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện để không bị vướng trong tổ chức thực hiện.
Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, tuy nhiên hiện nay Bộ Nội vụ cho biết vẫn đang tiếp tục nghiên cứu và tổng kết thực hiện, sau đó sẽ đề xuất sửa đổi các nội dung này.