Nền kinh tế có nhiều dấu hiệu tích cực
Theo Báo cáo của Chính phủ, tháng 10 và 10 tháng năm 2015, tình hình kinh tế- xã hội (KT-XH) tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Trong tháng 10, chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng thấp so với các tháng qua, với mức tăng 0,11% so với tháng trước; tăng 0,51% so với tháng 12/2014; ước cả năm tăng khoảng 2%.
Về thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN): lũy kế từ đầu năm tính đến ngày 15/10 tổng thu NSNN ước đạt 709,82 nghìn tỷ đồng, bằng 77,9% dự toán; tổng chi NSNN ước đạt 867,67 nghìn tỷ đồng, bằng 75,6% dự toán. Về sản xuất công nghiệp: chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 ước tăng 3,4% so với tháng trước và tăng 8% so với cùng kỳ năm 2014.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đã khắc phục nhiều khó khăn do thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh gây ra, bảo đảm phát triển ổn định, nhất là trong sản xuất lương thực, trồng rừng và đánh bắt hải sản. Khách quốc tế đến nước ta trong tháng 10 ước đạt 649,1 nghìn lượt người, tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 16,1% so với tháng 10/2014.
Tuy nhiên bên cạnh đó, nền kinh tế nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Giá dầu thô và giá xuất khẩu nông sản giảm mạnh đã ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế nước ta, nhất là đến thu NSNN. Khu vực nông nghiệp, thủy hải sản gặp nhiều khó khăn do thiên tai, bão lũ và áp lực cạnh tranh về thị trường. Một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chiến lược giảm cả về lượng và về giá trị như gạo, cà phê, chè...
Nỗ lực giảm chi ngân sách
Theo Văn phòng Chính phủ, căn cứ tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2011 - 2015, dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước trong 5 năm tới, với mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2016 - 2020 khoảng 6,5 - 7%/năm, Chính phủ đã nghiên cứu, xây dựng khá thận trọng trên cơ sở các phương án vay trả nợ khác nhau cho giai đoạn 2016 - 2020 và đang trình Quốc hội cho ý kiến.
Các phương án xây dựng đều bảo đảm giới hạn nợ công đã được Quốc hội thông qua, theo đó, đến năm 2020 nợ công không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 55% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.
Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe, cho ý kiến đối với một số nội dung: Về tình hình thu - chi, cân đối ngân sách năm 2015, theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong năm 2015, tổng thu ngân sách tăng khoảng 7%, nhưng tăng thu là của địa phương, còn thu ngân sách Trung ương lại hụt thu khoảng 31 nghìn tỷ đồng, nguyên nhân chính là do giá dầu giảm, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Thủ tướng chỉ đạo, từ nay đến cuối năm còn 2 tháng, các cơ quan chức năng nỗ lực tăng thu, bảo đảm cân đối ngân sách cho năm 2015.
Về tăng lương cơ bản cho cán bộ, công chức, viên chức (áp dụng với đối tượng có mức lương từ 2,34 trở lên), ý kiến của các thành viên Chính phủ đều cho rằng tình hình ngân sách khó khăn, khó bố trí được nguồn cho tăng lương; cho rằng thực hiện theo phương án đã báo cáo Trung ương, Chính phủ sẽ tiếp tục tính toán các phương án cân đối ngân sách và sẽ trình Quốc hội phương án và thời điểm tăng lương vào kỳ họp Quốc hội tháng 3/2016.
Chính phủ nhất trí với phương án của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc nghỉ lễ, Tết năm 2016 đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. Theo đó, đợt nghỉ Tết Âm lịch 2016 tổng cộng nghỉ 9 ngày và không thực hiện hoán đổi ngày nghỉ hàng tuần.
Về xác định chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng giai đoạn 2016 - 2020, các ý kiến thành viên Chính phủ nhất trí với phương án chuẩn nghèo thu nhập là 700.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 900.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị, ước tính tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều là 12% và tỷ lệ hộ cận nghèo khoảng 6%.
Trả lời báo chí về tình hình nợ công của Việt Nam hiện tại và thu - chi ngân sách, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, thực tế ngân sách chúng ta đang khó khăn, đến giờ này còn nhiều vấn đề. Nguyên nhân chính ở đây là do tác động của giá đầu thô giảm mạnh nên thu có giảm. Tuy nhiên nợ công nước ta đang trong ngưỡng cho phép.