PGS.TS Vũ Văn Phúc cho biết, Nhà nước pháp quyền XHCN là mô hình Nhà nước mà luật pháp là công cụ tối thượng để quản lý, điều hành xã hội, nhưng dưới sự chỉ đạo của Đảng. Đây là một quan điểm nhất quán của Đảng ta. Trong bối cảnh phát triển hiện nay, việc nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng và sự cần thiết của “pháp trị” là rất quan trọng. Điều này cũng góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Phân tích, PGS.TS Vũ Văn Phúc chỉ rõ, bài viết của Tổng Bí thư đã làm rõ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.
“Nhà nước pháp quyền XHCN là mô hình Nhà nước mà luật pháp là công cụ tối thượng để quản lý, điều hành xã hội, nhưng dưới sự chỉ đạo của Đảng. Đây là một quan điểm nhất quán của Đảng ta. Trong bối cảnh phát triển hiện nay, việc nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng và sự cần thiết của “pháp trị” là rất quan trọng. Điều này cũng góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng”, PGS.TS Vũ Văn Phúc nhấn mạnh.
Việc tập trung xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là quy luật phát triển tất yếu. Là nguyện vọng và sự lựa chọn của Nhân dân, phù hợp với xu hướng phát triển nhà nước trên thế giới.
PGS.TS Vũ Văn Phúc cho rằng, tính Đảng trong bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm được hiểu là sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Sự lãnh đạo của Đảng là yếu tố then chốt để bảo đảm tính định hướng XHCN trong việc xây dựng và vận hành Nhà nước pháp quyền.
Theo PGS.TS Vũ Văn Phúc: “Tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền được thể hiện qua việc Đảng định hướng, lãnh đạo, còn Nhà nước thực hiện quản lý theo pháp luật, đúng chức năng của mình" (Ảnh minh hoạ) |
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Đảng ta là đảng cầm quyền, sự lãnh đạo của Đảng là tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện, bao trùm mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… Đặc thù của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng”.
Tuy nhiên, không vì thế mà Đảng lấn lướt hoặc làm thay Nhà nước. “Tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền được thể hiện qua việc Đảng định hướng, lãnh đạo, còn Nhà nước thực hiện quản lý theo pháp luật, đúng chức năng của mình. Đó là sự phân định vai trò rõ ràng giữa lãnh đạo và quản lý mà Tổng Bí thư đã nhấn mạnh trong bài viết”, PGS.TS Vũ Văn Phúc cho hay.
Trong bài viết, Tổng Bí thư cũng nhắc đến việc phải kết hợp hài hòa giữa lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Phân tích thêm về vấn đề này, PGS.TS Vũ Văn Phúc khẳng định, đây là một điểm mấu chốt trong lý luận về Nhà nước pháp quyền XHCN.
Sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước phải là hai mặt không thể tách rời nhưng cần có sự phân định rõ ràng về vai trò và trách nhiệm. Đảng cầm quyền, định hướng và đưa ra chủ trương, đường lối, chính sách; Nhà nước thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách thành pháp luật và quản lý đất nước, quản lý xã hội bằng pháp luật.
“Sự kết hợp hài hòa này sẽ giúp tránh tình trạng Đảng bao biện làm thay Nhà nước, hoặc Nhà nước tách rời sự lãnh đạo của Đảng”, PGS.TS Vũ Văn Phúc khẳng định.
Trong bài viết, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, để phát huy hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước đối với xã hội bằng pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì cần phải tăng cường đồng thời 2 yếu tố: Đức trị và pháp trị.
Trong đó, yếu tố “đức trị” là sự phát huy các ưu điểm, thế mạnh, vị trí, vai trò của tổ chức cơ sở Đảng, tính tiên phong, nêu gương của cán bộ Đảng viên để dẫn dắt yếu tố “pháp trị” là việc thực hiện quản lý xã hội bằng pháp luật.
Làm rõ về mối quan hệ giữa “đức trị” và “pháp trị” mà Tổng Bí thư đề cập trong bài viết, PGS.TS Vũ Văn Phúc chỉ rõ, “đức trị” và “pháp trị” là hai khái niệm bổ trợ lẫn nhau trong quá trình xây dựng và vận hành Nhà nước pháp quyền XHCN.
Trong đó, “đức trị” đề cao đạo đức, phẩm chất của những người lãnh đạo, đặc biệt là đảng viên và cán bộ Nhà nước, những người giữ vai trò quan trọng trong thực thi pháp luật và quản lý xã hội.
Còn “pháp trị”, về bản chất, là sự thượng tôn pháp luật, đảm bảo rằng mọi hoạt động của Nhà nước và xã hội đều được điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật thống nhất, minh bạch và công bằng.
“Tổng Bí thư đã nhấn mạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa “đức trị” và “pháp trị”, khi các nhà lãnh đạo vừa cần có đạo đức trong sạch, vừa cần hành xử đúng pháp luật, mới có thể duy trì và phát triển Nhà nước pháp quyền XHCN. Như bài viết của Tổng Bí thư đã nêu “yếu tố “đức trị” là sự phát huy các ưu điểm, thế mạnh, vị trí, vai trò của tổ chức cơ sở Đảng, tính tiên phong, nêu gương của cán bộ Đảng viên để dẫn dắt yếu tố “pháp trị” là việc thực hiện quản lý xã hội bằng pháp luật””, PGS.TS Vũ Văn Phúc nói.