Đường thủy nội địa được ví như “đứa con” bị bỏ rơi khi cơ sở vật chất quá sơ khai, lạc hậu. Dù có nhiều tiềm năng nhưng chưa phát triển bởi các Bộ, ngành và địa phương liên quan chưa quan tâm đầu tư đúng mức... Đó là thực trạng được chỉ ra tại Hội nghị sơ kết hai năm thực hiện Quyết định số 47/2015/QĐ-TTg (gọi tắt là Quyết định 47) của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển GTVT đường thủy nội địa.
Chỉ 9/14 chính sách được triển khai
Theo báo cáo của Bộ GTVT, sau hơn hai năm thực hiện Quyết định 47, vốn bảo trì đường thủy nội địa hàng năm được bố trí tăng từ 20-30%. Từ nguồn kinh phí này, cơ sở vật chất tại nhiều tuyến đường thủy được nâng cấp, cải tạo. Hơn hai năm qua đã di dời tổng cộng 1.715 báo hiệu các loại; bổ sung, thay thế gần 2.000 báo hiệu.
Triển khai nạo vét giao thông tại các bãi cạn xung yếu, tổng khối lượng thực hiện được là 2,6 triệu m3. Tại nhiều tuyến đường thủy tại phía Bắc, tàu trọng tải 5.000 tấn đã có thể lưu thông bình thường, không bị vướng cạn.
Ngoài ra, đã sửa chữa, duy tu 23 nhà trạm quản lý đường thủy nội địa với kinh phí khoảng 25 tỷ đồng; sửa chữa được 28 kè các loại trong hệ thống kè chính trên các tuyến sông với kinh phí 65 tỷ đồng/năm.
Cũng theo báo cáo của Bộ GTVT, năm 2017, vận tải hành khách đường thủy nội địa đạt gần 173 triệu lượt khách; vận tải hàng hóa đạt hơn 249 triệu tấn. So với năm 2014, tăng 25,6 triệu lượt khách; hàng hóa tăng 62,7 triệu tấn... Tuy nhiên, một vài điểm sáng cơ bản nói trên vẫn không khỏa lấp được gam màu ảm đạm trong bức tranh chung về đường thủy nội địa.
Ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho hay, Quyết định 47 của Thủ tướng Chính phủ có 14 nhóm chính sách khuyến khích phát triển GTVT đường thủy nội địa. Nhưng, trong hơn hai năm qua, chỉ có 9 chính sách được triển khai; trong đó chỉ có 2 chính sách được triển khai sâu (mức độ 3), đó là hoạt động bảo trì và miễn giảm vé cho các đối tượng ưu tiên. Một số chính sách được áp dụng lẻ tẻ và nhiều chính sách chưa được áp dụng.
Theo ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội Vận tải Thủy nội địa Việt Nam, 80% phương tiện vận tải đường thủy cũ, muốn thay thế nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) thiếu vốn. Trong khi đó, ưu đãi chính sách về thuế, lãi suất theo Quyết định 47 chưa được thực hiện.
Tại hội nghị này, nhiều đại biểu khác cũng bức xúc không hiểu vì sao chính sách ưu đãi về thuế và lãi suất chưa được triển khai, trong khi DN đang rất cần vốn để phát triển. “Không tiếp cận được vốn vay ngân hàng, nhiều DN phải vay tín dụng “đen””, một đại biểu cho biết.
Tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Quyết định 47, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Nhật cho biết: "Cả nước mới chỉ có 13 địa phương làm quy hoạch đường sông" |
Ngân hàng, Bộ Tài chính không xử lý?
Trả lời những thắc mắc này, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, do Quyết định 47 của Chính phủ không quy định mức lãi suất nên Bộ Tài Chính và Ngân hàng Nhà nước không có cơ sở để thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất vay.
Theo Bộ GTVT, hiện nay việc đầu tư hạ tầng giao thông đường thủy nội địa chủ yếu bằng nguồn vốn vay viện trợ phát triển chính thức (ODA). Đầu tư theo hình thức xã hội hóa đối với giao thông đường thủy nội địa chưa phát triển, không thu hút được nhiều DN tham gia.
Ngoài ra, nhiều bộ, ngành, địa phương liên quan chưa chú trọng, quan tâm đến giao thông đường thủy nội địa. “Có vướng mắc nhưng Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước không đề xuất hướng xử lý; lãnh đạo tại nhiều tỉnh, thành khi nhắc đến giao thông đường thủy thì không hề quan tâm”, một đại biểu nêu thực trạng.
Do bị “bỏ rơi” như vậy nên giao thông đường thủy nội địa ở Việt Nam kém phát triển. Hành lang luồng tuyến bị lấn chiếm, hệ thống báo hiệu chưa hoàn chỉnh; việc khai thác cát trái phép xảy ra thường xuyên, cản trở hoạt động vận tải; kết nối đường thủy địa địa với đường sắt, đường bộ còn yếu…
Trao đổi với PLVN, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật thừa nhận, nhiều địa phương chưa quan tâm phát triển giao thông đường thủy nội địa. “Họ chỉ quan tâm đến đường bộ. Hiện chỉ có khoảng 13 địa phương làm quy hoạch về đường sông, các tỉnh còn lại không làm”, vị thứ trưởng nêu thực trạng, đồng thời đề nghị các địa phương, vụ, cục liên quan quan tâm nhiều hơn đến phát triển giao thông đường thủy nội địa.
Ông Nhật cũng đề nghị Cục Đường thủy nội địa ghi nhận các ý kiến, nhất là các ý kiến của DN, địa phương về thực trạng giao thông đường thủy nội địa; tổng hợp những lý do không thực hiện được các cơ chế khuyến khích phát triển đường thủy theo Quyết định 47; đề xuất các giải pháp gửi Bộ GTVT để đơn vị này tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
DN thừa nhận vận tải thủy nhiều lợi thế
Trao đổi với PLVN, ông Trương Minh Hiền, Giám đốc Công ty Khoáng sản Nam Hà (tỉnh Hà Nam) cho biết, DN của ông khai thác đá xây dựng, thường xuyên vận chuyển đá đến các tỉnh thuộc Đồng bằng Bắc Bộ bằng đường sông, ít vận chuyển bằng đường bộ. Theo ông Hiền, vận chuyển bằng đường thủy có nhiều lợi thế như chi phí thấp, trọng tải lớn, an toàn, thân thiện môi trường. Ông Hiền thừa nhận hệ thống luồng tuyến, cảng sông chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của DN. DN cũng chưa nhận được hỗ trợ của Nhà nước khi vay vốn…