Theo thống kê của ngành y tế Bắc Kạn, đến ngày 29/3, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 109 trường hợp mắc thuỷ đậu. Các ca mắc thuỷ đậu ghi nhận ở 6/8 huyện, thành phố, trong đó có 2 huyện có số mắc cao là Ngân Sơn với 60 ca, Ba Bể 33 ca. Số ca mắc thủy đậu ghi nhận tăng hơn so với cùng kỳ năm 2022, người bệnh phần lớn ở nhóm tuổi mầm non và tiểu học.
Cụ thể, Trung tâm Y tế thành phố Bắc Kạn cho biết, ngày 29/3, đã phát hiện ổ dịch thủy đậu tại Trường tiểu học Phùng Chí Kiên, có 21 trẻ mắc bệnh đang được điều trị và cách ly tại nhà.
Trước đó, ngày 9/3, có ca mắc thuỷ đậu đầu tiên sau đó không ghi nhận ca bệnh nào nữa. Tuy nhiên đến ngày 24/3, xuất hiện 15 ca; ghi nhận đến ngày 29/3 ghi nhận 21 ca mắc thuỷ đậu.
Trước diễn biến của bệnh, Trạm Y tế Phường Phùng Chí Kiên đã chủ động phối hợp với trường học tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh cho học sinh; tổ chức vệ sinh môi trường, vệ sinh khử khuẩn vùng có nguy cơ cao, trường lớp, sàn nhà bằng dung dịch CloraminB.
Trung tâm Y tế Thành phố khuyến cáo người dân không nên tự ý mua thuốc tự điều trị bệnh thủy đậu, mà phải đến ngay các cơ sở y tế để khám, chẩn đoán nguyên nhân chính xác và có hướng điều trị đúng, kịp thời. để phòng bệnh cho bản thân và tránh lây truyền bệnh trong cộng đồng.
Bệnh thủy đậu là gì?
Theo Cục Y tế dự phòng, thủy đậu là bệnh cấp tính do nhiễm virus Varicella Zoter (gây ra bệnh thủy đậu ở trẻ em và bệnh zona ở người lớn). Virus có khả năng sống được vài ngày trong vẩy thủy đậu khi bong ra tồn tại trong không khí. Bệnh rất dễ lây lan, lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu.
Khi bị bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mặt rồi lan ra toàn thân. Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1 - 2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Bệnh thường kéo dài từ 7 - 10 ngày.
Bệnh thủy đậu là bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những mụn nước nhưng rất dễ gây nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm não tuy ít xảy ra. Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sảy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp vào mùa đông xuân.
Các chuyên gia y tế cho biết, thủy đậu ở trẻ sơ sinh là một bệnh nặng (nặng hơn so với thủy đậu trẻ em hoặc người lớn) với nguy cơ tử vong cao lên đến 30% do tổn thương đa cơ quan. Nếu không được điều trị bệnh kịp thời và đúng phác đồ thì trẻ có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, sốc nhiễm trùng nhiễm độc, bội nhiễm vi khuẩn, các biến chứng về thần kinh. Hoặc 1 số biến chứng khác như suy thượng thận, viêm cầu thận, tổn thương mắt, thậm chí là tử vong.
Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:
Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.
Những trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 - 10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.
Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.
Tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi.