Nước Mỹ chấn động vì vụ nổ khiến 29 người bị thương ở New York

Sơ đồ vị trí xảy ra vụ nổ và phát hiện thuốc nổ ở New York
Sơ đồ vị trí xảy ra vụ nổ và phát hiện thuốc nổ ở New York
(PLO) - Chỉ ít ngày sau lễ kỷ niệm 15 năm ngày xảy ra các vụ tấn công ngày 11/9/2001 khiến gần 3.000 người thiệt mạng, người dân New York, Mỹ đã “được” một phen hoảng hồn trước một vụ nổ lớn ngay trung tâm quận Manhattan khiến ít nhất 29 người bị thương.

Vụ nổ “lớn nhất từng tưởng tượng”

The New York Times dẫn lời ông James P. O’Neill – người vừa nhậm chức cảnh sát trưởng New York ngày 17/9, sau khi người tiền nhiệm của ông từ chức - cho biết vụ nổ xảy ra vào khoảng 20h30 ngày 17/9 (giờ địa phương) ở vỉa hè trước tòa nhà số 131 phố 23 Tây thuộc khu Chelsea. Đây là một địa điểm nổi tiếng nhộn nhịp người dân địa phương và khách du lịch, với nhiều nhà hàng, khách sạn. 

Cô Neha Jain, 24 tuổi, sống ở khu vực xảy ra vụ nổ, cho biết cô đang ngồi xem TV thì nghe thấy một tiếng nổ lớn và thấy mọi thứ rung chuyển. “Những khung ảnh mà tôi treo trên tường rơi xuống còn rèm cửa thì bay tung tóe như có bão.

Sau đó, tôi ngửi thấy mùi khói nên đã đi xuống xem chuyện gì đang xảy ra và được các nhân viên cứu hỏa yêu cầu quay trở lại nhà” – cô Jain cho biết. Một số nhân chứng ở cách hiện trường vụ nổ vài tòa nhà cho biết họ cũng cảm nhận được sức công phá từ vụ nổ.

Sức công phá từ khối thuốc nổ đã khiến những cửa sổ ở các tòa nhà trong khu vực vỡ tan, gây hư hại nhiều ô tô và khiến đám đông vội vã bỏ chạy khỏi hiện trường. 

“Đây là vụ nổ lớn nhất mà tôi có thể tưởng tượng ra. Những luồng ánh sáng lóa lên, kính vỡ bắn tung tóe. Mọi việc diễn ra quá nhanh đến mức tôi chỉ nhớ mình đã bị đẩy lên cao rồi rơi xuống. Lúc đó, máu từ trên đầu chảy đầy xuống mắt khiến tôi chẳng nhìn được thấy gì” – một phụ nữ bị thương trong vụ nổ tên Helena cho hay khi vừa tập tễnh bước ra khỏi Bệnh viện Bellevue vào khoảng 4h00 ngày 18/9, sau khi được điều trị những vết thương ở mắt và chân.

Đánh bom?

Ngay sau vụ nổ, cảnh sát New York đã phong tỏa cả khu vực xung quanh hiện trường để tìm kiếm các bằng chứng. Phát biểu tại một cuộc họp báo diễn ra sau vụ nổ, Thị trưởng New York Bill de Blasio gọi đây là hành động cố ý nhưng ông cho biết cảnh sát chưa phát hiện dấu hiệu cho thấy vụ việc này có liên quan đến chủ nghĩa khủng bố. 

Ông de Blasio và một số quan chức khác của thành phố cho biết các điều tra viên đã loại trừ khả năng một vụ rò rỉ khí gas là nguyên nhân của vụ nổ. Tuy nhiên, họ chưa xác nhận đây là một vụ đánh bom. Nhưng theo lời các nhân chứng, vụ nổ dường như được kích hoạt từ khối thuốc nổ được đặt trong một thùng rác ở vỉa hè. 

Người đứng đầu cơ quan cứu hỏa New York Daniel Nigro cho biết tổng cộng 29 người đã bị thương trong vụ nổ, trong đó có 1 người bị thương nặng nhưng theo ngài Thị trưởng, không có người nào lâm vào tình trạng nguy kịch. Cơ quan y tế địa phương cho biết nhiều vết thương của các nạn nhân là do các vật nhọn từ vụ nổ gây ra. 

Vụ việc diễn ra chỉ vài ngày sau lễ kỷ niệm 15 năm xảy ra các vụ tấn công ngày 11/9/2001 khiến người dân New York vẫn chưa hết lo sợ về chủ nghĩa khủng bố và cảnh giác về những mối đe dọa tấn công. Song, theo ông de Blasio, đến thời điểm diễn ra cuộc họp báo, cảnh sát chưa phát hiện đe dọa cụ thể và đáng tin nhằm vào thành phố New York từ bất cứ tổ chức khủng bố nào. 

“Dù nguyên nhân của vụ việc là gì thì người dân New York cũng sẽ không bị đe dọa” – ông de Blasio trấn an người dân. 

Nhưng, một quan chức Mỹ cho biết một nhóm đặc nhiệm chống khủng bố liên ngành bao gồm các quan chức liên bang, bang và địa phương, đã được triệu tập để điều tra về vụ nổ ở Chelsea, cho thấy nhà chức trách Mỹ không loại trừ khả năng vụ việc này có liên quan đến khủng bố.

Theo một quan chức New York, những hình ảnh từ camera an ninh được ghi lại trước vụ nổ cho thấy một người đàn ông đã băng qua phố theo hướng nơi thiết bị nổ được phát hiện nhưng giới chức địa phương vẫn chưa thu được hình ảnh nào cho thấy rõ người đã đặt khối thuốc nổ tại vị trí phát nổ.

Thêm các vụ việc khác

3 giờ sau đó, trong lúc giới chức New York vẫn đang tìm cách xác định nguyên nhân của vụ nổ đầu tiên thì cảnh sát lại tiếp tục phát hiện thiết bị nổ thứ 2 được miêu tả có hình dáng tương tự nồi áp suất chứa bom đã được sử dụng trong các vụ đánh bom ở giải marathon ở Boston năm 2013. Thiết bị nổ thứ 2 này được phát hiện ở vị trí cách khu vực xảy ra vụ nổ thứ nhất chỉ 4 tòa nhà. 

Trước vụ nổ nói trên khoảng 11 tiếng đồng hồ, vào khoảng 9h30 ngày 17/9, một thiết bị nổ tự chế được đặt trong một thùng rác ở thị trấn ven biển Seaside Park, thuộc bang Jersey cũng đã phát nổ chỉ ít phút trước khi hàng nghìn người dự kiến sẽ tham gia một giải chạy từ thiện gây quỹ cho các thành viên của lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ và gia đình họ khai mạc. 

May mắn là không có người nào bị thương trong vụ nổ ở Jersey nhưng vụ nổ cũng đã buộc đơn vị tổ chức phải hủy bỏ sự kiện. Một nhóm đặc nhiệm cũng đã được triệu tập và dẫn đầu cuộc điều tra về vụ việc. Tuy nhiên, giới chức New York cho biết 2 vụ nổ này không liên quan đến nhau.

Ngoài ra, cũng trong ngày 17/9 tại Mỹ đã có 8 người bị đâm bị thương tại một trung tâm mua sắm ở bang Minnesota. AFP dẫn lời ông Blair Anderson – cảnh sát trưởng thành phố St. Cloud, nơi xảy ra vụ đâm chém – cho biết, nghi phạm có vũ trang, mặc đồng phục của nhân viên an ninh tư nhân đã xông vào Trung tâm thương mại Crossroads ở thành phố St. Cloud nằm ở phía Tây Bắc Minneapolis. 

Tại đây, y đã hỏi ít nhất 1 người có mặt tại hiện trường rằng họ có phải là người Hồi giáo không trước khi vung dao đâm họ. Trong quá trình này, nghi phạm cũng được báo tin đã nói một số câu có liên quan đến Thánh Allah. Nghi phạm sau đó đã bị một cảnh sát bắn chết. 

Tổng cộng đã có 8 người bị thương trong vụ đâm chém này. Họ đã được đưa đến bệnh viện và 7 người trong số đó đã được cho xuất viện trong ngày 18/9. Vẫn theo ông Anderson, nghi phạm từng chạm trán cảnh sát một số lần, chủ yếu do vi phạm luật giao thông.

Hiện, cảnh sát vẫn đang xác định nguyên nhân vụ tấn công cũng như mối liên hệ giữa vụ việc này và các vụ việc khác. Trung tâm thương mại St. Cloud đã được phong tỏa để phục vụ việc điều tra. “Thật là một ngày tồi tệ. Từ ngày mai, mọi việc ở đây sẽ không còn như trước” – ông Anderson nói.

Cuộc chiến không hiệu quả

Dù các vụ việc nói trên vẫn chưa được chứng minh có liên quan đến khủng bố nhưng nó cũng đã một lần nữa dấy lên những câu hỏi về tính hiệu quả của cuộc chiến chống khủng bố mà giới chức Mỹ đã và đang thực hiện.

Theo một báo cáo của Viện các vấn đề quốc tế và công cộng Watson thuộc Đại học Brown mới được công bố gần đây thì Mỹ đã chi tổng cộng 3.600 tỉ USD cho an ninh quốc gia kể từ sau các vụ tấn công ngày 11/9/2001.

Trong đó, tổng mức chi của năm 2015 là 300 tỉ USD. Dưới thời Tổng thống hiện nay Barack Obama, chi phí cho các cuộc chiến tranh của Mỹ ở nước ngoài đã giảm đáng kể.

Trước những mối đe dọa hiện nay, Mỹ cũng đã xây dựng bộ máy giám sát khổng lồ trong thời kỳ hậu 11/9 ở cả trong nước và nước ngoài. Vì thế nên ngân sách cho hoạt động của các cơ quan tình báo của Mỹ như CIA, FBI và Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 2001.

Tuy nhiên, điều đáng nói là, dù đã chi đến hàng nghìn tỉ USD để đảm bảo an ninh nhưng những người dân Mỹ khi được hỏi cho biết họ vẫn không cảm thấy an toàn hơn so với trước sự kiện 11/9.

Theo một cuộc khảo sát gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew, 40% người dân Mỹ khi được hỏi cho biết họ vẫn lo ngại khả năng những phần tử khủng bố tiến hành những vụ tấn công quy mô lớn hơn vụ 11/9.

Đặc biệt, nhiều người cũng tỏ ra vô cùng lo sợ trước những vụ tấn công kiểu “sói đơn độc” như các vụ xả súng ở hộp đêm tại Orlando khiến 49 người thiệt mạng hồi tháng 6 vừa qua hay vụ tấn công ở San Bernardino khiến 14 người thiệt mạng hồi tháng 12/2015.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.