Bị cáo trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên là Trần Thị Kim Xuân (SN 1976, ngụ tổ 2, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội). Theo hồ sơ vụ án, cuối năm 2011, Công an huyện Từ Liêm nhận được đơn tố cáo của 10 người dân phường Tây Mỗ tố cáo Trần Thị Kim Xuân chiếm đoạt tổng cộng hơn 10 tỷ đồng rồi bỏ trốn.
“Ôm” cả chục tỷ bỏ trốn
Quá trình điều tra xác định: Vì muốn có tiền trả nợ nên mặc dù không kinh doanh, không có khả năng vay vốn ngân hàng, không có khoản đáo nợ ngân hàng, nhưng từ tháng 3/2011 đến tháng 8/2011, Xuân nói dối người cùng xóm là bản thân có quan hệ và có khả năng vay vốn ngân hàng. Xuân nói đang cần tiền đáo nợ ngân hàng và kinh doanh nên hỏi vay của mọi người, lời hứa trong vòng một tháng sẽ trả đủ cả gốc lẫn lãi.
Đồng thời, Xuân khoe có mối quan hệ với ngân hàng nên ai cần vay tiền thì đưa sổ đỏ, làm hợp đồng ủy quyền toàn bộ cho Xuân để giúp đỡ vay. Vì tin tưởng là người cùng xã, một số người đã cho Xuân vay tiền, lãi suất 2 ngàn đồng/1 triệu đồng/ngày. Đồng thời nhiều người làm giấy ủy quyền sổ đỏ theo lời bị cáo hướng dẫn. Thời gian đầu, Xuân trả lãi đầy đủ theo thỏa thuận. Đến tháng 9/2011 thì ngừng trả tiền rồi lặng lẽ “bốc hơn” khỏi địa phương.
Điển hình như trường hợp ông Trần Văn Nam(SN 1964, ngụ cùng phường Tây Mỗ). Vì nghe Xuân nói có quen biết các ngân hàng nên tháng 3/2009, ông Nam cần tiền kinh doanh nên con dâu ông thay mặt gia đình đưa sổ đỏ cho Xuân để vay 200 triệu đồng. Sau đó, ông đưa cho Xuân số tiền cả gốc lẫn lãi để lấy lại sổ đỏ nhưng không được.
Thậm chí, Xuân yêu cầu ông phải đưa thêm 100 triệu để rút sổ đỏ về. Đưa tiền nhưng không nhận lại được sổ đỏ, ông Nam đi tìm hiểu mới biết nữ hàng xóm đã sang tên sổ đỏ và thế chấp ngân hàng vay 8 tỷ đồng. Do Xuân chưa trả nợ nên ngân hàng vẫn giữ sổ.
Bằng thủ đoạn tương tự, Xuân đã chiếm đoạt của bà Nghiêm Thị Lam (SN 1970) 700 triệu đồng. Cụ thể đầu tháng 8/2011, Xuân gặp bà Lam là hàng xóm cùng thôn, “khoe” có hạn mức vay ngân hàng 4 tỷ đồng, khoảng 10 ngày sau sẽ lấy được tiền. Vì cần tiền làm ăn nên Xuân hỏi vay “nóng” 700 triệu đồng, không thỏa thuận lãi suất. Tin tưởng nên bà Lam cho vay, nhưng đến hẹn thì Xuân không trả tiền.
Bằng thủ đoạn như trên, Xuân đã lừa nhiều người địa phương với tổng số tiền gần 10 tỷ đồng. Tháng 9/2011 Xuân bỏ trốn khỏi nơi cư trú, đến ngày 28/9/2015 đối tượng ra đầu thú.
Lừa cả mẹ nuôi
Trong số các nạn nhân của Xuân có cả người thân thiết như bà mẹ nuôi Đỗ Thị Linh (ngụ tổ 3 Miêu Nha, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm) hiện ở tuổi lục tuần, bị lừa hơn 6 tỷ đồng. Bà Linh đang rơi vào cảnh nợ nần khi phải nhờ người thân thế chấp 3 sổ đỏ để trả nợ.
Bị hại cho biết ban đầu quen biết do cháu gái của bà lấy em trai Xuân nên tình cảm hai gia đình thân thiết. Sau đó, cả hai xưng hô mẹ con lúc nào không hay. Ở địa phương, gia đình Xuân thuộc diện có “của ăn của để”.
“Chồng làm phó giám đốc xưởng phân bón, bản thân Xuân mở tiệm thuốc kinh doanh. Xuân nói với mọi người làm y tá hay bác sĩ ở bệnh viện có tiếng. Thi thoảng nó vẫn đi truyền nước cho mọi người bình thường. Trước đây mối quan hệ của tôi với Xuân rất tốt, nhiều lần nó còn đưa tôi đi Huế và Sài Gòn chơi cùng”, người mẹ nuôi cho biết.
Ở thời điểm năm 2009, bà Linh cho biết Xuân “nổi như cồn” bởi việc kinh doanh thuận lợi, giàu có. Nhiều người tìm đến Xuân để hùn vốn và gửi tiết kiệm. Ban đầu để có vốn quay vòng, Xuân vay của mẹ nuôi khoảng 30-50 triệu đồng.
Khoảng từ tháng 5 đến tháng 8/2011, bà Linh đã cho con nuôi vay nhiều lần với tổng số tiền là 3,3 tỷ đồng. Sau đó, lấy lý do cần tiền đáo hạn ngân hàng vay tiếp 3 tỷ đồng. Chờ mãi không thấy Xuân trả tiền nên bà Linh yêu cầu “con nuôi” viết giấy vay nợ 6,3 tỷ đồng. Số tiền này bà huy động rất nhiều người thân, trong đó em gái hơn 1 tỷ đồng.
“Ban đầu Xuân trả lãi đều nhưng sau đó thì không thấy trả nữa. Xuân từng viết giấy vay nợ và hẹn ngày 20/9 trả tôi 2 tỷ và 20/11/2011 sẽ trả đủ số tiền đã vay. Đến khi ngân hàng về thẩm định thì việc nó vỡ nợ mới bung bét ra. Nó vỡ nợ rồi mà tôi còn mang 3 triệu đến cho Xuân “cầm cự”. Trước hạn trả nợ 1 ngày thì nó bỏ trốn”, bà Linh cho hay.
Khi biết “con nợ” đã “cao chạy xa bay”, nhiều người gửi tiền của bà Linh ồ ạt đến đòi. Từ một chủ nợ hàng tỷ đồng, người phụ nữ trung niên trở thành con nợ. Với số nợ khổng lồ hơn 6 tỷ đồng, gia đình bà rơi vào cảnh túng quẫn.
Nhiều lần bà đã tìm cách tự tử nhưng may mắn được các con ngăn cản. Thấy chị túng quẫn, em trai và người thân bà phải cắm 3 cuốn sổ đỏ để cứu giúp gia đình. Bà cho biết ngôi nhà 270m2 của gia đình đã thế chấp để vay ngân hàng. Nguy cơ cả gia đình mất trắng ngôi nhà là rất lớn.
Kể về hoàn cảnh gia đình, bà chỉ lắc đầu thở dài cho biết trước đây là công nhân nghỉ mất sức, lương được 800 nghìn đồng. Người chồng ở nhà thì không làm kinh tế phụ giúp gia đình. Bà hiện đang chăm sóc mẹ chồng đã 88 tuổi bị tật ở chân. Từng giữ chức vụ phó trưởng thôn, trưởng chi hội phụ nữ nên việc nợ nần khiến bà thấy mặc cảm.
Bà tâm sự cũng may người thân không trách móc, con trai động viên nên bà mới vượt qua cú sốc tinh thần. Hàng ngày bà bán hàng ăn sáng, nấu cỗ thuê để lấy tiền trả nợ dần. “Tôi cũng không muốn Xuân đi tù mà động viên gia đình ấy nhận nợ để trả dần nhưng không được”, bà thở dài.
Tại tòa, bị cáo thừa nhận hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của mình. Còn các bị hại mở lời: nếu Xuân nhận nợ, họ sẽ rút đơn để bị cáo về làm ăn trả nợ. Họ chỉ muốn lấy lại số tiền bị bị cáo chiếm đoạt.
Trong khi một số bị hại cho rằng chồng bị cáo có liên quan và nhiều lần đến lấy tiền cùng vợ thì anh này phủ nhận. Về số tiền vợ nợ, người chồng cho rằng không biết. “Trước đây tôi phải khắc phục 10 tỷ rồi. Đó là tiền mồ hôi nước mắt làm doanh nghiệp của tôi. Bản thân giờ vô gia cư, ba bố con phải đi ở nhờ. Số tiền này chả được ăn tiêu, lãi mẹ đẻ lãi con, sau này gia đình mới biết”, chồng bị cáonois.
Được nói lời sau cùng, bị cáo không ngừng khóc quay xuống khán phòng: “Mẹ ơi con biết lỗi rồi, chồng ơi em xin lỗi. Cháu xin các cô chỉ tại cháu ngu dốt chứ không phải cố tình lừa mọi người. Xin mọi người thương tình cho sớm trở về nuôi con”.
Phía dưới, trong khi người thân bị cáo bật khóc thì một số bị hại cho rằng ai cũng khổ. “Chúng tôi cũng khổ, phải đi vay chỗ khác để cho Xuân vay. Giờ lấy tiền đâu mà khắc phục. Có người sắp mất nhà vì Xuân thế chấp ngân hàng, họ phải làm sao?”.
Sau khi nghị án, HĐXX tuyên phạt Xuân 20 năm tù về tội Lừa đảo tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, và có trách nhiệm trả toàn bộ số tiền đã vay các bị hại.
Tên các bị hại đã được thay đổi.