[links()]Khi mẹ qua đời tại Trung tâm, cả bốn con trai con gái (chưa hề một lần được mẹ khai trong hồ sơ nộp cho nhà dưỡng lão) đi xe hơi riêng đến chịu tang và khóc than mẹ. Nhưng sau khi xong phần an táng, những người con đều hỏi rằng mẹ mình có để lại di chúc gì không. Khi biết mẹ mình đột ngột nhắm mắt không trăng trối điều gì, cả đám con gây gổ với nhau rồi... bỏ đi không một lời từ giã.
Tình bạn ở “Vương quốc cô đơn”
Tuy được gọi bằng cái tên “Vương quốc cô đơn” nhưng ở Trung tâm Bảo trợ Xã hội III (thôn Miêu Nha, xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội) không hề thiếu tình bạn, tình người và những thứ tình cảm cao quý này còn được viết nên bằng những câu chuyện cảm động.
Cán bộ Trung tâm Bảo trợ Xã hội III đọc sách, báo cho các cụ nghe |
Cụ bà Nguyễn Thị Q. và Nguyễn Thị H. ở khu người già cô đơn là một ví dụ. Cụ Q. đã ở cái tuổi gần đất xa trời, việc sinh hoạt đi lại chẳng còn dễ dàng, vậy nên ngày ngày, ngoài sự chăm sóc của cán bộ, cụ H. đã phụ giúp chăm sóc cho cụ. Năm ngoái, cụ Q. ốm một trận thập tử nhất sinh, cụ H. đã luôn bên cạnh chăm nom, nâng đỡ. Mỗi khi cụ H. trái gió trở trời, cụ Q. cũng đứng ngồi không yên.
Cụ Quản xúc động chia sẻ: “Người ta nói “trẻ cậy cha, già cậy con”, tụi tôi lấy ai mà cậy?. Chỉ biết cậy nhờ vào sự tận tâm của các anh chị trong Trung tâm với các bà, các ông xung quanh thôi. Bà H. với tôi còn hơn chỗ ruột thịt”.
“Chúng tôi đi đâu cũng có nhau, có chuyện gì cũng cùng nhau tâm sự cứ như thể là một đôi vậy” - cụ H. cũng nói vui.
Còn cụ Ch. và cụ T. như một đôi bạn thân thiết trong lĩnh vực cờ tướng. Mỗi ngày hai cụ ông này lại dành vài tiếng để chơi cờ với nhau. Chúng tôi đến phòng khi hai cụ đang đấu cờ, vừa đi nước cờ cụ Ch. vừa tâm sự:“Thú vui cờ tướng giúp chúng tôi giải sầu, này nhé, hôm trước tôi thắng cụ ấy 3 ván liền mà không gỡ đó, hôm nay có lẽ phải nhường đây”. “Thì ông cứ chơi thẳng tay xem ai thắng”. “Đã vậy tôi không nhường ông nữa” - ông Tĩnh hóm hỉnh. Rồi các cụ lại cười phá lên vui vẻ.
Sống trong Trung tâm với rất nhiều lứa tuổi, nhiều hoàn cảnh khác nhau, tâm tính mỗi người mỗi khác, nhưng các cụ ông, cụ bà vẫn luôn động viên, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Người khỏe thì chăm sóc người yếu trong những lúc ốm đau, bệnh tật. Dù rằng sự chăm sóc cũng chỉ dừng lại ở những công việc nhỏ nhặt như: Lau mặt, lấy nước... song cũng đủ để biết họ khát khao thế nào một bàn tay chăm sóc ở tuổi xế chiều. Hơn lúc nào hết, tình bạn giữa những người già cùng cảnh ngộ ấy đã gắn kết họ gần nhau hơn, giúp họ tìm được hạnh phúc, niềm vui để sống.
Những đám tang day dứt
Ông Bùi Tiến Thành - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ Xã hội III nói rằng, ông cảm thấy buồn nhất là mỗi khi có cụ nào qua đời. Theo quy định của Nhà nước, Trung tâm tổ chức mai táng đàng hoàng, nhưng khi đưa tang thì day dứt lắm... Thường thì đám tang chỉ có nhân viên của Trung tâm và những người bạn già tiễn đưa, ít thấy con cái vào đưa tang. Thế nhưng cũng có những đám tang đông người đến bất ngờ. Ô tô lớn, nhỏ ùn ùn dừng trước cổng Trung tâm, còn đông hơn cả đám tang ở dưới phố.
Nhiều nhân viên Trung tâm cứ nhớ mãi câu chuyện trước đây có hai người đàn ông trung niên thuê xe ôm đưa một ông lão đau yếu đến Trung tâm. Họ bảo, mình là người trong thôn thấy “ông già này không còn người thân, không ai chăm sóc” nên mủi lòng đưa ông đến Trung tâm nhờ giúp đỡ. Mãi cho đến khi ông lão qua đời, hai người đàn ông kia mới xuất hiện trở lại thắp một nén nhang rồi bỏ đi. Một người họ hàng xa với ông cụ đến dự đám tang cho biết đó là hai người con trai ruột của cụ. Vì đùn đẩy trách nhiệm nuôi bố nên cuối cùng họ thống nhất “phương án” đưa bố mình vào Trung tâm nuôi dưỡng người già.
Cách đây không lâu, Trung tâm Bảo trợ Xã hội III tổ chức đám tang cho cụ bà N.T.A., 89 tuổi. Gần chục năm sống trong Trung tâm, cụ A. đều cho biết mình góa bụa, không có con cái. Ngày chuẩn bị chôn cất cụ, có đôi nam nữ trông rất giàu có, sang trọng đến xin đưa tang. Mọi người hỏi thăm thì họ không nói gì, đến khi quan tài hạ huyệt chợt người đàn ông bật khóc:“Mẹ ơi, hai anh em con có tội lớn với mẹ lắm. Chúng con đã không lo lắng, nuôi dưỡng mẹ những ngày cuối đời. Chỉ vì nghe lời chồng, lời vợ mà đuổi mẹ ra đường. Chúng con là những đứa con bất hiếu”.
“Nhưng như thế vẫn còn đỡ tủi hơn câu chuyện của cụ bà S.” - ông Thành cho biết. Cụ S. sống ở Trung tâm rất lâu, hồ sơ cụ không cho biết còn con cái ngoài đời. Vậy mà khi cụ qua đời, cùng lúc cả bốn con trai con gái đi xe hơi riêng đến chịu tang và khóc than mẹ. Người nào cũng tỏ ra hối hận vì không được nhìn mẹ giây phút cuối, họ giành nhau xin phép Trung tâm đưa mẹ về chôn cất. Nhưng sau khi xong phần an táng, cả đàn con đều quay trở lại Trung tâm và hỏi rằng mẹ mình có để lại di chúc gì không. Khi biết bà cụ đột ngột nhắm mắt không trăng trối điều gì, cả đám con gây gổ với nhau rồi bỏ đi không một lời từ giã.
(còn tiếp)
Ông Bùi Tiến Thành - Phó giám đốc Trung tâm Bảo trợ Xã hội III (thôn Miêu Nha, xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: Trung tâm hiện có 96 cụ được sắp xếp thành 2 khu dành cho cụ ông và cụ bà riêng biệt. Hai cụ một phòng để có người chuyện trò, chăm sóc nhau lúc ốm đau, bệnh tật. |
Vân Sam