Ngày 8/1, tại đường sách TP.HCM diễn ra buổi giao lưu với 4 nghệ sĩ nổi tiếng như NSND Kim Cương, NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu và NSƯT Quế Trân về chủ đề Tứ đại gia sân khấu. Đây là chủ đề thứ 2 trong chuỗi chương trình về Sài Gòn xưa được tổ chức định kỳ tại đường sách.
Sau khi chia sẻ những kỷ ức về Sài Gòn năm xưa, NSƯT Hữu Châu thẳng thắn đưa ra nhận định về các chương trình thực tế đang làm mưa làm gió trên truyền hình.
"Khi xem các game show về diễn xuất nhưng tôi thấy người chơi không diễn mà đang giỡn mặt với khán giả truyền hình. Học trò của tôi mỗi lần đi phụ diễn ở game show, nhiều em xin phép nghỉ học hoặc trốn đi tham gia. Đó là cách các em kiếm sống nhưng tôi ghét lắm", anh cho biết.
Anh cũng chia sẻ lý do mình không nhận lời làm giám khảo game show: "Nếu làm giám khảo, tôi phải thỏa thuận với nhà sản xuất, chọn thí sinh này, loại thí sinh kia. Khi thí sinh diễn dở mà mình vẫn khen vì tiền thì ra ngoài tôi làm sao dám dạy ai nữa. Vì vậy tôi không nhận lời làm giám khảo game show".
NSƯT Hữu Châu nhấn mạnh: "Tôi nói thật những em đoạt giải quán quân phải đi học lại diễn xuất. Giải thưởng đó chỉ là cơ may chứ chưa làm nghề được đâu. Một vài bạn bè, đồng nghiệp đã làm cho khán giả tưởng rằng nghề hát này dễ quá. Đâu phải thế đâu, đâu phải ai cũng làm nghề được, diễn viên cực khổ lắm".
"Bây giờ, có trung tâm mở lớp đào tạo thi game show trong 3 tháng, tôi nghe mà hết hồn. Có những giám khảo đáng học trò tôi, nhận xét của họ rất mắc cười vì vậy tôi tuyệt đối không coi game show. Thà tôi coi thế giới động vật còn thích hơn", anh nói.
NSƯT Thành Lộc cảm thấy bị tổn thương vì giá trị đúng và không đúng lẫn lộn. Ảnh: Bá Ngọc. |
Tiếp lời đồng nghiệp, NSƯT Thành Lộc chia sẻ: “Ở đây, chúng tôi không hoàn toàn lên án game show, không đánh đồng mọi chương trình như nhau. Có những chương trình hay thật. Ví dụ như Đường tới danh ca vọng cổ là chương trình hay, nghệ sĩ góp ý chân thành và có trách nhiệm”.
Theo "phù thủy sân khấu" Thành Lộc, hiện chúng ta sống trong thế giới "vàng thau lẫn lộn". Đôi khi giá trị đúng bị đánh đồng với giá trị không thật vì vậy đối với những người sống hết mình vì nghệ thuật như anh luôn cảm thấy bị tổn thương.
Nói về điều quan trọng với nghệ sĩ, NSND Kim Cương cho rằng: “Soạn giả Năm Châu từng nói, nghề mình không phải là nghề kiếm tiền mà là những kỹ sư tâm hồn, ảnh hưởng tới cuộc sống của giới trẻ.
Tôi rất buồn khi thấy những màn tấu hài vô bổ, thiếu văn hóa, nhất là khi chiếu trên truyền hình. Diễn trên khấu chỉ có vài trăm người biết nhưng chiếu trên truyền hình thì cả triệu người xem vì vậy ảnh hưởng rất lớn”.