Nông dân Trung Quốc quay cuồng vì dịch tả lợn châu Phi

Lợn thịt được đưa vào một nhà kho thuộc hệ thống dự trữ thịt lợn quốc gia Trung Quốc ở ngoại ô Bắc Kinh
Lợn thịt được đưa vào một nhà kho thuộc hệ thống dự trữ thịt lợn quốc gia Trung Quốc ở ngoại ô Bắc Kinh
(PLVN) - Sau khi một con trong đàn lợn đột ngột chết ba tháng trước, Peng Weita nhanh chóng giết 40 con còn lại, phòng nguy cơ lây lan dịch tả lợn.

Loại virus “xóa sổ” 1/3 đàn lợn

Tuy nhiên, thay vì báo cáo với chính quyền để được bồi thường, Peng Weita đã chôn đàn lợn ngay lập tức. “Chi phí đầu tư trong ba năm chẳng còn lại gì”, người nông dân sống tại làng Wulongqiao ở phía bắc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc cho hay.

Sự mất mát của ông Peng cũng gây tổn hại với chính quyền. Do ông không khai báo, giới chức địa phương không thể chắc chắn rằng ông đã tuân thủ tất cả bước cần thiết để ngăn dịch bệnh lây lan, như khử trùng và chôn xác lợn cách xa trang trại. Ông Peng thừa nhận đã chôn chúng khá gần trang trại của mình, nhưng từ chối tiết lộ thêm chi tiết về quá trình xử lý xác lợn trước khi chôn.

Theo một số ý kiến, dịch tả lợn châu Phi dường như đã để lộ những mặt hạn chế của chính quyền Trung Quốc trong việc xử lý các vấn đề quan trọng. Họ tỏ ra lúng túng trong quá trình áp dụng các giải pháp từ trên xuống và đã phải trả giá.

Dịch tả lợn châu Phi (ASF) đang tàn phá ngành chăn nuôi của Trung Quốc, nước có số lượng lợn nhiều nhất thế giới, “xóa sổ” 1/3 đàn lợn của nước này. Loại virus này vô hại với người nhưng gây tử vong cho lợn và chưa có thuốc chữa hay vắc xin. Dịch bắt nguồn từ châu Phi, được ghi nhận ở Đông Âu và Nga trước khi xuất hiện lần đầu ở Trung Quốc vào tháng 8/2018, sau đó lan sang nhiều nước châu Á.

Ngăn chặn các dịch bệnh luôn là một nhiệm vụ khó khăn. Những trang trại nhỏ, thường tập trung trong các khu nông nghiệp đông đúc, sở hữu gần một nửa số lợn của Trung Quốc. Để ngăn dịch lây lan, các quan chức và nhân viên phòng dịch cần tiếp cận hàng triệu nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ.

Quá trình xử lý dịch tả lợn tập trung vào việc tái thiết mô hình nông nghiệp. Với khoản trợ cấp lớn, Bắc Kinh đã yêu cầu các chính quyền và doanh nghiệp địa phương xây dựng những trang trại quy mô công nghiệp, đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn, như thiết lập khu vực cách ly chứa lợn mới đến và lò đốt lợn bệnh.

Giải pháp này có thể hiệu quả về lâu dài, nhưng sự lúng túng của Trung Quốc trong trường hợp cần phản ứng tức thì dường như đã khiến tình hình tồi tệ hơn.

Thử thách đối với sự phụ thuộc vào thịt

Khi dịch bắt đầu lan rộng 16 tháng trước, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc yêu cầu chính quyền địa phương tiêu hủy toàn bộ đàn lợn nếu phát hiện dù chỉ một con nhiễm bệnh, đồng thời bồi thường cho nông dân với mức cao nhất lên tới 170 USD với những con lợn cỡ lớn. Tuy nhiên, trước khi dịch bùng phát, nhiều con đã có giá trên 250 USD, theo số liệu của chính phủ. Dịch bệnh khiến mức giá thậm chí tăng vọt lên hơn 600 USD.

Thêm vào đó, để nhận được tiền bồi thường, nhiều nông dân phải “vượt cửa ải” của chính quyền địa phương vốn không có nhiều ngân sách, nơi các quan chức thường gây khó dễ do chính phủ chỉ hỗ trợ 40-80% chi phí bồi thường. Giới chức còn phải nộp bằng chứng lợn chết vì virus tả lợn châu Phi chứ không phải bệnh khác mới được cấp phí.

Hậu quả là việc tiêu hủy lợn bệnh bị chậm. Dữ liệu của chính phủ cho thấy mới chỉ có 1,2 triệu con lợn, chiếm dưới 0,3% số lợn của cả nước, bị tiêu hủy. Hiện chưa rõ số lợn bệnh còn lại được đưa đi đâu, nhưng giới chuyên môn cho rằng nhiều con khả năng cao đã bị làm thịt và đưa vào thị trường.

Hành vi này sẽ khiến dịch bệnh lây lan tồi tệ hơn, bởi virus có thể tồn tại trong thịt suốt nhiều tháng. Australia phát hiện gần một nửa số xúc xích và sản phẩm thịt lợn khác do hành khách mang theo vào nước này gần đây bị nhiễm dịch, Mark Schipp, Chủ tịch Tổ chức Sức khỏe Động vật Thế giới, cho hay.

Nhiều nông dân Trung Quốc cho biết họ cũng không thiết tha đòi tiền bồi thường bởi chúng khá thấp. Peng kể lại rằng ông đã giết đàn lợn của mình trong hoảng loạn và bí mật chôn chúng, nên không có bằng chứng về việc đàn lợn bị nhiễm bệnh.

Giới chức Trung Quốc còn cố trấn an người dân bằng cách tuyên bố đã kiểm soát được dịch bệnh hồi tháng 4, tháng 7 và tháng 10, nhưng đổi lại là những dấu hiệu cho thấy dịch thậm chí lây lan rộng hơn. Bộ Nông nghiệp gần đây thừa nhận họ chỉ hy vọng sản lượng thịt lợn cuối năm sau bằng 4/5 mức bình thường.

Quá trình đối phó với dịch tả lợn cũng tái hiện rõ ràng nỗ lực tự đáp ứng đủ nhu cầu thực phẩm của đất nước 1,4 tỷ dân. Trung Quốc lâu nay vẫn coi an ninh lương thực tương đương với an ninh quốc gia. Về cơ bản, họ đã tự túc đủ thịt lợn, cũng như gạo và lúa mì nhờ sự hỗ trợ từ chính quyền và quản lý đất nông nghiệp thích hợp. Tuy nhiên, dịch tả lợn đã đặt ra thử thách đối với sự phụ thuộc vào thịt của những người dân có nhu cầu ngày càng cao, đồng thời tác động sâu sắc đến thế giới.

“Cháy thành vạ lây”

Giá thịt lợn tăng mạnh khiến mức giá thực phẩm nói chung của Trung Quốc tháng trước cao hơn 1/5 so với cùng kỳ năm ngoái, sau 7 năm rất ít biến động. Việc Trung Quốc nhập khẩu số lượng lớn thịt lợn cũng đẩy giá mặt hàng này tại Mỹ, châu Âu và toàn cầu.  

Việc các hộ gia đình khắp thế giới tìm kiếm nguồn thực phẩm thay thế khiến giá thịt bò và thịt cừu cũng tăng mạnh, dẫn tới giá thịt nói chung trên thị trường hàng hóa quốc tế tăng gần 20% trong năm qua. Nhằm thúc đẩy ngành sản xuất thịt bò và thịt gà đáp ứng nhu cầu thị trường, nhiều nông dân Brazil đã đốt rừng ở Amazon để lấy đất nông nghiệp.

“Dịch tả lợn có thể gây ảnh hưởng sâu rộng tới nền kinh tế ở cấp độ toàn cầu. Chúng tôi không nghĩ thế giới có đủ thịt lợn để bù đắp sự thiếu hụt ở Trung Quốc”, Boubaker Ben Belhassen, Giám đốc thương mại và thị trường của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Thế giới, nhận định.

Tính cấp bách của dịch tả lợn được cho là một trong những yếu tố thúc đẩy Bắc Kinh chấp nhận thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Washington, qua đó giúp nối lại nhập khẩu thực phẩm Mỹ. Giá thịt lợn ở Trung Quốc đã tăng cao đến mức Guangxi Yangxiang, một công ty chăn nuôi ở Quảng Tây, phải treo biển tuyển dụng nông dân với dòng chữ: “Nuôi 10 con lợn nái để lái BMW vào năm sau”.

Su Dezhi, người bán thịt lợn tại khu chợ ngoài trời ở làng Wulongqiao, cho biết anh từng mua và xẻ thịt hai con lợn mỗi ngày để bán, nhưng bây giờ chỉ bán được nửa con một ngày. Giá bán buôn mỗi kg thịt lợn đã tăng hơn gấp ba.

Tuy nhiên, người tiêu dùng Trung Quốc dường như vẫn không muốn ăn thứ gì khác ngoài thịt lợn. She Xinbao, người bán gà vịt gần quầy hàng của Su, cho biết doanh số của anh chỉ tăng từ 30 con mỗi ngày lên mức 33-34 con, một phần vì giá gia cầm cũng tăng.

Chen Zhixiang, nông dân 36 tuổi, nằm trong số rất ít người chăn nuôi lợn ở Wulongqiao không mất bất cứ con lợn nào. Anh dùng ngô nấu cám cho lợn thay vì mua nguồn thực phẩm có nguy cơ nhiễm virus từ bên ngoài. Chen cho biết lợn ở địa phương khan hiếm tới mức khi anh lái xe tới một ngôi làng để bán lợn, đám đông lập tức vây quanh.

“Mọi người tập trung quanh xe tải của tôi và nhìn chằm chằm vào chúng, như thể họ đang ngắm gấu trúc vậy”, anh kể.

Nỗ lực kiểm soát thị trường của Trung Quốc bị cản trở bởi những kẻ muốn lợi dụng tình hình hỗn loạn để kiếm lời. Chúng dùng nhiều mánh khóe nhằm đầu cơ thịt lợn, tác động tới quá trình xuất nhập khẩu loại thịt này và giảm khả năng kiểm soát giá của chính phủ.

Trong khi chính quyền cấm vận chuyển lợn trái phép giữa các địa phương nhằm ngăn chặn và kiểm soát dịch, đồng thời đảm bảo chất lượng thịt lợn trên thị trường, nhiều người đã phớt lờ quy định này để thu gom lợn số lượng lớn.

Trong nỗ lực ngăn chặn đường dây vận chuyển lợn trái phép, lực lượng cảnh sát đã tăng cường hoạt động tại các ngã tư đường cao tốc liên tỉnh. Tuy nhiên, một số đối tượng làm việc trong quy trình vận chuyển có thể giả mạo chứng nhận kiểm dịch, thậm chí mua chuộc các giám sát viên.

Lan truyền tin đồn về dịch tả lợn để ép giá cũng là cách phổ biến để các băng đảng thu lợi nhuận. Đầu tiên, chúng đặt lợn chết do nhiễm bệnh vào các trang trại toàn lợn khỏe mạnh, sau đó tung tin về dịch bệnh và mua lợn với giá thấp. Một số nông dân xác nhận những tay buôn thường lan truyền tin đồn về sự xuất hiện dịch tả tại các ngôi làng, khiến họ hoảng sợ và quyết định bán tháo lợn.

Thủ đoạn của chúng còn đi xa đến mức bị cho là phát tán dịch tả lợn bằng cách đặt thức ăn chăn nuôi chứa virus vào các trang trại hoặc thả vật phẩm nhiễm bệnh vào chuồng lợn. Tại một trong những huyện chăn nuôi lợn hàng đầu của Trung Quốc, giám đốc giấu tên của một doanh nghiệp cho biết họ đã tìm thấy nhiều thiết bị bay không người lái (UAV) tại khu vực chuồng nuôi mang theo các vật phẩm không xác định. Xét nghiệm sau đó cho thấy chúng có chứa virus tả lợn châu Phi.

“Các băng đảng chỉ tập trung vào kiếm lợi nhuận và không quan tâm số lợn chúng đang bán là lợn khỏe hay nhiễm bệnh”, chủ doanh nghiệp cho hay. Người dân đang lo ngại nếu lợn bệnh không được phát hiện kịp thời, việc kiểm soát dịch sẽ trở nên bất khả thi. Wei Guangwei, quan chức văn phòng nông nghiệp và khoa học huyện Phú Ninh, tỉnh Vân Nam, cũng thừa nhận quá trình ngăn dịch tả lợn đang gặp áp lực lớn.

Hành vi của các băng đảng còn gieo rắc nỗi bất an với nông dân, khiến họ không dám thúc đẩy sản xuất thịt lợn. Một kỹ thuật viên quản lý 20.000 con lợn đang được vỗ béo tại một vùng phía tây nam Trung Quốc cho biết giá lợn cao kỷ lục cùng những tin đồn có thể gây ra cuộc khủng hoảng. Các nhà sản xuất không tiếp tục tham gia các chương trình chăn nuôi.

Đọc thêm

Bangkok trở thành thành phố du lịch hàng đầu thế giới năm 2024

Bangkok trở thành thành phố du lịch hàng đầu thế giới năm 2024
(PLVN) - Thủ đô Bangkok của Thái Lan đã được Euromonitor International vinh danh là thành phố du lịch hàng đầu thế giới năm 2024, nhờ vào kỷ lục đón 32,4 triệu lượt khách quốc tế. Con số này vượt xa thành phố đứng thứ hai là Istanbul, nơi đón 23 triệu lượt khách nước ngoài.

Những ngày lễ quốc tế đáng chú ý tuần này

Những ngày lễ quốc tế đáng chú ý tuần này
(PLVN) - Tuần này đánh dấu những ngày lễ quốc tế quan trọng, nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm chung trong việc xây dựng một thế giới công bằng, tôn trọng nhân quyền và bảo vệ môi trường tự nhiên.

Trường hợp khẩn cấp, công dân Việt tại Syria nên liên hệ đường dây nóng Đại sứ quán Việt Nam

Khói bốc lên trong cuộc giao tranh tại Syria. Ảnh: IRNA/TTXVN
Đại sứ quán Việt Nam tại Iran kiêm nhiệm Syria đã đề nghị Syria cung cấp thông tin về công dân Việt Nam có khả năng đang sinh sống, làm việc tại Syria. Trong trường hợp khẩn cấp, công dân hãy liên hệ số đường dây nóng bảo hộ công dân +98 933 965 8252/+98 991 205 7570 (Whatsapp); hoặc Tổng đài Bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao: +84 981 84 84 84.

Loạt thảm kịch trên thế giới tuần qua

Loạt thảm kịch trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Thế giới chứng kiến nhiều sự kiện đáng buồn, từ thiên tai, tai nạn, hoả hoạn, đến tội ác nhằm vào nhà báo và bệnh dịch bí ẩn..., khiến hàng trăm sinh mạng bị cướp đi.

Đàm phán FTA giữa Khối EFTA và Thái Lan chính thức đặt dấu mốc

Đại diện các nước EFTA (Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sỹ) và Thái Lan họp trực tuyến về việc kết thúc việc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai bên.
(PLVN) - Ngày 29/11/2024, Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (EFTA), gồm Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ, chính thức kết thúc đàm phán với Thái Lan về Hiệp định Thương mại tự do (FTA).  Thỏa thuận này mở ra một chương mới trong quan hệ thương mại giữa hai bên, với mục tiêu thúc đẩy hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực và mang lại những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp tại cả hai khu vực.

Namibia có nữ tổng thống đầu tiên

Bà Netumbo Nandi-Ndaitwah trở thành Tổng thống thứ 5 của Namibia kể từ khi nước này giành độc lập hồi năm 1990.
(PLVN) - Ngày 3/12 (giờ địa phương), Chủ tịch Uỷ ban Bầu cử Namibia (ECN) Elsie Nghikembua thông báo, nước này đã bầu ra tân Tổng thống sau cuộc bầu cử diễn ra hôm 27/11.