Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2013 với chủ đề “Giai đoạn mới của tiến trình cải cách kinh tế - từ chương trình tới hành động” được Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đồng tổ chức hôm qua tại Hà Nội.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2013. |
Ông Motonobu Sato, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV) cho biết, năm 2012, các doanh nghiệp Nhật đã đầu tư 4,2 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Nhờ đó, Nhật Bản duy trì vị trí dẫn đầu trong số những quốc gia đầu tư vào Việt Nam, chiếm khoảng 40% tổng FDI.
Số lượng các doanh nghiệp thành viên của JBAV đã đạt con số 1.100 và đang ngày một tăng.Tuy nhiên, Nhật Bản đang mở rộng đầu tư trực tiếp sang các nước châu Á khác. Thực tế, năm 2012, Nhật Bản đã đầu tư khoảng 13 tỉ USD vào Thái Lan, tức là gấp 3 lần đầu tư vào Việt Nam.
Vì vậy, người đứng đầu JBAV khuyến nghị, Việt Nam cần làm rõ chiến lược thu hút đầu tư để có thể cạnh tranh với các nước khác. Trong đó, trọng điểm là hoàn thiện môi trường kinh doanh, gồm cơ sở hạ tầng phần cứng và phần mềm, từ đường xá, bến cảng đến cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ.
“Đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo hướng đầu tư vào những cơ sở hạ tầng này như đã từng làm trong thời gian qua”, ông Motonobu Sato nói. “Số lượng các doanh nghiệp sản xuất quy mô vừa và nhỏ của Việt Nam mới chiếm khoảng 30%, trong khi các doanh nghiệp Nhật Bản muốn được cung ứng nhiều hơn nữa linh kiện, nguyên vật liệu từ các ngành công nghiệp phụ trợ nội địa”.
Trong khi đầu tư trực tiếp nước ngoài bị cạnh tranh gay gắt thì đầu tư gián tiếp cũng không khả dĩ hơn. Tại diễn đàn, nhóm công tác thị trường vốn của VBF 2013 một lần nữa cảnh báo, chương trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang bị chậm lại và thị trường chứng khoán thì sự thực chưa đáp ứng được vai trò là “kênh dẫn vốn” cho nền kinh tế.
“TTCK Việt Nam đã có những dấu hiệu hồi phục từ năm 2012 đến nay, tuy nhiên chúng tôi cho rằng sự hồi phục này chưa được đặt trên một nền tảng bền vững, nhìn chung sức khoẻ các doanh nghiệp niêm yết còn yếu, thanh khoản thị trường vẫn còn thấp, nhà đầu tư nước ngoài dù đang quan tâm trở lại với TTCK Việt Nam tuy nhiên đa số vẫn còn đang quan sát và chờ cơ hội”, báo cáo cho biết.
Đặc biệt, theo Nhóm công tác thị trường vốn của VBF, mặc dù giờ giao dịch đã được nới rộng nhưng thanh khoản vẫn tiếp tục là một vấn đề của TTCK do tỉ lệ biên độ giao dịch hiện hành đang hạn chế sự dịch chuyển tự nhiên của giá cả. Đành rằng những biên độ này được thiết lập để bảo vệ nhà đầu tư trước những biến động quá lớn nhưng cũng cản trở đến sự vận hành tự nhiên của thị trường.
Một giải pháp đề xuất là quy định tạm dừng giao dịch trong vòng 30 phút khi có biến động giá lên (xuống) chạm mức trần (sàn) của biên độ giao dịch 7%-10% trên hai sàn hiện nay. Sau thời gian tạm dừng giao dịch 30 phút thì cổ phiếu sẽ tiếp tục được giao dịch với mức giá tham chiếu mới (là mức giá trần hoặc sàn trước khi tạm ngừng giao dịch).
Trong khi đó, liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, đề xuất đáng chú ý tại VBF 2013 là dỡ bỏ biên độ giao dịch ngoại hối và dỡ bỏ trần lãi suất. “Vấn đề nợ xấu trong hệ thống ngân hàng không thể chỉ giải quyết bằng một giải pháp duy nhất. Tuy nhiên, việc thành lập Công ty quản lý nợ sẽ góp phần giải quyết vấn đề này cùng với việc triển khai Thông tư 02”, báo cáo của Nhóm công tác ngân hàng tỏ thái độ tương đối lạc quan.
Phát biểu với các nhà đầu tư tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) sáng 3/6, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị các bộ, ngành xem xét, tiếp thu các kiến nghị hợp lý, chính đáng của doanh nghiệp, đồng thời đề ra các giải pháp hữu hiệu nhằm hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý, đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc nền kinh tế từ đó tạo tiền đề cho tăng trưởng bền vững trong những năm tiếp theo. |
Mai Hoa