Nhiều chủ trương, quyết sách đúng đắn
Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đã xác định mục tiêu chiến lược của Đảng và Nhà nước ta về văn hóa là xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Cạnh đó, Chiến lược còn xác định các mục tiêu chung là xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại...; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền, các đối tượng chính sách và yếu thế; chú trọng phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa gắn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế; Có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, huy động nguồn lực để phát triển văn hóa, con người.
Trong các giai đoạn qua, nhiều chính sách, chiến lược xây dựng văn hóa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước đã được ban hành. Chính sách của Nhà nước về văn hóa thể hiện trong các luật và các chương trình mục tiêu, chiến lược phát triển văn hóa. Trong đó, việc ban hành kịp thời các luật và pháp lệnh về văn hóa như: Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Di sản văn hóa, Luật Xuất bản, Luật Điện ảnh, Luật Quảng cáo Pháp lệnh thư viện... đã tạo nền tảng vững chắc cho việc phát triển văn hóa đúng hướng.
Cạnh đó, các chương trình mục tiêu và cuộc vận động được Đảng và Nhà nước ban hành như Chương trình mục tiêu bảo tồn và tôn tạo di tích danh thắng, Chương trình mục tiêu chấn hưng điện ảnh, Chương trình mục tiêu xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở hay cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”... đã tạo được đà bứt phá cho quá trình xây dựng phát triển văn hóa của đất nước.
Mọi chính sách của Nhà nước về văn hóa đều được xây dựng trên cơ sở yêu cầu thực tiễn khách quan ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện mở cửa, hội nhập, xây dựng Nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đồng thời có chú ý yếu tố phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, yếu tố đa dân tộc, đa văn hóa... mang tính đồng bộ và tính pháp lý cao.
Hội thảo Văn hóa 2022 mới diễn ra vừa qua cũng đã nhất trí đánh giá những kết quả đạt được trong công tác xây dựng thể chế, ban hành các chính sách và đảm bảo nguồn lực cho phát triển văn hóa.
Theo đó, hệ thống pháp luật đã từng bước thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Hệ thống thiết chế văn hóa, tổ chức bộ máy quản lý văn hóa và công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa từng bước được kiện toàn và củng cố.
Nhiều chính sách văn hóa đã được ban hành, tác động tích cực, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực văn hóa. Đồng thời, nguồn nhân lực và các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa được bảo đảm tốt hơn. Nguồn lực tài chính và tài sản công đầu tư cho văn hóa có xu hướng gia tăng. Các chính sách xã hội hóa hoạt động văn hóa được ban hành, đã tạo cơ sở pháp lý cho việc huy động các nguồn lực xã hội; bước đầu khai thác, phát huy có hiệu quả trên một số lĩnh vực như: bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; đầu tư, xây dựng thiết chế văn hóa và cơ sở vật chất cho hoạt động văn hóa; các hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Nhận diện “điểm nghẽn”
Tuy nhiên, một vấn đề có thể nhận thấy là đó đây, vẫn còn tồn tại rất nhiều “điểm nghẽn” trong chính sách phát triển văn hóa, mà cụ thể ở những thể chế, hệ thống pháp luật, các vấn đề triển khai trong thực tiễn.
Điều này cũng đã được các đại biểu phân tích tại Hội thảo Văn hóa 2022. Đó là việc chậm đổi mới thể chế văn hóa, chưa theo kịp với yêu cầu phát triển, hệ thống pháp luật liên quan tới lĩnh vực văn hóa còn chồng chéo, thiếu đồng bộ, một số quy định nhanh chóng bị lạc hậu. Nhiều văn bản có hiệu lực pháp lý và tính quy phạm thấp, quy định chưa cụ thể, nhiều lĩnh vực văn hóa chưa có luật hoặc pháp lệnh điều chỉnh, chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh. Nguồn lực Nhà nước đầu tư cho phát triển văn hóa còn hạn chế, tương đối thấp so với các lĩnh vực khác, chưa đáp ứng yêu cầu, chưa tương xứng với vị trí, vai trò của văn hóa. Huy động nguồn lực tư nhân và xã hội tham gia phát triển văn hóa còn gặp nhiều khó khăn...
Có thể nhận diện rõ nét “điểm nghẽn” này trong hoạt động phát triển công nghiệp văn hóa nước ta. Phát triển công nghiệp văn hóa được xác định là khâu đột phá trong Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam năm 2030 của Chính phủ. Trong những năm qua, phát triển công nghiệp văn hóa ở nước ta đã đạt được một số thành tựu đáng khích lệ. Các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp doanh thu hằng năm hơn 8 tỷ USD, tạo công ăn việc làm cho hơn 3 triệu người lao động, góp phần kéo gần khoảng cách vùng miền, nâng cao đời sống tinh thần nhân dân, giúp đa dạng hóa hệ thống sản phẩm văn hóa trong nước, quốc tế hóa ngành văn hóa và giải trí nước nhà...
Tại Việt Nam, cơ cấu công nghiệp văn hoá gồm 12 ngành, dù tất cả những lĩnh vực này đều có nhiều tiềm năng phát triển mạnh mẽ, nhưng một trong những rào cản lớn nhất là Việt Nam thiếu những chính sách đồng bộ và nhất quán để phát triển công nghiệp văn hóa. Chúng ta đang thiếu đi những chính sách cụ thể, xây dựng đề án quy hoạch, đầu tư cho các dự án phát triển không gian công cộng, điểm du lịch văn hóa...
Đó đây, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào hoạt động sáng tạo văn hóa, sản xuất sản phẩm và dịch vụ văn hóa cũng “gặp khó” khi vấp phải nhiều rào cản. Đơn cử, trong những năm qua, các nhà sản xuất trong lĩnh vực điện ảnh liên tục gặp phải những “điểm nghẽn” về khâu kiểm duyệt, khiến nền điện ảnh Việt phát triển chậm, không xứng tầm tiềm năng.
Trong các lĩnh vực âm nhạc, nhiếp ảnh, hội họa... những lỏng lẻo, chồng chéo và cả lỗ hổng về pháp luật liên quan đến bản quyền đã hạn chế tính sáng tạo, góp phần kìm hãm sự phát triển của thị trường.
Chính vì những rào cản còn nhiều, thế nên, chúng ta vẫn chưa thể phát triển mạnh mẽ mạng lưới doanh nghiệp kinh doanh văn hóa, chưa thể hình thành các số tập đoàn lớn về công nghiệp văn hóa ở các lĩnh vực thế mạnh có thể giúp công nghiệp văn hóa trong nước bứt phá.
Để phá tan những rào cản ấy, trước hết là phải nhìn nhận thẳng vào những “điểm nghẽn”, đồng thời cần có những chủ trương, chính sách đúng đắn, hợp lý, đồng bộ, song hành cùng các quyết sách trong tất cả các chính sách thuộc các lĩnh vực.
Tại Hội thảo Văn hóa 2022 mới diễn ra, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã nhấn mạnh, thể chế, chính sách về văn hóa vừa phải có cái riêng, đồng thời phải được lồng ghép trong thể chế, chính sách về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng với tư cách văn hóa là nền tảng, đồng thời là mục tiêu của các lĩnh vực này; phải phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, bảo đảm con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc và phát triển toàn diện.
Theo Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, thể chế, chính sách phát triển văn hóa vừa phải đáp ứng yêu cầu thực tiễn, coi trọng các yếu tố đặc thù của văn hóa, vừa phải giữ gìn, kế thừa hồn cốt, các giá trị cao đẹp của văn hóa dân tộc; đồng thời, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm giàu thêm kho tàng văn hóa Việt Nam.
Thể chế, chính sách văn hóa phải vừa tạo động lực phát triển văn hóa, con người Việt Nam, vừa để giới thiệu, truyền bá văn hóa Việt Nam với thế giới. Đặc biệt, đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật, thể chế, cơ chế, chính sách phải chú trọng tính đặc thù, bảo đảm phát triển đúng định hướng của Đảng, vừa bảo đảm tự do sáng tạo của cá nhân với mục đích đúng đắn.