Làng Thanh Hà, mảnh đất nơi hạ nguồn sông Thu Bồn êm ả, thuộc địa bàn phường Thanh Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, cách khu phố cổ khoảng 2km về hướng tây. Khi đến đây, dễ nhận ra bởi từ con đường, góc sân đến mái ngói đều được làm từ đất nung. Một cảm giác thật bình yên với không gian xanh của hàng cau trước ngõ và sản phẩm gốm vừa mới tạo hình xong đang được phơi nắng…
Nước mắt nhỏ xuống thấm vào gốm…
Làng quê thanh bình Thanh Hà với nghề làm gốm có từ thế kỷ XV-XVI, là nơi mà nhiều khách nước ngoài, hoặc những người mê gốm sứ vẫn thường ghé qua. Gốm Thanh Hà tạo nên sự khác biệt với các làng gốm khác ở việc không sử dụng men gốm mà người thợ kết hợp các yếu tố đất, nước, lửa cùng với những kinh nghiệm để làm nên hồn gốm. Vì thế, sản phẩm sau khi được nung qua lửa, màu đỏ hồng của đất sét rực lên một vẻ đẹp khỏe khoắn rất đặc trưng.
Chứng kiến cảnh nghệ nhân Nguyễn Thị Được (SN 1923), một truyền nhân làng gốm vẫn mải miết với chiếc bàn xoay. Đôi tay bà khéo léo uốn những nét tài tình biến cục đất sét thô sơ bỗng chốc trở thành tuyệt tác mê hồn. Nhiều du khách thưởng ngoạn không rời mắt khỏi đôi tay người nghệ nhân già, trầm trồ khen ngợi. Bà Được là thế hệ thứ 4 trong gia đình có truyền thống làm nghề gốm. “13 tuổi, mệ đã theo mẹ làm quen với đất sét, bàn xoay. Từ đó đến chừ, cuộc đời qua bao thăng trầm, mệ vẫn gắn với bàn xoay chưa một ngày rời bỏ” - bà Được tâm sự.
Trò chuyện với khách, bà Được kể, làng gốm Thanh Hà có nguồn gốc Thanh Hoá, được hình thành từ cuối thế kỷ XV, khi những lưu dân vùng Bắc miền Trung trong quá trình mở cõi vào phương Nam mang theo nghề gốm đã chọn mảnh đất nơi hạ nguồn con sông Thu Bồn khai canh lập làng và phát triển hùng mạnh cùng với cảng thị Hội An, nhiều thương gia Nhật Bản, Trung Hoa ghé lại. Gốm Thanh Hà nổi tiếng thập phương một phần nhờ đó.
Các sản phẩm gốm Thanh Hà làm ra chủ yếu là vật dụng sinh hoạt trong gia đình như chum, vại, lu. Bây giờ gốm dành cho khách du lịch, nhu cầu về trang trí cao hơn nên tui xoay sang làm thêm sản phẩm như chuông gió, hình các con giáp, bình hoa…”. Cũng theo bà, cái khó nhất trong các công đoạn làm gốm là khâu chuốt gốm. Nhờ sự khéo léo của đôi bàn tay người nghệ nhân mới làm ra được sản phẩm đồng đều, không bị méo mó. Tất nhiên khâu nhồi đất cũng cần kỹ càng, đủ độ dẻo đều mới cho ra sản phẩm đẹp.
“Hơn chín chục năm sống trên đời, sinh ra từ làng gốm, ăn, ngủ, làm việc với đất sét, bàn xoay. Lâu thành gắn bó khó rời. Nhiều thời gian gián đoạn với nghề vì chiến tranh ly lạc nhưng tui chưa khi nào nghĩ sẽ đổi nghề. Thuở chiến tranh, ngớt tiếng bom là lại bò lên khỏi hầm ẩn nấp để làm gốm. Rồi chiến tranh cướp mất đứa con yêu quý, đau lòng quá, đêm nào cũng chong mắt nhìn trời cũng lại tìm đến cái bàn xoay, xoay nặn những đồ vật con yêu thích. Nước mắt nhỏ xuống, thấm vào gốm… Nghề gốm không chỉ nuôi sống gia đình mà như người bạn tri âm”, bà Được bộc bạch.
Không gì vui hơn khi có người nối nghề
Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, làng gốm Thanh Hà có lúc tưởng chừng rơi vào lãng quên. Thế nhưng, với tâm huyết của một số nghệ nhân, gốm Thanh Hà vẫn đang tồn tại. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nguồn đất sét cạn kiệt, người làng gốm phải đi mua đất tận thị xã Điện Bàn hoặc đến đầu nguồn sông Thu Bồn - Quảng Nam xa hàng chục cây số. Vất vả mà thu nhập không bao nhiêu. Giữ lấy lò gốm coi như giữ lấy ấu thơ, giữ nghề truyền thống.
Bà Được xúc động tâm sự: “Tôi làm quen với đất sét từ nhỏ, đi mô rồi cũng quay về với cái bàn xoay. Lấy chồng, sinh con rồi vẫn to nhỏ rủ chồng theo nghề. Chừ thu nhập có ngặt hơn trước nhưng tình yêu nghề đã ăn sâu vào máu thịt”. Nay cả làng gốm chỉ còn tầm chục hộ theo nghề. Họ xoay ra làm đủ thứ vật dụng theo nhu cầu của khách để phục vụ du lịch, cốt là để giữ nghề truyền thống của cha ông.
Tuy chân tay không còn khỏe mạnh nhưng bà Được vẫn giữ lửa nghề bằng bàn xoay thủ công và chính tay bà tự đun củi nung lò khi mẻ gốm hoàn thành. Mỗi ngày bà vẫn cặm cụi làm việc và truyền nghề lại cho con cháu của mình. Bà tâm sự: “Người làm nghề không gì vui hơn khi có người nối nghề. Tui đã truyền nghề lại cho các cháu, nhất là đứa cháu nội đã chịu khó học hỏi từ năm lên 10 tuổi. Nhìn cháu miệt mài bên bàn xoay, lòng yêu nghề, nỗi trở trăn với nghề của cha ông vơi hẳn”.
Vui hơn, mỗi ngày có hàng chục lượt khách tìm về, họ tìm đến bà, xem bà xoay gốm, rồi tự tay họ làm thử. Câu chuyện gốm theo du khách lan xa. Bà Được tin rằng, nghề gốm sẽ không bị lãng quên nhờ đó.
Năm 2002, khi Trung tâm Văn hóa - Thể thao TP Hội An bắt tay đầu tư cho nơi này, làng gốm Thanh Hà chỉ đón được 6.408 lượt khách đến tham quan; đến nay, con số này đã tăng lên gấp 10 lần, giúp cuộc sống của người dân làng gốm được cải thiện đáng kể. Đây là kết quả đáng mừng cho những nỗ lực của Trung tâm Văn hóa - Thể thao TP Hội An nói chung, các gia đình nghệ nhân làng gốm Thanh Hà nói riêng trong việc phát huy các giá trị truyền thống dân tộc, giữ cho ngọn lửa gốm vẫn rực sáng mãi.