Nói không với thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ 'lộc trời'

Rươi được xem là “lộc trời”, giúp người dân có thêm thu nhập.
Rươi được xem là “lộc trời”, giúp người dân có thêm thu nhập.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Đã từ lâu những thửa ruộng ven sông Lam tại một xã ở Nghệ An người dân không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ rươi. Rươi được xem là “lộc trời” đem lại nguồn kinh tế cao cho họ.

Những thửa ruộng không dùng thuốc bảo vệ thực vật

Nhiều năm nay, người dân ở xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An) luôn bảo vệ những thửa ruộng ở hạ nguồn sông Lam. Bởi các thửa ruộng đó không những đem lại kinh tế về lúa mà còn là nơi để người dân vớt “lộc trời”. Đó là những con rươi có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao. Cũng vì vậy mà người dân nơi đây ra sức bảo vệ loài vật này bằng cách sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Ông Phạm Văn Vỹ, một trong những hộ dân có rươi “mọc” chia sẻ, để khai thác rươi, cáy trong suốt mấy chục năm qua vùng đất này luôn được chúng tôi giữ sạch, không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ và cả phân bón hóa học. Bởi rươi là loài sinh vật đặc biệt, vô cùng nhạy cảm với hóa chất. Chúng chỉ có thể sinh trưởng và phát triển tại những vùng tự nhiên, sạch, không có hóa chất.

Trước đây, cả vùng bãi này là cánh đồng rộng lớn, nay đất đã được người dân đấu thầu để làm lúa và nuôi rươi. Vùng canh tác đặc biệt này cũng cách ly hoàn toàn với vùng canh tác thông thường. Cùng với đó, nước của sông Lam thường xuyên lên - xuống, khiến cho vùng đất khá “sạch” mầm sâu bệnh.

Những năm gần đây, với hiểu biết và nhận thức khoa học về chu trình sinh trưởng, phát triển của loài rươi, để tạo nguồn thức ăn cho những vi sinh vật phù du trong đất, làm nguồn thức ăn cho rươi, người dân đã sử dụng các loại phân hữu cơ như phân gà, phân trâu bò đã được ủ hoai mục để bón. Việc bón phân này đồng thời tăng cường độ phì của đất và bổ sung các chất dinh dưỡng cho sự phát triển của cây lúa.

Người dân dọi đèn vớt rươi giữa đồng.

Người dân dọi đèn vớt rươi giữa đồng.

Khai thác, bảo tồn đặc sản rươi kết hợp với sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân, duy trì hệ sinh thái đồng ruộng bền vững. Vì thế, người dân thường bảo nhau tạo môi trường sống tốt hơn cho rươi. “Con rươi chỉ sống trong môi trường sạch, nếu ô nhiễm, rươi sẽ chết và những năm sau không xuất hiện nữa. Vì thế, chúng tôi cấy lúa thuận theo tự nhiên. Cây lúa cho thu hoạch thì tốt, còn nếu lúa bị sâu bệnh thì dập đi làm phân bón ruộng chứ không phun thuốc sâu, thuốc trừ cỏ”, ông Võ Văn Quế chia sẻ.

Cũng theo ông Quế, năm nay, giá rươi dao động từ 400 đến 450 nghìn/kg. Vào mùa rươi, nhiều hộ có thể kiếm được tiền triệu mỗi ngày. “Một cân rươi gần bằng cả tạ lúa, cho nên dù giá rươi khi lên, khi xuống nhưng thu nhập từ rươi lớn gấp nhiều lần so với cấy lúa”, ông Quế bật mí. Con rươi “cho” người dân thu nhập kinh tế, lại cho cả sức khỏe bởi nhờ chúng mà bà con nông dân có ý thức gìn giữ môi trường.

Ông Lê Khánh Quang, Chủ tịch UBND xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên cho hay, hiện nay trên địa bàn xã có khoảng 70 đến 80ha ruộng của người dân có rươi. Sản lượng rươi tuy mỗi năm không đều nhau nhưng ước chừng đạt từ 4 đến 5 tấn. Ngày trước rươi được xuất bán ra nước ngoài, tuy nhiên mấy năm gần đây do dịch bệnh COVID-19 nên rươi chủ yếu tiêu thụ thị trường trong nước.

Từ rươi, người ta có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, trong đó có chả rươi.

Từ rươi, người ta có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, trong đó có chả rươi.

Mắm rươi - hương vị ngày Tết

Ngày trước rươi là món ăn dân dã nhưng nay rươi trở thành đặc sản. Rươi cũng “bước” dần vào mâm cơm ngày Tết như một món ăn đặc biệt. Những món ăn được chế biến từ rươi cực kỳ bổ dưỡng như chả rươi, rươi hấp, rươi nướng, rươi xào măng… Nhưng có lẽ độc đáo nhất vẫn là mắm rươi - món duy nhất giữ được cho đến ngày Tết, làm cho bữa ăn ngày đầu năm nhẹ nhàng, đậm đà, lôi cuốn.

Tuy là sản vật đồng quê nhưng giá rươi không hề rẻ. Mắm rươi cũng vậy! Nếu như các loại mắm được làm từ cá, tôm… hảo hạng nhất cũng chỉ đôi, ba trăm ngàn đồng một lít thì mắm rươi phải gần 1 triệu đồng. Lý giải cho mức giá đắt đỏ này cũng không quá khó bởi cá, tôm có thể cho thu hoạch quanh năm nhưng mùa rươi chỉ kéo dài khoảng chừng vài tháng, trong khi nhu cầu của người dân nhiều mà nguồn cung ít. Hơn nữa, rươi là thực phẩm có nhiều dinh dưỡng quý cho sức khỏe.

Làm mắm rươi không khó nhưng đòi hỏi phải tỉ mỉ, khéo léo trong từng công đoạn. Là người có thâm niên trong nghề làm mắm rươi, chị Hoa Thị Thủy, trú xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên cho hay, rươi làm mắm ngon nhất phải là rươi tháng 10. Bởi rươi tháng 9 là rươi mới, tuy ngon nhưng chưa sạch rơm rác. Rươi tháng 11, đã là rươi gạn, hay lẫn bùn đất, do đó rươi tháng 10 là ngon nhất.

Chị Thủy chia sẻ về bí quyết làm mắm rươi – món ăn đặc sản ngày Tết.

Chị Thủy chia sẻ về bí quyết làm mắm rươi – món ăn đặc sản ngày Tết.

Theo bí quyết gia truyền của gia đình chị, mắm rươi muốn đậm đà, thơm ngon quan trọng nhất là khâu sơ chế. Người muối phải rửa rươi thật sạch rồi mới đem xay nhuyễn. Ngoài rươi thì các nguyên liệu đi kèm như hành tăm, vỏ quýt và ớt cay, thính rang cũng rất quan trọng để làm dậy mùi mắm. Tất cả nguyên liệu được xay nhuyễn và trộn với rươi, kèm theo gia vị để mắm đậm đà. Trong lúc chế biến, kỵ nhất là để nước lạnh rơi vào. Sơ chế xong phải cho ngay vào vại sành sứ để có sản phẩm thơm ngon nhất. Đặc biệt, người muối phải chọn đúng thời điểm nắng đẹp để mang rươi ra phơi mới tạo được mùi thơm. Trước khi đem hũ mắm ra phơi nắng, chị Thủy giã một nắm lá bọ mắm rải lên trên, bịt thêm vài ba lượt vải màn sạch để tránh ruồi muỗi đẻ trứng vào hũ, gây hỏng mắm.

Quá trình ủ mắm, thi thoảng phải nhớ giở ra, dùng đôi đũa lớn đảo đều lên. Như thế gọi là trở mắm để cả hũ mắm đều được “ăn” nắng, mới thật thơm. Sau 1 tháng, khi mắm rươi chín, sẽ chuyển sang màu đỏ vàng và đến thời điểm Tết Nguyên Đán thì mắm rươi đạt đến độ hoàn hảo. Nếu như trước đây, rươi chỉ là món ăn dân dã thì nay đã trở thành đặc sản nổi tiếng, được nhiều thực khách sành ăn trong và ngoài nước tìm về thưởng thức. “Nhờ bí quyết gia truyền mà mắm rươi chúng tôi làm có điều đặc biệt là không tanh, lại có thể bảo quản thời gian lâu. Do đó, rất nhiều khách cứ vào dịp cuối năm lại mua một số lượng lớn để dùng dần”, chị Thủy nói.

Những năm gần đây, rươi “bước” dần vào mâm cơm ngày Tết như một món ăn đặc biệt. Thịt luộc, dưa hành, cà muối, rau sống… mà chấm với mắm rươi ngày Tết thì ngon không tả nổi. Dù mâm cỗ ngày Tết có “cao lương mĩ vị” gì đi chăng nữa cũng không thể thiếu bát mắm rươi. Món ăn dân dã này sẽ làm bữa cơm Tết thanh đạm, đậm đà, thơm nồng, khó quên.

Theo ông Lê Khánh Quang, hiện nay hai sản phẩm chả rươi và mắm rươi của người dân đang được chính quyền hoàn thiện hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP. Hy vọng trong năm nay sẽ hoàn thiện hai sản phẩm trên, từ đó nâng tầm thương hiệu mắm rươi, chả rươi của người dân.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Nỗ lực hơn nữa để tiếp nhận động vật hoang dã bị tịch thu từ buôn bán trái phép

Giải chạy thu hút hơn 300 vận động viên đến từ 26 quốc gia. (Ảnh: ENV)
(PLVN) - Ông Lương Xuân Hồng - Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã (ĐVHD) Hà Nội đã khẳng định điều này tại Giải “Chạy để cứu hộ ĐVHD” tại Việt Nam trong khuôn khổ Giải chạy “Song Hong Half Marathon” lần thứ 15 vừa được Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) phối hợp với Sporting Republic tổ chức.

Gấp rút hoàn thiện khung pháp lý về tín chỉ carbon

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) -  Giai đoạn 2021 - 2025, Việt Nam đặt mục tiêu tạo ra 25 triệu tín chỉ carbon; là nhiệm vụ được lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các Bộ, ngành triển khai thực hiện sau Hội nghị COP21 (năm 2015).

Thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng nhờ sáng kiến quản lý chất thải nhựa y tế

Sáng kiến quản lý chất thải nhựa y tế tại Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí (Quảng Ninh). Ảnh: Ngọc Nga
(PLVN) - Sáng kiến quản lý chất thải nhựa y tế đã giúp Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) thu về hàng trăm triệu đồng. Đây là đơn vị đầu tiên trong cả nước có giải pháp tái chế chất thải nhựa lây nhiễm bằng phương pháp hấp tiệt khuẩn hơi nước, mang lại hiệu quả về kỹ thuật, kinh tế, xã hội.

Ngày mai miền Bắc đón không khí lạnh

Ảnh minh hoạ: Ngọc Nga
(PLVN) - Theo Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, khoảng ngày 6/12 bộ phận không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Đông Bắc Bộ, sau đó sẽ tác động đến các khu vực khác.

Thả về biển cá thể đồi mồi dứa quý hiếm

Tình nguyện viên tiến hành cứu hộ cá thể rùa xanh.
(PLVN) - Ngày 5/12, thông tin từ Đội tình nguyện viên bảo tồn rùa biển xã Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) cho biết, đã tổ chức thả cá thể đồi mồi dứa về với môi trường tự nhiên.

Tạo động lực thúc đẩy giao thông phát thải thấp

Xe máy xăng cũ là nguồn phát thải lớn gây ô nhiễm không khí. (Ảnh: DĐDN)
(PLVN) - Giao thông phát thải thấp đang trở thành ưu tiên trong chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam, với mục tiêu 100% phương tiện sử dụng năng lượng xanh vào năm 2050. Theo đó, tín chỉ carbon đang trở thành một trong những giải pháp cốt lõi nhằm tạo động lực đổi mới, đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch, hướng tới một hệ thống giao thông bền vững và hiện đại.

Bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái rạn san hô

Hoạt động thả phao khoanh vùng bảo vệ rạn san hô tại Vườn Quốc gia Cát Bà. (Ảnh: P.V)
(PLVN) - Vùng biển Việt Nam đang tập trung khoảng 340 loài san hô trong tổng số 800 loài của thế giới, phân bố rộng rãi từ Bắc tới Nam. Tuy nhiên, các rạn san hô này đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng do biến đổi khí hậu, thậm chí sẽ biến mất nếu không có giải pháp bảo tồn kịp thời và hiệu quả.