Nỗi ám ảnh khiến 12.000 người chết cháy

Thảm họa núi lửa Tambora phun trào.
Thảm họa núi lửa Tambora phun trào.
(PLO) -Thảm họa núi lửa Tambora phun trào cho đến nay vẫn được các nhà khoa học xếp vào loại thảm họa lớn nhất trong lịch sử. Ngày 10/4/1815 được ví như một ngày đen tối đối với đất nước Indonesia, khi ngọn núi lửa này phun trào gây nên cái chết trực tiếp cũng như gián tiếp của khoảng 80.000 người. 

Ngày đen tối của Indonesia

Cách 600 dặm về phía đông Jakarta, thủ đô của Indonesia, núi lửa Tambora trải dài gần 9,000 feet thuộc đảo Sumbawa và là một trong một số ngọn núi lửa chạy dọc quần đảo Indonesia.

Theo các nhà khoa học, 57.000 năm trước, ngọn núi lửa này được hình thành ở phía nam Vịnh Salehtrong, nó phát triển với độ cao lên tới 14,000 feet (4.300 mét) và rộng tới 37 dặm. 

Theo các nhà nghiên cứu, núi lửa Tambora bắt đầu phun trào trong khoảng từ năm 3900 - 3000 TCN, dung nham bị đẩy ra từ các lỗ thông hơi và phun trào lên mặt đất. Ngay từ khi bắt đầu hoạt động, dung nham đã tràn xuống núi và san phẳng một khoảng rộng tươi tốt thuộc hòn đảo Sumbawa.

Sau đó, trong một khoảng thời gian dài nằm im hơi lặng tiếng, đến năm 1812 những chuyển động bắt đầu trở lại và khói bốc lên từ miệng núi lửa ngày một dày đặc hơn. Cho đến đêm ngày 10/4/1815, một biến cố lớn đã diễn ra và tạo nên một đại hồng thủy. 

Được biết, theo chỉ số phun trào núi lửa (VEI), thảm họa núi lửa Tambora được cho là đạt đến cấp độ 7, mà theo thước đo của VEI được chia từ cấp độ 1 - 8 và mỗi cấp độ lớn hơn nhau gấp 10 lần. Số liệu thống kê cho thấy trong vòng 10.000 năm qua, chưa có một đợt núi lửa phun trào nào mạnh tới cấp độ 8, do đó cấp độ 7 của Tambora được cho là mạnh và khủng khiếp nhất.  

Ngày 5/4/1815, một đợt phun trào lớn đã xảy ra, kèm theo đó là những âm thanh giống như tiếng sấm nổ. Tiếng nổ này vang rất xa, gần nhất là ở eo biển Makassar của đảo Sulawesi, cách núi lửa khoảng 380km. Tiếp đó là Jakarta trên đảo Java- cách khoảng 1.260km, xa hơn nữa là hòn đảo Ternate trên Quần đảo Molucca- khoảng 1.400km và xa nhất là tận hòn đảo Sumatra – cách núi lửa 2.600km. 

Ngày 6/4, tro núi lửa bắt đầu lan tỏa ở phía Đông Java cùng với những tiếng nổ nhỏ kéo dài cho đến ngày 10/4, được cho là ở trên hòn đảo Sumatra, cách núi lửa khoảng 2.600km. Khoảng 7 giờ tối ngày 10/4, các đợt phun trào bắt đầu tăng cường. 3 cột nham thạch phun trào ra khỏi miệng núi và hợp nhất với nhau tràn tứ tung khắp nơi.

Khi nham thạch phun trào đồng nghĩa với việc chúng sẽ hất tung lên trời rất nhiều bụi đất, hơi nước và khí sulphur... Không chỉ thế, vào khoảng 8h, từ sâu trong lòng ngọn núi còn phun trào ra những trận mưa sa thạch, đá cuội, đá bọt có kích thước lên tới 20cm phá hủy mọi thứ xung quanh.

Đến khoảng 10 giờ, những dòng nhan thạch có nhiệt độ lên đến 1200 độ C, trào từ miệng núi, chảy thành dòng dọc theo sườn núi, xuống chân núi ra biển, phá hủy toàn thảm thực vật và người dân sinh sống trong khu vực gần ngọn núi lửa Tambora. 

Ước tính, dòng nham thạch phun trào với trọng lượng khoảng 10.000 triệu tấn từ trong lòng núi đẩy ra ngoài, tạo ra một lòng chảo to, rộng đến 6km và sâu đến 1.250 mét. Không những thế, lượng tro, bụi, nham thạch và khí có tổng thể tích lên tới khoảng 50 tỷ mét khối. Một lượng khí sulphur dioxide (SO2) khổng lồ cũng bay vào khí quyển. 

Ngay sau khi thảm họa diễn ra, người dân xung quanh ngọn núi lửa vẫn không thể nhận thức hết được mức độ nguy hiểm của nó mà di tản đi nơi khác. Do đó cho đến khi núi lửa phun trào, một khung cảnh hoảng loạn nổ ra.

Người người dẫm đạp lên nhau chạy đua với những dòng nham thạch, nhưng với lượng dung nham khổng lồ, khói bụi, những vụ nổ, đất đá văng tứ tung... thì cho dù có di tản cũng không thể chạy thoát. 

Hậu quả thảm khốc

Vụ phun trào núi Tambora được ước tính có sức công phá khoảng 800 triệu tấn TNT và vang xa tới tận 2.600km. Đồng thời, sự phun trào của ngọn núi còn phát tán khoảng 150km3 tro bụi vào không khí. Khối tro bụi này theo gió đã vượt quãng đường dài ít nhất 1.300km bay tới khu vực phía tây bắc.

Những dòng sông nham thạch nóng đến 1.200 độ C thoát ra khỏi miệng núi có độ cao khoảng 4.000m, chảy xa khoảng 20km khiến 12.000 người bị chết cháy do dung nham... Không những thế, sự phun trào của ngọn núi còn gây nên một trận sóng thần với những cột sóng cao đến 4 mét. 

Trước vụ nổ, ngọn núi lửa cao khoảng 4.300 mét, một trong những đỉnh núi cao nhất trong quần đảo Indonesia. Nhưng sau khi xảy ra thảm họa, ngọn núi sụp xuống chỉ còn 2.851 m (chỉ bằng khoảng 2/3 chiều cao trước đó của nó).

Tất cả những thảm thực vật xung quanh đều bị tàn phá, cây bị bật gốc cuốn thành những mảng trôi trên biển dài đến 5km. Khói bụi phủ đầy mặt đất và mặt biển biến thành một màu xám, khiến người dân không thể thu hoạch thức ăn hoặc săn bắt động vật, thuyền bè cũng không thể di chuyển được trên biển.

Rất nhiều loài động vật bị chết và một số động vật quý hiếm bị tuyệt chủng. Những đám khói bụi, tro dày đặc bốc lên khí quyển phải đến tận ngày 23/8 mới giải tán hoàn toàn. Những tiếng nổ phát ra từ đợt phun trào của núi Tambora đến ngày 15/7 mới chấm dứt. 

Không chỉ phun trào dung nham, ngay vào đêm ngày 10/4, một trận sóng thần cũng đã ập vào bờ biển của hòn đảo khác nhau trong quần đảo Indonesia. Những đợt sóng cao nhất là 4 mét ở đảo Sanggar, 1-2m ở đảo Besuki, Đông Java, 2 mét ở quần đảo Molucca khiến cho khoảng 4.600 người thiệt mạng. 

Được biết, số người chết trực tiếp do dung nham của núi lửa là khoảng 12.000 người. Còn lại có rất nhiều nguyên nhân liên quan khiến cho nhiều người phải chết như: Trên đảo Sumbawa, 60.000 trường hợp tử vong là do nạn đói, và 10.000 trường hợp tử vong khác xảy ra do bệnh tật và đói nghèo ở đảo Lombok. 

Năm không có mùa hè

Theo hãng tin BBC cho biết, một lượng lớn tro bụi đã bay lên bầu khí quyển của trái đất, sau đó tuần hoàn trên những dòng không lưu trên cao, ngăn không cho các tia nắng chiếu xuống trái đất, ảnh hưởng đến nhiệt độ khắp toàn cầu giảm từ 0,4 tới 0,7 độ C. Thậm chí, dòng sông Pennsylvania còn đóng băng giữa tháng 8 mùa hè.

Một năm sau thảm họa phun trào của núi lửa Tambora được người ta gọi là “năm không có mùa hè”, nhiều khu vực ở châu Âu và Bắc Mỹ không có mùa hè và phải trải qua một mùa đông dài tới 6 năm. Sương giá khiến mùa màng tại Canada và vùng New England của Mỹ thất bát. Châu Âu cũng khốn đốn vì sự suy giảm nhiệt độ. 

Giới khoa học cho rằng sự phun trào của Tambora khiến thực vật tuyệt chủng hàng loạt và nhiều loài động vật chết đói vì không có thức ăn. Các nhà sinh học còn tìm thấy bằng chứng cho thấy núi lửa Tambora còn tác động tới ADN của người. Cụ thể, số lượng đột biến trong ADN giảm mạnh trong giai đoạn sau khi núi lửa phun trào.

Khu vực lòng chảo có đường kính rộng tới 6km và sâu 1,1km được hình thành khi núi Tambora phun trào từ độ cao 4.000 m và hiện lò mắc ma phía dưới đã trống rỗng. Ngày nay, một hồ nước ngọt tạm thời đang hiện hữu trên phần đỉnh của núi lửa, hình thành từ dòng chảy dung nham từ thế kỷ 19 và 20. Trong khi đó, các lỗ phun khí trên núi lửa vẫn hoạt động rất tích cực.

Không ai có thể ngờ, thảm họa núi lửa lớn nhất trong lịch sử hiện đại lại chỉ xảy ra vỏn vẹn... 3 ngày. Hậu quả của núi lửa Tambora cũng đã để lại những dấu ấn trong khoa học và nghệ thuật. Giới khoa học cho rằng đám mây bụi từ núi lửa Tambora là nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của nhiều bức tranh tả cảnh hoàng hôn khá lạ lùng của Joseph Mallord William Turner (1775-1851), một danh họa nổi tiếng người Anh./.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân
(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.