Báo động mức sinh thấp từ xu hướng của giới trẻ
Ngại sinh con, ngại kết hôn là tâm lý chung của nhiều bạn trẻ hiện nay, M.Ngọc (26 tuổi, Hà Nội) cho biết, đến nay cô và các bạn đồng trang lứa chưa có kế hoạch lập gia đình. “Dù đã ra trường được 4 năm và có công việc ổn định nhưng tôi vẫn chưa nghĩ đến chuyện kết hôn, huống chi sinh con. Những người trạc tuổi tôi cũng vậy. Có lẽ thế hệ trẻ đang ngày càng tập trung vào phát triển sự nghiệp và tận hưởng cuộc sống cá nhân hơn là vội vã bước vào cuộc sống gia đình”, M.Ngọc bày tỏ. Cùng với đó, gánh nặng kinh tế, mức sống cao và chi phí đầu tư nuôi dạy con cái cũng là những yếu tố khiến người trẻ chần chừ trong việc quyết định kết hôn, sinh con.
Theo Cục Dân số, Bộ Y tế, ước tính, tổng tỷ suất sinh năm 2023 của Việt Nam là 1,95 con/phụ nữ, tiếp tục giảm so với năm 2022 (2,01 con/phụ nữ) và ở dưới mức sinh thay thế. Kết quả này không đạt kế hoạch đề ra (2,1 con/phụ nữ). Dẫu biết rằng giảm sinh là xu hướng toàn cầu nhưng Việt Nam đang chứng kiến quá trình giảm sinh diễn ra rất nhanh và rõ nét.
Nếu như trước đây, mỗi phụ nữ ở thành thị sinh trung bình hơn 1,7 con, nhưng trong hai năm trở lại, con số này giảm xuống dưới 1,7. Là một trong 21 tỉnh, thành có mức sinh thấp của cả nước, từ năm 2000 đến nay, tỷ suất sinh của TP HCM liên tục giảm. Nếu như năm 2000, tỷ suất sinh là 1,76 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thì đến năm 2023, con số này chỉ còn 1,32.
Thông tin từ Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP HCM, xu hướng ngại kết hôn và ngại sinh con đang dần trở nên phổ biến tại thành phố này. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc phụ nữ ngại sinh con, nhất là sinh con thứ hai. Nhiều cặp vợ chồng chọn kết hôn muộn và sinh ít con để tập trung tài chính, thời gian và sức khỏe cho việc chăm sóc và nuôi dạy con cái. Ngoài ra, việc học tập và phát triển sự nghiệp cũng ảnh hưởng đến quyết định sinh con của nhiều người.
Chị M.Anh (31 tuổi, TP HCM) chia sẻ rằng gia đình chị có ý định dừng lại ở một con để có thể chăm sóc và nuôi dạy tốt nhất. Chị cho biết: “Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu của một đứa trẻ cũng vì thế mà đa dạng hơn, đồng nghĩa với đó là vô vàn chi phí. Với mức lương hiện tại, tôi và chồng tính toán và thấy rằng chỉ có thể đảm bảo một cuộc sống tốt nhất cho một đứa trẻ. Nếu có thêm con, chúng tôi e rằng sẽ không đủ khả năng tài chính cũng như bảo đảm sự quan tâm cần có dành cho con”.
Không chỉ giảm mạnh ở các đô thị phát triển, ở nông thôn, tỷ lệ sinh năm 2024 cũng dự kiến giảm xuống dưới mức sinh thay thế. Chưa kể mức sinh còn chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng, sự chênh lệch này chưa được thu hẹp rõ rệt. Khu vực kinh tế, xã hội nhiều khó khăn có mức sinh cao, thậm chí có nơi rất cao hơn 2,5 con/phụ nữ. Trong khi ở một số vùng đô thị, kinh tế, xã hội phát triển, mức sinh đã xuống thấp, có nơi thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế.
Có thể thấy, những yếu tố trên đang đặt ra những thách thức trong việc duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước. Trên thực tế, việc giới trẻ ngại kết hôn và sinh con không còn là chuyện của cá nhân nữa mà sẽ gây ra nhiều hệ lụy lâu dài cho xã hội. Theo Bộ Y tế, trong điều kiện kinh tế tiếp tục tăng trưởng, đô thị hóa ngày càng nhanh, sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, xu hướng này càng được củng cố, lan rộng. Mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội...
Nỗ lực đảo ngược xu hướng
Cải thiện mức sinh là trọng tâm trong truyền thông dân số trên địa bàn TP HCM. (Ảnh cắt từ video - Nguồn: Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP HCM) |
Năm 2024, tròn 30 năm thực hiện Chương trình hành động của Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong công tác dân số như: tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng từ 2007; tuổi thọ trung bình tăng nhanh, tầm vóc, thể lực, chất lượng cuộc sống của nhân dân được cải thiện về nhiều mặt. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, công tác dân số trong thời gian tới có nhiều khó khăn, thách thức, trong đó, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ không đạt được mục tiêu duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc.
Mới đây, tại Hội thảo “Góp ý, hoàn thiện chính sách trong Luật Dân số và gợi ý chính sách chuyển đổi nhân khẩu học của các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương”, ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số nhận định, tỷ lệ giảm sinh tại Việt Nam chưa đến mức báo động nhưng nếu không can thiệp ngay sẽ trở thành một vấn đề quan trọng. Theo quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1 - 2 con đã áp dụng trong nhiều năm nay. Tuy nhiên, mỗi thời kỳ chính sách dân số lại cần có sự thay đổi phù hợp với thực tế, đến thời điểm này việc xử phạt sinh con thứ 3 do vi phạm quy định về chính sách dân số đã không còn phù hợp.
Bên cạnh việc bỏ quy định chỉ sinh từ 1 - 2 con, theo các chuyên gia, để chạm được mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước, Chính phủ cũng cần đầu tư thêm cho chính sách khuyến sinh. Trên thực tế, nỗ lực khuyến sinh bắt đầu từ Quyết định 588 được Chính phủ ban hành tháng 4/2020, phê duyệt Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030. Thế nhưng, sau 4 năm triển khai, kết quả khuyến sinh vẫn chưa đạt được nhiều tiến triển đáng kể.
Một trong những nguyên nhân chính là nguồn tài chính để thực hiện chương trình quan trọng này vẫn chưa được quan tâm đầy đủ. Để thực hiện hiệu quả, cần có thêm những chính sách khen thưởng thiết thực đối với những người trẻ trong độ tuổi kết hôn đã kết hôn và sinh đủ con theo quy định. Khuyến sinh là phải khuyến sinh đúng nghĩa, ví dụ chính sách hỗ trợ, miễn giảm các loại thuế phí, các loại chi phí, học phí, viện phí khi lao động nữ mang thai trong các lần đi khám thai kỳ và sinh con; hỗ trợ mua nhà ở xã hội cho các gia đình, để bảo đảm họ có đủ điều kiện nuôi dưỡng và giáo dục con cái,…
Đồng thời, tiếp tục tập trung tuyên truyền để thay đổi nhận thức của giới trẻ. Ngoài việc truyền thông về lợi ích của việc sinh con phù hợp với phát triển kinh tế, xã hội và nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc. Công tác tuyên truyền cũng cần cung cấp thông tin cho giới trẻ về yếu tố bất lợi của việc kết hôn, sinh con quá muộn, sinh con ít với xã hội nói chung và với gia đình, chăm sóc bố mẹ khi về già…
Tại TP HCM, nơi có tỷ suất sinh đang ở mức rất thấp, nỗ lực giải quyết tình trạng trên là một trong những nội dung chính trong kế hoạch hoạt động công tác dân số năm 2024. Trong năm nay, thành phố đặt chỉ tiêu duy trì tổng tỷ suất sinh ở mức 1,36 con/phụ nữ. Để làm được điều đó, TP HCM thực hiện các chính sách dân số khuyến sinh với những cân nhắc thận trọng, tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực dân số, đặc biệt là xuất phát từ nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của người dân.
Bắt đầu từ hoạt động cơ bản nhất, ngành y tế TP HCM phối hợp cùng các ban ngành, đoàn thể tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng dân số tại vùng có mức sinh thấp năm 2024. Chiến dịch được triển khai thực hiện tại 159 phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố Thủ Đức và 21 quận, huyện từ ngày 1/7 đến 31/8/2024. Các hoạt động của chiến dịch nhằm giúp người dân thành phố được tiếp cận các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số có chất lượng, an toàn và hiệu quả.
Cụ thể, với tình trạng mức sinh thấp, TP HCM tuyên truyền về lợi ích của việc sinh đủ hai con. Vận động không kết hôn muộn, không sinh con muộn và sinh đủ hai con. Đối tượng tác động chủ yếu là nam, nữ thanh niên chưa kết hôn và các cặp vợ chồng chưa sinh đủ hai con. Rà soát, điều chỉnh các quy định không còn phù hợp liên quan đến mục tiêu giải quyết tình trạng mức sinh thấp.
Bộ Y tế đang được giao chủ trì xây dựng dự án Luật Dân số và đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các chính sách. Trong đó, đáng chú ý, Bộ Y tế đề xuất quy định quyền quyết định của cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con, thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh, nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước. Theo Bộ Y tế, quy định trao quyền quyết định số con của cặp vợ chồng, cá nhân phù hợp với Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân. Việc không quy định số con sẽ phù hợp với các cam kết chính trị Việt Nam đã đưa ra tại các diễn đàn đa phương và tác động tốt với dư luận quốc tế.