Niềm vui hậu ngày hội bóng đá thế giới

Tổng thống Putin tươi cười vì tổ chức Cúp Bóng đá Thế giới thành công vượt bậc
Tổng thống Putin tươi cười vì tổ chức Cúp Bóng đá Thế giới thành công vượt bậc
(PLO) - Hai mươi năm đợi chờ, cúp vàng bóng đá thế giới mới quay trở lại nước Pháp. Với Paris, sự kiện này làm lu mờ thượng đỉnh Nga - Mỹ đầu tiên dưới nhiệm kỳ Donald Trump, đẩy đối thoại giữa Trung Quốc với Liên Hiệp Châu Âu ở Bắc Kinh; hay hiệp định thương mại giữa Nhật và Châu Âu xuống hàng thứ yếu. Và với một số quốc gia khác, dù không giành được chức vô địch, họ vẫn có những niềm vui hậu World Cup 2018.

Khi trọng tài thổi còi kết thúc trận đấu, các cổ động viên Pháp ngay tại thủ đô Matxcơva điên lên vì vui sướng, coi ngày 15/7/2018 là "ngày hạnh phúc nhất trong đời". Cách xa sân vận động Loujniki 2.500 cây số, tại Pháp từ bắc chí nam, từ đông sang tây, điệp khúc "Champions du monde" vang rền trong những rừng cờ ba màu Xanh - Trắng - Đỏ

Không khí ngày hội

Một người hâm mộ nói: "Tôi là người hạnh phúc nhất đời, tôi giữ mãi hình ảnh ngày hôm nay, để kể lại cho con, cháu chiến thắng vẻ vang của đội tuyển bóng đá Pháp. Vô địch thế giới !" 

Tháp Eiffel, Khải Hoàn Môn, những biểu tượng của nước Pháp đều khoác lên mình màu cờ Xanh - Trắng - Đỏ, hình ảnh của chú Gà Trống xứ Gaule, chân dung của các cầu thủ đã viết nên một trang sử mới cho bóng đá Pháp hay hai ngôi sao, mừng đội bóng áo lam hai lần đoạt chức vô địch thế giới (2018 và 1998). 

Khi đội tuyển Pháp từ Matxcơva trở về thủ đô Paris, 23 tuyển thủ và huấn luyện viên Didier Deschamps đã được chào đón như những vị anh hùng. Thảm đỏ ở phi trường, thảm đỏ tại phủ tổng thống chờ đón. Một biển người tràn ngập con lộ đẹp bậc nhất thế giới, Champs Elysées, đợi chiếc xe mui trần của đội bóng Pháp đi qua. Một tờ báo nước ngoài mô tả không khí lễ hội tại đây: 

"Tiếng vỗ tay vang rền khi chiếc xe buýt của đội tuyển Pháp đi qua. Những người may mắn nhất trông thấy được một vài danh thủ. Số khác trèo lên cột đèn hay đứng trên nóc của các sạp báo, để trông thấy các cầu thủ trong những chiếc áo thun, màu của đội tuyển quốc gia; nhưng tiếc là xe đi qua quá nhanh.

Điều quan trọng nhất là chia sẻ niềm vui sướng với tất cả mọi người chung quanh. Sau một đêm hò hét, có những người khản cả giọng nhưng vô cùng tự hào. Niềm tự hào mà cả buổi chiều ngày thứ Hai, 16/07/2018, hàng trăm ngàn người trên đại lộ Champs Elysées cùng chia sẻ".

Zagreb không để lép vế Paris

Thua Pháp trên sân cỏ, nhưng ở quê nhà, các cầu thủ Croatia được tiếp đón như những người lính thắng trận trở về. 

Tại Zagreb, những lá cờ cũng ba màu Xanh - Trắng - Đỏ với những ô sọc trắng và đỏ ở giữa của Croatia rợp trời. Nửa triệu người, tức gần 12% dân số cả nước, dừng mọi hoạt động, đổ về Zagreb kiên nhẫn hàng giờ với hy vọng được trông thấy đội bóng Vatreni.

Biển người chào mừng đội bóng Pháp tại Paris
Biển người chào mừng đội bóng Pháp tại Paris

Lần đầu tiên vào chung kết Cúp Bóng đá Thế giới, các tuyển thủ Croatia đem lại niềm tự hào vô biên cho đất nước với khoảng 4 triệu dân này. Đoàn xe của đội bóng áo sọc trắng đỏ từ phi trường quốc tế Zagreb phải mất đến 5 tiếng mới vào được đến quảng trường Jelacic ở trung tâm thủ đô. 

Từ năm 1994, đường phố Zagreb mới lại đông kín người. Hai mươi tư năm về trước là khi đức giáo hoàng Gioan Phaolồ Đệ nhị cử hành thánh lễ tại một đất nước mà 90% dân số theo công giáo. 

Bên cạnh niềm tự hào dân tộc trước một thế hệ vàng các tuyển thủ trẻ,  Cúp Bóng đá Thế giới 2018 còn đem lại một làn gió mới cho cỗ xe kinh tế của Croatia, như tường thuật sau đây của một tờ báo nước ngoài: 

"Hiệu ứng kinh tế đầu tiên Cúp Bóng đá Thế giới đem lại cho Croatia là trong suốt mùa bóng, nhịp độ mua sắm đã tăng vọt. Nào là mua vô tuyến truyền hình, mua trang thiết bị thể thao, nước ngọt, các dịch vụ thuê bao điện thoại...

Chỉ số tiêu thụ tăng từ 10 - 15% so với cùng thời kỳ năm ngoái và đã nhảy vọt lên tới 17% vào lúc đội tuyển Croatia đấu với đội bóng của Anh ở vòng bán kết. Sức mua sắm của người dân Croatia nhân trận bóng này còn cao hơn so với mùa lễ Giáng Sinh. Nhìn chung, tiêu thụ tại Croatia tăng thêm khoảng 1,2 tỷ đô la.

Giới doanh nhân hy vọng hiệu ứng bóng đá sẽ kéo dài. Nhờ thành tích của đội tuyển quốc gia, Croatia thu hút chú ý của thế giới và hình ảnh của đất nước được quảng bá miễn phí một cách rộng rãi, chủ yếu là qua mạng internet. 

Ngành du lịch là lĩnh vực kinh tế đầu tiên hưởng lợi từ mùa bóng lần này khi biết rằng các hoạt động du lịch đem về 18% tổng sản phẩm nội địa cho Croatia. Với các lĩnh vực khác, hiệu ứng bóng đá không được bằng. Xuất khẩu của Croatia không hy vọng tăng vọt nhờ vào thành tích của đội tuyển quốc gia". 

Nước chủ nhà Nga cũng "đại thắng" 

Theo dõi toàn bộ các trận bóng tại 12 sân cỏ của Nga trong một tháng trời, một tờ báo tổng kết mùa World Cup 2018:

"Cúp bóng đá thế giới lần này không tôn trọng trật tự của làng bóng quốc tế. Các đội bóng dẫn đầu bảng xếp hạng của FIFA sớm bị loại. Đó là trường hợp của đội tuyển Đức, Achentina và Tây Ban Nha. Rồi ở vòng tứ kết, đến lượt Brazil, Uruguay bị "knock out". Những Ronaldo, Messi, Neymar phải ra về. Thay vào đó là một thế hệ vàng của làng bóng Croatia và nhất là đội trưởng Luka Modric, được bầu là cầu thủ xuất sắc nhất của lễ hội bóng đá tổ chức tại Nga.

Croatia ngấp nghé chức vô địch, nhưng đã thua Pháp ở trận chung kết. Đây cũng là một trận chung kết với nhiều bàn thắng nhất từ năm 1966. Đội tuyển Pháp dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Didier Deschamps, nhờ ngôi sao may mắn dẫn đường, đã có được Kylian Mbappé.

Người hâm mộ đội bóng Croatia
Người hâm mộ đội bóng Croatia

Cầu thủ trẻ tuổi này được vinh danh là cầu thủ trẻ triển vọng nhất tại cúp thế giới lần này. Đó là một trong những yếu tố giúp cho Pháp đã đoạt được chức vô địch thứ nhì sau 20 năm chờ đợi.

Trong số các nguyên thủ đứng dưới mưa trong buổi lễ trao giải, tổng thống Vladimir Putin tươi cười hỉ hả vì tổ chức Cúp Bóng đá Thế giới thành công vượt bực. Điều bất ngờ là thành tích của đội tuyển Nga, chỉ đầu hàng ở vòng tứ kết.

Đây là một trong số nhiều bất ngờ lần này. Khán đài trên các sân vận động đông kín khán giả, đông nhất là giới hâm mộ từ châu Mỹ La Tinh đến xem bóng đá. Không một sự cố đáng tiếc nghiêm trọng nào đã xảy ra trong suốt mùa thi đấu, ngoài việc bốn thành viên của nhóm Pussy Riot lao xuống sân cỏ. Qatar khó có thể cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ như vậy khi tổ chức Cúp Bóng đá Thế giới 2022"

Nike “đăng quang” ở World Cup 2018

Nếu như trên sân cỏ, Pháp đoạt danh hiệu vô địch bóng đá thế giới 2018, Croatia là á quân, thì trên mặt trận thương mại, tập đoàn Mỹ Nike đã hạ gục Adidas của Đức.

Lần đầu tiên, 100% quần áo và giầy của các tuyển thủ có mặt trên trong trận chung kết đều có logo của Nike. Cũng tập đoàn Mỹ có trụ sở tại bang Oregon này trang bị cho 3/4 đội bóng vào bán kết. Ba cầu thủ được xướng tên trong lễ bế mạc là Mbappé của Pháp, Modric của Croatia và thủ môn người Bỉ Courtois đều là những sứ giả của Nike. Áo của Thibaut Courtois mang nhãn hiệu Adidas nhưng đôi giày anh đi là của Nike. Cũng hãng này cung cấp giày cho 60% cầu thủ thi đấu trên các sân cỏ Nga. 

Đối thủ chính của Nike là Adidas chỉ có mỗi quả bóng với logo ba sọc của tập đoàn Đức hiện diện trong trận chung kết Pháp - Croatia. Adidas tuy được 12/32 đội bóng khoác lên mình những chiếc áo có logo ba sọc và trong số ấy có những đội bóng lớn như là Đức, Tây Ban Nha hay Achentina. Tiếc cho Adidas là tất cả những đội này đã phải rời sân cỏ Nga quá sớm. 

Nike là nhà tài trợ chính thức của đội tuyển Pháp từ năm 2008, hàng năm rót cho đội này hơn 50 triệu euro, hợp đồng kéo dài cho tới năm 2026. Với chiến thắng của đội tuyển Áo Lam, Nike cầm chắc doanh thu tăng vọt, bởi như ghi nhận của giám đốc phụ trách về khuyến mãi thuộc tập đoàn này, "hình ảnh của một đội bóng, uy tín của các ngôi sao là kênh liên lạc hiệu quả nhất". 

Tính cách dễ mến và gần gũi với giới trẻ của một cầu thủ như Kylian Mbappé sẽ chắp thêm đôi cánh để những sản phẩm của tập đoàn mang tên Nữ thần Chiến thắng bay xa hơn cao hơn. 

Cơn sốt áo thun xanh lam 2 sao

Nhưng thách thức trước mắt đối với Nike là làm thế nào để cung cấp nhanh nhất những chiếc áo mang tên các tuyển thủ Pháp với hai ngôi sao trên ngực, dấu hiệu của đội bóng hai lần đoạt chức vô địch thế giới.

Trước cả trận đấu Croatia - Pháp, Nike chuẩn bị sẵn 1.500 áo thun màu xanh lam với 2 ngôi sao trên ngực để tặng không cho một số rất ít các vị khách mời đặc biệt của tập đoàn này, khi các chú Gà trống xứ Gaule lần thứ nhì viết nên trang sử của làng bóng thế giới. 

Giới hâm mộ lập tức cuồng nhiệt săn lùng những chiếc áo với hai ngôi sao. Không ít người đã thất vọng vì không thể tìm thấy những món hàng độc đáo ấy tại cửa hiệu của Nike ở đại lộ Champs Elysées. Công ty này cho biết sớm nhất cũng phải đến giữa tháng 8 mới có thể chiều lòng người hâm mộ. Trong khi đó, tại Trung Quốc một nhà phân phối trên mạng đã tung ra hàng giả, đó cũng là những chiếc áo màu xanh lam có logo của Nike với 2 ngôi sao trên ngực. Giá bán ra không quá 10 USD. 

Theo một số nguồn tin, những chiếc áo đầu tiên với 2 ngôi sao của đội Pháp sẽ được may tại Thổ Nhĩ Kỳ, trước khi các hãng gia công của Nike ở Thái Lan “tiếp tay”. Giá thành chưa đầy 20 USD nhưng sẽ được bán ra trên các cửa hàng với giá từ 90 - 150 USD. Dù vậy để có lãi, hãng này phải bán ít nhất "một triệu rưỡi chiếc áo trong vòng một năm". 

Nhà cung cấp quần áo thể thao của Mỹ chờ đợi trong ba tuần lễ đầu khi phát hành "sản phẩm mới" 300.000 chiếc áo sẽ được các nhà sưu tập săn lùng như một món hàng "độc".

Đọc thêm

Ưu điểm 'xe tăng tốt nhất thế giới' của Nga

Một mẫu xe tăng hiện đại hoá từ nguyên mẫu T-72 của Nga.
(PLVN) - Dù có thiết kế rất đơn giản nhưng xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 của Nga là xe tăng tốt nhất thế giới, hãng tin Sputnik dẫn lời nhà báo Brandon Weichert trên ấn phẩm The National Interest (TNI) của Mỹ khẳng định.

Vì sao UNESCO khuyến nghị bảo tồn di sản nghe nhìn?

Hoạt động kiểm kê phim tại Kho lưu trữ UNESCO. (Ảnh: UNESCO)
(PLVN) - Di sản nghe nhìn là những tư liệu quý giá về lịch sử, văn hóa và sự phát triển của con người. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số cùng với các nguy cơ tự nhiên và nhân tạo đang đe dọa sự tồn tại của các tài liệu này. Nhận thức được điều đó, UNESCO đã không ngừng thúc đẩy các sáng kiến bảo tồn di sản nghe nhìn, nhằm đảm bảo tính bền vững và khả năng tiếp cận cho các thế hệ tương lai.

Người hiến tạng 'sống lại' trên bàn mổ

Thomas 'TJ' Hoover II được chụp trong bệnh viện.
(PLVN) - Một người đàn ông ở Kentucky, Mỹ được cho là đã tỉnh lại trong phòng mổ ngay trước khi các bác sĩ chuẩn bị lấy nội tạng của anh ta để hiến tặng. Sự việc gây sốc này đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ.