Indah Kristina, mẹ của một cô con gái 5 tuổi lúc nào cũng trong tình trạng vô cùng lo lắng khi truyền thông Indonesia liên tục đưa tin về tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em trong những tháng gần đây: “Tôi luôn hoảng sợ khi nghĩ rằng nạn nhân có thể là con gái tôi. Tôi không bao giờ dám rời mắt khỏi con gái vì tôi nhận thấy rất nhiều bé trở thành nạn nhân bởi chính những người thân quen và tin tưởng”.
Nhưng vì là mẹ đơn thân và còn phải đi làm, nên Indah vẫn phải gửi con gái của mình cho cô giáo hoặc người trông trẻ, mang theo nỗi lo lắng khôn nguôi về sự an toàn của con.
“Vấn nạn quốc gia”
Tình cảnh của Indah Kristina giống như rất nhiều các bậc làm cha làm mẹ khác ở Indonesia khi các vụ hiếp dâm trẻ em xuất hiện ngày càng nhiều khắp đất nước Indonesia. Dư luận Indonesia đã phải đặt câu hỏi: điều gì đang xảy ra với vấn đề đạo đức xã hội của đất nước này?
Vụ việc gây chấn động Indonesia gần đây nhất là vụ một nhóm 7 thanh niên đã hiếp dâm tập thể sau đó giết chết một bé gái 14 tuổi khi cô bé đang trên đường đi học về. Nhóm thanh niên này thực hiện hành vi phạm tội sau khi uống rượu say. Thi thể cô bé đã được tìm thấy 3 ngày sau đó trong tình trạng bê bết máu, bị trói và khỏa thân.
Trong phiên tòa xét xử hôm 10/5, Tòa án quận Curup ở Bengkulu đã kết tội 7 thanh niên mức án 10 năm tù giam mỗi người. Lẽ ra 7 bị cáo có thể bị kết án cao hơn, nhưng vì vẫn trong độ tuổi vị thành niên nên chỉ có thể áp mức án cao nhất này.
Trong vụ việc mới nhất, một bé gái 13 tuổi cũng đã bị một nhóm bạn hiếp dâm tập thể tại Surabaya, Đông Java. Tất cả 8 kẻ phạm tội đều trong độ tuổi vị thành niên.
Thông tin gây “sốc” hơn nữa là nhóm này đã bắt đầu lạm dụng tình dục với nạn nhân từ 9 năm trước, khi cô bé mới lên 4 tuổi. Cả nạn nhân và những kẻ phạm tội cùng sống ở vùng Gubeng, Surabaya.
Hai vụ việc này được so sánh với vụ việc từng xảy ra tại Delhi ở Ấn Độ năm 2012, khi một nhóm thanh niên cũng tấn công một nữ sinh viên trên xe buýt.
Điều đáng nói là những vụ việc vừa qua chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, bởi do quan niệm xã hội, có nhiều trường hợp gia đình nạn nhân đã không thông báo với cảnh sát việc con em mình bị lạm dụng tình dục.
“Tức nước vỡ bờ”
Hai vụ án hiếp dâm trẻ em nghiêm trọng khiến dư luận Indonesia dậy sóng, yêu cầu nhà chức trách phải có những biện pháp hiệu quả hơn để ngăn ngừa việc xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em. Sắc lệnh được Tổng thống Joko Widodo thông qua hôm 25/5 vừa qua cũng được cho là động thái phản ứng trước sự phẫn nộ của công chúng.
Người dân biểu tình phản đối tình trạng hiếp dâm trẻ em |
Theo Bộ luật năm 2002 về bảo vệ trẻ em, những người có quan hệ tình dục với trẻ em có thể đối diện mức phạt tù 15 năm và phạt 60 triệu Rp (khoảng 6.200 USD). Nhiều người đã từng cho rằng mức phạt cần tăng lên là tối thiểu 15 năm và cao nhất là tù chung thân.
Ngoài ra có thể có một số hình phạt tăng nặng nếu kẻ phạm tội là người thân quen như bố, thầy giáo, nhân viên cảnh sát khu vực – những người vẫn được coi là người bảo vệ cho trẻ em.
Trong sắc lệnh mới mà Tổng thống Widodo vừa ban hành, tội phạm hiếp dâm trẻ em có thể bị xử án ở mức cao nhất là tử hình. Những kẻ bị kết án tù sẽ bị “thiến hóa học” – nghĩa là bị tiêm một loại thuốc để giảm ham muốn và khả năng hoạt động tình dục - sau khi mãn hạn tù.
Ngoài ra, những kẻ bị kết tội hiếp dâm trẻ em còn bị cấy một thiết bị theo dõi vào chân. Mức phạt tù cao nhất cũng được điều chỉnh lên 20 năm. Với việc áp dụng mức hình phạt là “thiến hóa học”, Indonesia là một trong số ít nước sử dụng hình phạt này trên khắp thế giới sau Ba Lan, Nga, Australia và một số bang ở Mỹ.
Năm 2011, Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên ở châu Á hợp pháp hóa hình phạt này. Sắc lệnh này nhằm bổ sung cho Bộ luật năm 2002, cho phép quan tòa quyền quyết định rất lớn trong việc kết tội với các bị cáo phạm tội danh này. Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết:
“Xâm hại tình dục đối với trẻ em là một tội nghiêm trọng, đe dọa cuộc sống sau này của trẻ. “Loại hình tội phạm này hủy hoại sự phát triển của trẻ, đồng thời phá hoại nền hòa bình, an ninh và trật tự xã hội của Indonesia. Mục tiêu của Sắc lệnh mới là giúp Indonesia vượt qua cuộc khủng hoảng tồi tệ này”.
Việc kết án tù giam với các trẻ vị thành niên phạm tội hiếp dâm từng gây ra nhiều tranh cãi ở Indonesia. Một số tổ chức xã hội ở Indonesia lập luận rằng, theo Sắc lệnh số 11 năm 2012, trẻ em phạm tội sẽ không bị bỏ tù. Lý do là việc bắt giữ, tạm giam và bỏ tù trẻ em có nguy cơ ảnh hưởng đến quyền tự do của trẻ cũng như ảnh hưởng đến hành vi của trẻ khi trưởng thành.
Việc chính phủ Indonesia gia tăng mức hình phạt với tội phạm hiếp dâm trẻ em, kể cả khi kẻ phạm tội nằm trong độ tuổi vị thành viên cho thấy quyết tâm nhằm giải quyết vấn nạn này. Chính phủ hiện nay của ông Widodo đã đưa việc giải quyết tình trạng tấn công tình dục trẻ em vào hàng ưu tiên trong chương trình nghị sự, đồng thời cam kết sẽ tạo sự chuyển biến rõ rệt trong công tác vệ trẻ em khỏi nạn xâm hại tình dục.
Tăng nặng hình phạt là... chưa đủ
Các chuyên gia cũng như các nhà hoạt động xã hội ở Indonesia cho rằng, việc tăng nặng hình phạt là cần thiết, nhưng chưa đủ để giảm tỷ lệ phạm tội hiếp dâm trẻ em. Bà Erlangga Masdiana, chuyên gia nghiên cứu về tôi phạm của Trường Đại học quốc gia Indonesia cho biết:
“Vấn đề phức tạp hơn thế nhiều. Vấn đề nằm ở sự tha hóa đạo đức và tình trạng nghèo đói kém phát triển. Chính phủ phải xác định các vấn đề này một cách riêng rẽ”.
Tổng thống Joko Widodo công bố sắc lệnh mới |
Vụ việc bắt giữ hai nhóm thanh niên phạm tội hiếp dâm tập thể tại Bengkulu và Surabaya cho thấy có rất nhiều yếu tố gây nên tình trạng lạm dụng tình dục với trẻ em: sự tiếp xúc thoải mái với các văn hóa phẩm khiêu dâm, thiếu giáo dục giới tính cho trẻ em, tình trạng nghèo đói và sử dụng rượu tràn lan.
Các quy định kiểm soát việc sử dụng rượu và các biện pháp trừng phạt hà khắc hơn với tội phạm hiếp dâm trẻ em được cho là hai giải pháp quan trọng nhất để giải quyết nạn hiếp dâm trẻ em.
Ngoài ra Indonesia cũng sẽ triển khai các chiến dịch để thay đổi nhận thức cộng đồng. Theo đó, tất cả mọi người cần hiểu rằng việc con cái họ bị lạm dụng không phải là câu chuyện cá nhân, mà nó là tình trạng an ninh, an toàn của quốc gia.
Những người hàng xóm cần phải có trách nhiệm nhận biết những gì đang diễn ra quanh họ. Bởi vì, trẻ em thường không có khả năng chống trả, cả về thể chất và tinh thần, chưa kể các vụ lạm dụng tình dục trẻ em đều kèm theo đe dọa khiến các em không dám kể với ai.
Indonesia hiện đã thông qua Chiến lược Quốc gia về chấm dứt bạo lực với trẻ em và Kế hoạch Hành động quốc gia về Bảo vệ Trẻ em, đưa ra những khuôn khổ toàn diện để bảo vệ trẻ em khỏi các vụ xâm hại tình dục. UNICEF cho rằng đây là khuôn khổ quan trọng để bảo vệ trẻ em ở những môi trường khác nhau như trường học, nhà ở và nơi công cộng. Indonesia hy vọng những kế hoạch này sẽ giúp nước này đạt được Mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững, đặc biệt là Mục tiêu số 16.2 về chấm dứt các hành vi bạo lực với trẻ em vào năm 2030./.