Nỗ lực của Tổng thống Mỹ trước thềm bầu cử
Theo tờ báo chuyên phân tích thông tin địa chính trị toàn cầu có trụ sở tại Mỹ, trong năm 2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thúc đẩy các biện pháp để đạt được nhiều thỏa thuận thương mại với các nước trước khi cử tri Mỹ vào tháng 11 năm tới đưa ra quyết định về việc họ có bầu để ông tiếp tục giữ vị trí lãnh đạo đất nước thêm 1 nhiệm kỳ nữa hay không.
Các nhà phân tích cho rằng, ở những lĩnh vực mà việc đàm phán đang khó có khả năng có tiến triển, Mỹ có thể sẽ dùng tới những chính sách quyết liệt hơn để tạo thêm lợi thế cho mình. Có điều, chiến lược này cũng có thể sẽ phản tác dụng, tiềm ẩn nguy cơ khiến ông Trump mất đi sự ủng hộ của cử tri nếu như các bước đi của Nhà Trắng không những không giúp đưa đến một thỏa thuận mà còn kéo nền kinh tế Mỹ đi xuống.
Trong bối cảnh như vậy, giới chức Mỹ cũng có thể sẽ chấp nhận quan điểm đàm phán bớt cứng rắn hơn đối với một số cuộc đàm phán không thành ở thời điểm cuộc bầu cử đã cận kề. Tuy nhiên, nhiều khả năng Mỹ sẽ không nhân nhượng trong vấn đề Iran và Triều Tiên bởi cả chính quyền của ông Trump và Quốc hội Mỹ đều đang thúc đẩy đàm phán theo hướng có lợi nhất cho nước này.
Thương chiến Mỹ - Trung vẫn tiếp tục
Giữa tháng 1 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa hai nước tại Nhà Trắng. Thỏa thuận này sẽ có hiệu lực trong năm 2020 nhưng những bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến việc diễn giải các nội dung của thỏa thuận vẫn chưa thể giải quyết, tiềm ẩn nguy cơ leo thang.
Căng thẳng quy mô nhỏ vẫn có thể xảy ra. Trong bối cảnh Tổng thống Trump muốn việc đạt được thỏa thuận thương mại trở thành một thành tựu trọng tâm trong chính sách thương mại của ông nhằm lôi kéo sự ủng hộ của các cử tri tại cuộc bầu cử tháng 11 tới, 2 bên dự kiến sẽ tiếp tục thúc đẩy việc đàm phán một cách mạnh mẽ.
Tuy nhiên, theo dự báo, trong năm 2020, Mỹ và Trung Quốc vẫn khó có thể đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện bởi Trung Quốc sẽ không xuống thang, chấp nhận yêu cầu của Mỹ về cải tổ cơ cấu nước họ.
Liên quan đến các cuộc đàm phán thương mại của Mỹ với các đối tác khác, việc đàm phán giữa Mỹ và châu Âu có thể sẽ tạm đình trệ do bất đồng giữa 2 bên liên quan đến vấn đề nông sản. Mỹ nhiều khả năng sẽ viện một số lý do như khoản thuế dịch vụ kỹ thuật số mà Pháp hiện đang áp dụng hay những quan ngại của nước này về an ninh quốc gia xung quanh việc nhập khẩu ô tô để áp thêm thuế quan lên hàng hóa châu Âu nhằm gây sức ép đàm phán.
Đối với nền kinh tế thế giới, bất chấp việc những diễn biến trong thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung đã tạo nên những tín hiệu lạc quan về tăng trưởng, nhưng nền kinh tế thế giới được dự báo chưa thể khởi sắc mạnh mẽ trong năm 2020.
Nguyên nhân chính được xác định là những hành động đơn phương của Mỹ. Một số nguy cơ bất ổn khác cũng có thể xuất hiện trong năm 2020. Tăng trưởng kinh tế ở Tây Âu cũng được dự báo sẽ ở mức dưới 1% trong cả năm do nền kinh tế của nhiều nước tiếp tục trì trệ.
Nguy cơ biến đổi khí hậu
Trong năm 2020, các chính phủ cũng như doanh nghiệp trên thế giới sẽ ngày càng phải đối mặt với những nguy cơ lớn hơn từ tình trạng biến đổi khí hậu, trong đó có nguy cơ hạ tầng kinh doanh bị phá hủy.
Các nhà quan sát cho rằng sớm hay muộn các chính phủ cũng buộc các công ty phải chịu trách nhiệm về những thảm họa thiên nhiên, hay tình trạng ô nhiễm đang ngày càng làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu.
Lợi nhuận và tăng trưởng của các công ty trong tương lai cũng được dự báo sẽ bị ảnh hưởng do phải giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đi cùng với đó là xu hướng sử dụng nhiều hơn các loại năng lượng tái tạo.
Vẫn theo dự báo, dù nhiều nước sẽ vẫn không đạt được mục tiêu chống biến đổi khí hậu mà họ cam kết nhưng người dân sẽ tích cực tham gia vào tiến trình này và sẽ có ngày càng nhiều hơn các vụ kiện khiến chính phủ các nước phải thay đổi chính sách liên quan để tích cực chống biến đổi khí hậu hơn.