Một đứa trẻ tối ngày chỉ học, đâu biết mình đam mê gì?
GS Trương Nguyện Thành được biết tới nhiều với biệt danh GS quần đùi, ông là GS ĐH Utah (Mỹ), từng có một thời gian trở về làm Hiệu phó ĐH Hoa Sen đã chia sẻ góc nhìn của ông về hướng nghiệp.
Ông cho rằng, ở Việt Nam khá nhiều phụ huynh có suy nghĩ hướng nghiệp cho con trẻ là khuyến khích con học một ngành nào đó với những lý do chính đáng như khả năng tìm được việc làm sau khi ra trường với mức lương cao… mà cha mẹ nghĩ là tốt và phù hợp cho tương lai của con. Phần khác họ suy nghĩ rằng con còn nhỏ nên không biết gì về xã hội bên ngoài nên cha mẹ nên là người suy nghĩ dùm cho con.
"Tôi từng gặp sinh viên học ngành mà cha mẹ chọn xong rồi bỏ đi học lại. Hoặc ra trường làm một thời gian ngắn rồi bỏ đi học hay làm việc khác. Đó có phải là một lãng phí về thời gian và cơ hội của chính bản thân người đó mà còn lãng phí cho xã hội nếu chuyện đó xảy ra hay không?
Cũng có nhiều người thành công khuyên rằng “hãy theo đuổi đam mê” nhưng có một vấn đề bạn chỉ biết đam mê của mình khi đã trải nghiệm được nhiều thứ. Đứa trẻ suốt ngày chỉ biết đến trường để học, rồi học thêm, rồi học … thì làm gì biết được đam mê của mình là gì và liệu suy nghĩ về đam mê ấy có đúng. Phần lớn các bạn trẻ nhầm tưởng giữa sở thích và đam mê. Sở thích là khi bạn có cảm xúc phấn khích khi làm một việc gì. Đó là chuyện hiện tại. Đam mê gắn liền với một hy vọng hay mong muốn vào tương lai và sẵn sàng trả cái giá để vượt qua những thử thách khi gặp phải trên đường thực hiện chúng.
Tôi chỉ chia sẻ trải nghiệm dạy con của mình thôi. Tôi khuyên con tôi Takara nên suy nghĩ về tương lai và điều mình muốn làm và cứ mạnh dạn làm nó. Nên đánh giá thường xuyên điều mình đang làm và mong muốn cho tương lai rồi điều chỉnh lại nếu cần thiết. Thế thôi. Còn làm gì thì con cứ quyết định.
Khi còn nhỏ, Takara là đứa trẻ năng động, lúc nào cũng táy máy làm gì hay chơi gì chứ không thích ngồi yên một chỗ kể cả để đọc sách. Năm cuối đại học, sau một cuộc thi đấu về thách thức làm sản phẩm trong 48 giờ, đội cậu ta thắng với sản phẩm là app đầu tư chứng khoán ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Một hôm cậu ta nói với cha “Thử thách lớn nhất cho robot trong tương lai là làm sao cho robot đủ thông minh để học chứ không phải ở phần cứng” Thế là cậu ta quyết định đổi hướng qua học trí tuệ nhân tạo trong khoa học máy tính. Hôm qua Takara nói một câu mà tôi có cảm nhận là con đã tìm thấy con đường đi tương lai cho riêng mình – “Xưa con học robotics làm ra con robot, giờ con qua nghiên cứu về robotics nhưng không có con robots”.
Qua trải nghiệm trên tôi cho rằng hãy cho con cơ hội để quyết định cuộc đời của mình vì như thế con mới có trách nhiệm với quyết định của mình. Mọi thứ đều có cái giá của nó. Ai là người quyết định thì người đó nên là người trả giá cho quyết định đó", theo GS Trương Nguyện Thành.
Cả “rổ” điểm kém, không sao!
Nhà văn Di Li chia sẻ câu chuyện dạy con của mình “hơi khác” với các bà mẹ khác một chút. Lý do là vì từ năm 13 tuổi cô đã sống một mình, tự tổ chức cuộc sống, tự hoạch định tài chính, ốm tự chữa, tự giải quyết vấn đề, và cơ bản cả cuộc đời là sống một mình nên kỹ năng sinh tồn và trực giác sinh tồn của cô được đẩy lên cao nhất.
Theo nhà văn Di Li, "Lý do bạn bè con gái mình hay gạ đổi mẹ là vì câu cửa miệng của mình luôn là “Điểm 1 không sao, hồi đi học mẹ đong điểm kém thành rổ nhưng rồi con người cũng chả ngu si đi, cũng chả ai khinh rẻ. Nhiều bạn bè mình gặp chỉ thấy hai trạng thái, con học kém tí (mà chỉ kém tí thôi) đã thở dài não nề, mặt mũi nháo nhác lo lắng, như chết đến nơi, con học giỏi tí thì sáng bừng rạng rỡ coi như đời chả còn gì sướng hơn, nên mình đoán nhiều phụ huynh của bạn con mình cũng vậy.
Trong bữa cơm tối của hai mẹ con nhà mình (thường kéo dài 1-2 tiếng để trò chuyện) hay có một nội dung kỳ quặc, đấy là suốt ngày mình soạn di chúc bằng miệng, trong đó có mấy chục lời căn dặn quan trọng. Nhà người khác nghe thấy gở, thấy sợ chứ con mình nó nghe quen từ bé rồi. Điều quan trọng cần căn dặn mà chờ đến lúc sắp gần đất xa trời mới dặn thì lúc ấy một là lẩm cẩm lẫn lộn đi rồi, hai là không còn thời gian nữa.
Còn một thứ di chúc bằng chữ thì là một cuốn sổ mình viết tay (chứ không đánh máy), chia 2 phần. Phần 1 là dặn dò những điều tuyệt đối không bao giờ được làm và những điều cần phải làm (để khỏi phải ngó sang phần hai). Còn nếu chẳng may phần 1 xử lý không tốt thì đành phải giở phần 2 vậy. Phần thứ hai là Xử lý khủng hoảng bản thân. Mình bảo “Đời ai rồi trước sau cũng xảy ra đủ loại khủng hoảng con ạ. Người ta chỉ hơn nhau ở chỗ xử lý vấn đề có tốt hay không chứ không thể hơn nhau ở việc mình toàn gặp may mắn và đời tuyền màu hồng. Đại loại là khủng hoảng về sức khỏe, khủng hoảng về tài chính, công việc, tình cảm, về các mối quan hệ, về dư luận, về các bất trắc, về mọi nỗi mất mát. Sách mẹ in vạn bản nhưng quyển sổ viết tay thì là độc bản, nên tiền có thể mất chứ sổ này thì không”.
Nghe thế ngày nào con mình cũng đòi xem sổ. Cơ mà cái này viết lai rai nhiều năm chứ xong ngay sao được mà đòi. “Giờ tạm thời mẹ là sổ đây. Có gì cứ hỏi”. Nên trong suốt 19 năm, mình chưa từng lần nào nhắc con học bài đi nhưng cứ đều đặn 2 tiếng buổi tối là bắt ngồi nghe giảng… kỹ năng, thái độ.
Để sinh tồn và sống ổn, tất là cần phải có kỹ năng thích nghi, kỹ năng tư duy tích cực, kỹ năng quan sát và phán đoán, kỹ năng phân tích và tổng hợp thông tin, kỹ năng phản biện, kỹ năng tự ra quyết định, kỹ năng kiểm soát cảm xúc, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng ứng xử, kỹ năng đối mặt với áp lực…, chưa kể có những kỹ năng cụ tỉ như kỹ năng phòng chống quấy rối tình dục, kỹ năng an toàn tính mạng, kỹ năng an toàn trên không gian mạng...
Một trong những kỹ năng sinh tồn mình luôn nhắc con mình là nên không ngừng học hỏi và tự học (đến lúc chết) để lúc nào cũng trang bị cho mình đủ loại kiến thức và vài nghề sơ cua… Và giờ cháu có thể làm nhiều công việc một cách chuyên nghiệp như dịch truyện, truyền thông…"
“Phải biết con mình là ai”
Một chị phụ huynh ở Hà Nội cũng chia sẻ câu chuyện của mình. Con luôn sợ hãi mỗi khi mẹ đi họp phụ huynh. Bởi ngoài môn Văn và tiếng Anh, cháu học rất tệ môn Toán và nhiều môn khác.
"Những ngày ấy, sau mỗi buổi họp phụ huynh, khi trở về nhà, tôi thường hài hước bảo cháu rằng, con là học sinh luôn giữ được phong độ ổn định trong học tập với bảng xếp hạng luôn luôn trong tốp 10 từ dưới lên.
Hết học kỳ 1 lớp 9, một cô giáo chắc như đinh đóng cột khi nói rằng, cháu chỉ có thể đậu được vào một trường cấp 3 bình thường. Một cô giáo khác khi tôi xin lời khuyên thì cũng đã nói một cách hơi khó nghe, nhưng diễn tả đúng hàm ý của cô là “phải biết con mình là ai”. Tức là nếu thi sẽ trượt. Nhưng tôi lại “biết cháu là ai” theo cách của tôi. Tôi chưa bao giờ quá coi trọng chuyện điểm số, cho dù khi đi học tôi thường nằm trong tốp đầu của lớp, nên tôi vẫn đồng ý khi cháu muốn thi chuyên Sư phạm.
Và bởi Văn và tiếng Anh tốt nên cháu đã đậu và là học sinh hiếm hoi trong lớp 9 của cháu đậu trường chuyên. Sau khi tốt nghiệp ở đó, cháu giành được học bổng du học Nhật.
Cho đến giờ, tôi vẫn là kiểu phụ huynh không quá coi trọng chuyện điểm số. Nhưng xung quanh tôi, bạn bè, người quen, những phụ huynh mà tôi tình cờ gặp vẫn coi điểm số là thang duy nhất đánh giá năng lực của con em mình”, chị bày tỏ.