Nghề làm quạt giấy làng Nam hình thành cách đây hàng trăm năm. Ông Lê Văn Trung (74 tuổi), người có thâm niên gần 7 thập kỷ theo nghề chia sẻ, từ lúc lên 6 tuổi đã biết phụ giúp bố mẹ một số công đoạn như phơi, xếp quạt… 10 tuổi, ông có thể tự tay hoàn thiện một chiếc quạt. Cứ thế, nghề làm quạt giấy theo ông cho đến tận bây giờ.
Dù vậy, ông cũng không biết nghề làm quạt giấy ở làng có từ lúc nào. Chỉ biết khi lớn lên đã thấy ông bà, cha mẹ đi khắp nơi chặt tre về cưa, chẻ, gọt, phết giấy… Những năm tháng đó cả làng, già trẻ, gái trai đều làm quạt, nhất là vào mùa nắng nóng. Tiếng tre chạm vào thớt gỗ cóc cóc vang khắp làng, vui như hội.
Trong trí nhớ của ông, cao điểm nghề làm quạt thường tập trung vào tháng 3 đến tháng 7 âm lịch hàng năm, đây là thời điểm vào hè nắng nóng nên quạt bán chạy hơn. Cứ thế, nghề thủ công đã giúp ông và nhiều gia đình trong làng có thu nhập, thậm chí sống khỏe bằng công việc tỉ mẩn.
Chia sẻ về những công đoạn của nghề làm quạt, bà Nguyễn Thị Thu (vợ ông Trung) cho biết, nghề này không quá vất vả nhưng trải qua nhiều công đoạn và đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu. Tính sơ sơ để làm một chiếc quạt giấy cũng phải trải qua 32 công đoạn.
Đầu tiên, người thợ chọn những cây tre thẳng, già và có lóng dài. Để tránh co ngót, tre được phơi cho đến khi “no” nắng. Sau đó, cưa bỏ mắt ở 2 đầu, lấy mỗi phần lóng có chiều dài đúng kích cỡ chiếc quạt. Ống tre được chẻ ra từng thanh đủ làm một chiếc quạt sau đó khoan một lỗ nhỏ ở đầu để chốt các nan lại với nhau làm tay cầm. Các nan quạt được chẻ bằng nhau, rồi được vót đến khi thật đều, trơn và mượt.
Nếu tre là “xương” của quạt thì giấy dó chính là phần “thịt”. Những tờ giấy dó được người thợ cắt vành theo hình cánh cung, sau đó đặt lên khung tre rồi dùng chiếc chổi phết một loại nước chuyên dụng lên nhằm giúp “thịt” dính liền với “xương”. Loại nước đặc biệt này được chiết từ vỏ cây sắn quả (không phải cây sắn lấy củ). Vỏ cây sắn sau khi được bóc về bỏ vào cối giã cho nát ra, rồi đổ nước lạnh vào ngâm khoảng 2 - 3 ngày là có thể lấy ra dùng.
Nghề truyền thống này đòi hỏi sự tỉ mỉ.. |
Vừa làm, bà Thu vừa cho hay, nhìn thì dễ nhưng không phải ai cũng quét giấy dó vào khung được. Phải thật khéo léo, tỉ mỉ, nếu không tấm giấy dó mỏng tanh sẽ bị nát hoặc rớt xuống. Nước phết cũng có quy tắc của nó, ngâm ít ngày quá thì nhựa cây tiết ra chưa đủ, không bảo đảm sự kết dính, nhưng nếu ngâm lâu quá, vỏ cây phân hủy gây nên mùi hôi thối, phải bỏ.
Nguyên bản quạt có màu trắng đục, nhìn mỏng manh nên nhiều khách hàng không thích. Do đó, để khắc phục, người thợ pha một chút phèn vào nước tạo nên màu đen tím. Sau khi quét giấy dó, quạt được mang đi phơi. Đủ nắng, chiếc quạt sẽ có mùi thơm ngai ngái của nước vỏ sắn khiến người dùng có cảm giác dễ chịu. Sau cùng, họ khéo léo xếp các cánh quạt lại, cắt bỏ những phần thừa, là hoàn thiện chiếc quạt.
Một ngày, vợ chồng ông bà có thể làm được khoảng 30 cái quạt phết hồ hoàn chỉnh. Hiện, ông bà vẫn làm 3 loại quạt: 20 nan, 15 nan, và 10 - 13 nan, được bán với giá thành khác nhau từ 10 - 20.000 đồng/chiếc. Sau khi trừ chi phí, ông bà có thể kiếm được khoảng 150.000 đồng/ngày. Sản phẩm làm ra không những tiêu thụ trong tỉnh mà còn nhập đi các tỉnh lân cận Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Ngày nay, dù sự lên ngôi của quạt điện, quạt hơi nước… nhưng những chiếc quạt giấy thủ công của làng Nam sản xuất ra vẫn có một chỗ đứng nhất định với một bộ phận người dân. Bởi, không ít hộ dân còn sử dụng quạt giấy trong dịp hội hè, đi họp, ở các gia đình thôn quê. Nhóm khách hàng ấy là động lực để vợ chồng ông Trung, bà Thu tiếp tục theo nghề, để vừa có thêm thu nhập, vừa lưu giữ nét truyền thống của cha ông cho các thế hệ mai sau.