“Hưởng lợi” và “lại quả”
Giữa năm 2017, Lê Văn Huy (21 tuổi, ở thị xã Quảng Trị) lên Internet đánh cắp tài khoản Facebook của bà Nhữ Thanh H (64 tuổi, ở Hà Nội). Sau khi chiếm quyền sử dụng, Huy giả danh bà Hằng nhắn tin cho một người thân của bị hại để nhờ mua hộ 110 thẻ cào Viettel và Mobifone. Sau đó, Huy đã chiếm đoạt số thẻ cào trị giá 55 triệu đồng.
Tiếp đó, bị cáo 9X này nạp vào 5 tài khoản của mình trong game bài Tip.club để đổi lấy 54 triệu Rik (tiền ảo sử dụng trong game). Số tiền còn lại, Huy liên hệ với các đầu mối để bán số tiền ảo Rik thành tiền thật, được hơn 40 triệu đồng (với giá quy đổi 750.000 đồng/1 triệu Rik).
Sau đó, Huy dùng tiền thật tiếp tục mua Rik của các đại lý để đánh bạc trực tuyến và thua hết. Sau khi biết mình bị lừa, ngày 25/5/2017, nạn nhân làm đơn tố cáo.
Tháng 8/2017, Công an tỉnh Phú Thọ khởi tố vụ án Đánh bạc và Tổ chức đánh bạc, khởi tố bị can Lê Văn Huy để điều tra mở rộng. Đầu tháng 9/2017, Bộ Công an có văn bản giao Công an tỉnh Phú Thọ điều tra triệt để vụ án. Từ đây, Cơ quan điều tra xác định 2 ông trùm Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam điều hành đường dây tổ chức đánh bạc và đánh bạc trái phép trên mạng.
Vụ án tổ chức đánh bạc qua mạng tầm “thế kỷ” này có sự trợ giúp của Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa là những người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan được Nhà nước giao đấu tranh, phòng chống tội phạm công nghệ cao. Sau 28 tháng vận hành game đánh bạc, nhóm tổ chức đã xây dựng được hệ thống gồm 25 đại lý cấp I, hơn 5.800 đại lý cấp II để chuyển đổi điểm ảo trong game ra tiền thật và ngược lại.
Nguyễn Văn Dương và đồng phạm đã lôi kéo được gần 43 triệu tài khoản đăng ký, thu lợi bất chính hơn 9.800 tỷ đồng. Trong đó, Nguyễn Văn Dương hưởng lợi hơn 1.600 tỷ đồng, Phan Sào Nam hưởng hơn 1.400 tỷ đồng, nhóm Hoàng Thành Trung, Phan Anh Tuấn và Lê Văn Kiên đang trốn truy nã hưởng lợi 1.500 tỷ đồng.
Sau khi bị bắt và trước tòa án sơ thẩm, Nguyễn Văn Dương khai đã cho ông Phan Văn Vĩnh 27 tỷ đồng, gần 2 triệu USD cùng nhiều đồ vật giá trị. “Trùm” cờ bạc cũng khai cho ông Nguyễn Thanh Hóa 22 tỷ đồng.
Tuy nhiên, 2 cựu cán bộ cao cấp của ngành Công an đã phủ nhận. Do chưa có căn cứ chứng minh ông Vĩnh và ông Hóa hưởng lợi cá nhân nên hành vi nhận hối lộ sẽ được cơ quan chức năng làm rõ trong giai đoạn 2 của vụ án.
Không chỉ các cá nhân mà 3 nhà mạng gồm Viettel, Vinaphone và MobiFone hưởng lợi hơn 1.200 tỷ đồng. Ngoài ra, nhóm điều hành đường dây đánh bạc còn dành hơn 2.600 tỷ đồng được dành trả thưởng cho các con bạc.
“Con đường” hóa đơn
Cáo trạng thể hiện, năm 2014, Hoàng Thanh Trung (sinh năm 1978, đang bỏ trốn) chủ động gặp Phan Sào Nam bàn về việc có phần mềm đánh bạc trực tuyến cần tìm đối tác phát hành. Trung đề nghị Nam tìm pháp nhân để xây dựng game đánh bạc. Năm 2015, Phan Sào Nam gặp Nguyễn Văn Dương (Chủ tịch HĐQT công ty CNC).
Biết CNC là công ty bình phong của Cục Cảnh sát công nghệ cao nên Nam đề nghị Dương hợp tác phát hành game đánh bạc. Ngày 1/4/2015, Dương chỉ đạo Lưu Thị Hồng (Tổng Giám đốc Công ty CNC) ký hợp đồng với Phan Sào Nam về việc cung cấp phần mềm và giải pháp công nghệ cho dịch vụ “Win2all khai thác thương mại với tên Rikvip theo địa chỉ web www.RikVip.com”.
Theo đó, CNC là đơn vị phát hành, cung cấp hệ thống, giải pháp thanh toán cho dịch vụ và đứng tên giấy phép. Còn VTC online là đơn vị sản xuất, phát triển, đầu tư cơ sở hạ tầng và phần mềm liên quan.
Thỏa thuận tỷ lệ phân chia doanh thu theo phụ lục hợp đồng là: Nếu doanh thu đến 5 tỷ đồng/tháng thì CNC hưởng 30%, VTC online hưởng 70%; từ trên 5 tỷ đồng đến dưới 15 tỷ đồng/tháng thì CNC 35%, VTC online 65%; trên 15 tỷ đồng thì CNC 40%, VTC online 60%...
Còn Phan Sào Nam đề nghị chị họ là Đỗ Bích Thủy (Giám đốc Công ty Nam Việt) cho mượn pháp nhân công ty để xây dựng phần mềm trò chơi trực tuyến. Từ đó, Hoàng Thành Trung được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Công ty Nam Việt, điều hành mọi hoạt động tại Hà Nội.
Sau khi vận hành thử, tháng 4/2015, nhóm điều hành khai thác game bài Rikvip. Các bên thu tiền đánh bạc từ nguồn thẻ cao viễn thông, thẻ game qua công ty trung gian thanh toán gạch thẻ HomeDirect hoặc từ thẻ ATM, thẻ thanh toán quốc tế…
Quá trình hoạt động, nhân viên của Nguyễn Văn Dương thỏa thuận với Lê Thị Lan Thanh sử dụng cổng thanh toán của Công ty cổ phần Viễn thông và Giải trí số Việt Nam (GTS) do nữ bị cáo này điều hành để thanh toán số thẻ cào viễn thông dùng để đánh bạc và tiền tổ chức đánh bạc không có hóa đơn.
Cơ quan tố tụng xác định Thanh mua 160 tờ hóa đơn GTGT khống thể hiện mặt hàng là thẻ cào điện thoại có tổng doanh số hơn 5.100 tỷ đồng để kê khai đầu vào tại 5 công ty Thanh thành lập đứng tên người khác.
Quá trình điều tra, Thanh không thừa nhận việc mua 32 hóa đơn của 2 công ty TNHH MTV AHHA và Công ty TNHH Sản xuất & Thương mại An Thịnh. Nhưng với tài liệu thu thập, cơ quan điều tra có đủ căn cứ xác định Thanh đã mua tổng cộng 160 hóa đơn khống của 4 công ty, qua đó hưởng lợi bất chính từ hành vi giúp sức đánh bạc là hơn 182 tỷ đồng và 34 triệu đồng từ việc bán hóa đơn khống.
Rửa tiền qua dự án BOT
Theo công tố viên, sau khi tổ chức, vận hành đường dây đánh bạc nghìn tỷ có sự bảo kê của ông Vĩnh và ông Hóa, Nguyễn Văn Dương thu lời bất chính 1.655 tỷ đồng. Để che giấu nguồn tiền phi pháp, Dương tìm cách rửa tiền qua dự án BOT, lập nhiều công ty để nâng khống vốn Công ty UDIC.
Cụ thể, ban đầu, Dương nhờ người thân đứng tên lập 3 công ty “ma” để ký giao khoán hợp đồng tổng giá trị 530 tỷ đồng. Với thủ đoạn quay vòng tiền để nâng vốn, Dương chỉ đạo nhân viên gửi 24 tỷ đồng vào tài khoản cá nhân của anh ta ở ngân hàng. Sau đó, Dương chuyển tiền vào Công ty UDIC rồi tiếp tục chuyển cho 3 công ty “ma”. Cuối cùng, 3 công ty này rút tiền rồi lại chuyển vào tài khoản của Dương, để Dương tiếp tục quay vòng tiền.
Thời điểm đầu năm 2015, để đủ điều kiện năng lực tài chính tham gia dự thầu Dự án đường cao tốc BOT Bắc Giang - Lạng Sơn, ngày 19/01/2015, Nguyễn Văn Dương lúc này là Chủ tịch HĐQT Công ty UDIC đã họp HĐQT và thống nhất ra Nghị quyết tăng vốn công ty từ 36 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng, Dương cam kết góp 85,05% vốn điều lệ.
Tuy nhiên trên thực tế, Dương chỉ góp 23 tỷ đồng, số còn lại là tiền ảo do việc nộp khống vào công ty UDIC mà có. Năm 2017, Dương bán cổ phần tại Công ty UDIC để lấy tiền gửi tiết kiệm và mua bất động sản ở nhiều tỉnh, thành phố.
Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng toàn cầu, do vậy tội phạm “rửa tiền” trong nước và bọn “rửa tiền” quốc tế ngày càng có nhiều hoạt động mới. Tội phạm rửa tiền không phải là tội phạm truyền thống nhưng đang có những diễn biến phức tạp và tác động xấu đến nền kinh tế trong thời đại toàn cầu hóa.
Thực tiễn phòng, chống tội phạm cho thấy Việt Nam xuất hiện khá nhiều phương thức, thủ đoạn rửa tiền rất tinh vi. Tội phạm rửa tiền thường thu được khối lượng ngân sách khổng lồ từ các hành vi phi pháp như buôn ma túy, buôn người, đánh bạc và tham nhũng.
Ngày 18/6/2012, nước ta đã có Luật Phòng, chống rửa tiền (Luật số 07/2012/QH13), đó là sự cố gắng lớn để tạo ra hành lang pháp lý đấu tranh chống tội phạm rửa tiền. Tuy nhiên, trên thực tế, kết quả đấu tranh còn nhiều hạn chế.
Đau xót vì mất cán bộ
Có lẽ ngày ông Phan Văn Vĩnh gia nhập ngành Công an, ông chắc cũng không thể hình dung ra số phận của mình ngày hôm nay. Hôm 6/4/2018, Chủ tịch nước Việt Nam đã ký Quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân đối với ông Phan Văn Vĩnh, Trung tướng, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an). Những sai phạm của ông Phan Văn Vĩnh xảy ra khi ông đương chức Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát.
Ông Vĩnh đã ra các chủ trương trái với quy định pháp luật để tạo điều kiện cho đường dây đánh bạc qua game Rikvip và Tip.club. Bản thân ông đã ký và trình một số văn bản cho Công ty TNHH Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao — CNC do Nguyễn Văn Dương (bị can cầm đầu trong đường dây đánh bạc) là Chủ tịch HĐQT được hoạt động dưới danh nghĩa đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an.
Ông Phan Văn Vĩnh sẽ phải trả giá cho những hành vi vi phạm pháp luật của mình liên quan đến vụ đánh bạc nghìn tỷ. Thế nhưng, cái giá đắng chát hơn gấp nhiều lần đó chính là cả một đời làm “tướng” chỉ đạo nhiều chuyên án lớn, lập nhiều chiến công, từ người đi trấn áp tội phạm trở thành tội phạm và đối diện với cảnh sẽ “xộ khám” như ngày hôm nay để trả giá cho những sai lầm.
Cấp dưới của ông Phan Văn Vĩnh là cựu Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, nguyên Cục trưởng C50 cũng đang có mặt “hầu tòa” về tội “Tổ chức đánh bạc”.
Đây có lẽ là bài học đớn đau về công tác cán bộ, về ý thức tự du dưỡng, biết từ chối ham muốn, biết “mặc áo giáp” trước những viên “đạn bọc đường” thời buổi kinh tế thị trường. Tội phạm nằm ngay trong lực lượng chấp pháp, trong lực lượng phòng chống tội phạm.