Ngày 16/11, phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Phan Văn Vĩnh (cựu Tổng cục trưởng, Tổng cục Cảnh sát), Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng C50) và 90 bị cáo bước sang ngày làm việc thứ 5 với phần thẩm vấn các bị cáo thuộc nhóm tội “Mua bán hóa đơn”.
Chị họ Phan Sào Nam liên tục bật khóc
Theo cáo trạng, Đỗ Bích Thủy (Chủ tịch HĐTV, kiêm Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Nhà và Đất Nam Việt) là chị họ của Phan Sào Nam. Khi được Nam trao đổi về việc cho Nam và Hoàng Thành Trung (hiện đang bỏ trốn) mượn pháp nhân Công ty Nam Việt để xây dựng phần mềm trò chơi trực tuyến, Thủy đồng ý.
Ngày 12/4/2015, Nam ký Hợp đồng với Thủy về việc phát triển và khai thác kinh doanh phần mềm dịch vụ “Win2All”, khai thác thương mại với tên gọi Rikvip. Trong đó, “Bên B (Công ty Nam Việt) là đối tác của bên A (Công ty VTC online) trong việc sản xuất, phát triển và điều hành dịch vụ trực tuyến trên Internet và mạng viễn thông... Công ty VTC online chịu trách nhiệm phát hành, kinh doanh và khai thác thương mại các dịch vụ này… Công ty Nam Việt chịu trách nhiệm sản xuất và cung cấp sản phẩm dịch vụ hoàn chỉnh theo đúng kịch bản, tài liệu mô tả đã cung cấp cho Công ty VTC như thỏa thuận”. Mức phí bản quyền phần mềm là 600 triệu đồng. Công ty Nam Việt được hưởng 30% doanh thu phân chia là khoản doanh thu Công ty VTC online nhận được từ khách hàng. Vào ngày 16 và ngày cuối cùng hàng tháng, hai bên làm thủ tục đối soát số liệu, sau khi thống nhất và xác nhận số liệu đối soát thì Công ty VTC online sẽ thanh toán cho Công ty Nam Việt sau 02 ngày làm việc kể từ khi Công ty VTC online nhận được Hồ sơ đề nghị thanh toán từ Công ty Nam Việt
Nhắc đến Phan Sào Nam, bị cáo Đỗ Bích Thủy đã khóc trước bục khai báo. Theo lời Thủy, Nam là con của dì chị ta. Thủy cho mượn pháp nhân vì tin tưởng Nam là em họ của mình. Vừa khóc, Thủy vừa nói về niềm tin của mình với Nam, với sự thành đạt của Nam. Vì vậy, khi được em họ đưa hợp đồng, Thủy đã ký luôn.
“Đến ngày hôm nay, bị cáo mới nhận thấy hành động sai lầm, vi phạm pháp luật vì thiếu hiểu biết của mình. Bị cáo thấy hối hận nhưng không giận Nam. Lương tâm bị cáo không thể chấp nhận được” - bị cáo Thủy nói.
Đối chất giữa Phan Sào Nam và Giám đốc ODS
Để có tiền nạp vào tài khoản “Syline”, tiền chi cho các khoản không được khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp và sử dụng cá nhân, Nam đã liên hệ với Huỳnh Trọng Văn, Giám đốc Công ty CP Dịch vụ dữ liệu trực tuyến (ODS) để nhờ Văn xử lý giảm thuế thu nhập doanh nghiệp bằng cách mua hóa đơn đầu vào (với chi phí 10% trên tổng giá trị ghi trên hóa đơn).
Được Văn đồng ý, Nam chỉ đạo Thủy ký Hợp đồng với ODS để thuê máy chủ và đường truyền. Sau khi bên Công ty ODS xuất hóa đơn VAT và có giấy đề nghị thanh toán, Nam chỉ đạo Thủy và Phan Anh Tuấn (Phó Giám đốc công nghệ VTC Online) cho kế toán chuyển tiền vào tài khoản của Công ty ODS.
Văn chỉ đạo kế toán rút tiền từ tài khoản Công ty ODS nộp vào tài khoản cá nhân của Vũ Hà Phương (kiểm soát kế toán của Công ty Nam Việt) để chi theo chỉ đạo của Nam. CQĐT xác định, Văn đã bán cho Công ty Nam Việt 22 hóa đơn VAT khống với tổng doanh số là 80 tỷ đồng, bán 14 hóa đơn VAT khống cho Công ty VTC online với doanh số là 5,7 tỷ đồng. Văn cho người rút ra và chuyển lại vào tài khoản Phương 78 tỷ đồng, còn lại Công ty ODS hưởng lợi 7,8 tỷ đồng.
Để làm rõ các lời khai của bị cáo Văn, HĐXX đã cho bị cáo Phan Sào Nam lên đối chất. Nam xác nhận những thông tin mà Văn khai về việc thỏa thuận, thực hiện mua bán hóa đơn trái phép để “rửa tiền” từ đường dây đánh bạc là đúng. Một số thông tin khác, Nam nói không nhớ.
Hôm nay (17/11), HĐXX tiếp tục làm việc.