Bị thiệt từ các điều khoản trong hợp đồng
Trong tuần qua, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam và Hiệp hội Điều Việt Nam đều đã có các văn bản gửi các hội viên của mình liên quan đến trường hợp doanh nghiệp (DN) Việt xuất khẩu điều và hồ tiêu sang Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) nghi bị lừa đảo. Theo đó, các DN này đều bị một người mua (Công ty Bab Al Rehab Foodstuff Trading LLC) và cùng một ngân hàng (Ajman Bank PJSC) có trụ sở tại Dubai (UAE) thực hiện hành vi nhận hàng và cắt đứt liên lạc với DN bên bán mà không trả tiền như cam kết. 2 Hiệp hội này cùng khuyến cáo DN hội viên cảnh giác khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này.
Đáng chú ý, theo 2 Hiệp hội này, giao dịch lừa đảo xảy ra ngay tại chính ngân hàng bên mua nơi các DN này gửi bộ chứng từ nhờ thu, liên quan đến nhân sự và nghiệp vụ giao dịch của ngân hàng, có dấu hiệu bắt tay hợp tác lừa đảo giữa ngân hàng và người mua. Do đó, người mua đã tiếp cận được bộ chứng từ gốc của lô hàng mà không cần thanh toán.
Báo cáo từ Thương vụ Việt Nam tại UAE cũng nêu rõ, Thương vụ đã nhận được công văn trình báo của một số DN Việt Nam với cùng nội dung, cùng tố cáo một đơn vị nhập khẩu tại UAE và cùng ngân hàng nhờ thu tại Dubai lừa ký hợp đồng mua quế, tiêu và điều. Ngay sau khi nhận được công văn trình báo, Thương vụ đã có Công hàm gửi Bộ Ngoại giao UAE, Cảnh sát Dubai, Ngân hàng Trung ương UAE và một số ngân hàng cũng như hãng tàu có liên quan. Ngoài ra, Thương vụ đã tiến hành làm việc với một số đơn vị như chi nhánh ngân hàng có liên quan tại Dubai; Cảnh sát Dubai và nộp hồ sơ trình báo về vụ việc; hãng tàu và cơ quan chức năng của cảng Jebel Ali.
Đại diện Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, ngay sau khi nhận được công văn về vụ việc và báo cáo của Thương vụ Việt Nam tại UAE, Bộ Công Thương đã có Công hàm số 1465/AP-TACP ngày 21/7/2023 gửi Đại sứ quán UAE tại Hà Nội đề nghị Đại sứ quán thông báo với các cơ quan có thẩm quyền liên quan xem xét và xử lý vụ việc.
Mới đây, ông Bùi Trung Thướng - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ cũng đã thông tin về một số trường hợp DN Việt gặp rủi ro khi tiến hành giao dịch với DN tại Ấn Độ. Cụ thể, 2 DN Việt thực hiện giao dịch (1 DN xuất khẩu, 1 DN nhập khẩu) với giá trị đơn hàng đều ở mức lớn. Tuy nhiên, các điều khoản trong hợp đồng đều nghiêng về phía có lợi hơn cho các DN Ấn Độ. Khi xảy ra tranh chấp, hàng hóa phải ở lưu kho trong thời gian dài, làm tăng chi phí lưu kho đáng kể, DN Việt đã phải nhún nhường và chịu thiệt hại vô cùng lớn.
Phải lựa chọn hình thức thanh toán an toàn
Chuyện DN Việt bị “bẫy ngoại thương” đã xảy ra liên tục trong thời gian gần đây. Thương vụ Việt Nam tại nhiều quốc gia cũng đã đưa ra khuyến cáo về tình trạng DN thuộc quốc gia sở tại bị tố lừa đảo DN Việt. Các phương án thanh toán an toàn cho DN Việt khi thực hiện xuất khẩu với các đối tác lần đầu giao dịch cũng được các chuyên gia về xuất nhập khẩu lưu ý, nhấn mạnh. Câu chuyện DN Việt bị lừa và suýt mất 36 container hạt điều khi xuất khẩu cho khách hàng Italia vẫn còn rất mới…
Nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cũng đã nhiều lần cảnh báo DN Việt cần có thêm động tác “check” lại đối tác của mình dù là DN đã từng hợp tác nhiều năm bởi tình hình thế giới biến động, các DN hoàn toàn có thể “biến mất” trong nhiều tình huống bất ngờ mà DN Việt không thể lường trước được. Và nếu có tình huống phát sinh, DN cần liên lạc với Thương vụ Việt Nam tại nước sở tại để được hỗ trợ.
Đại diện Vụ Thị trường châu Á - châu Phi nhận định, hiện nay, tình trạng lừa đảo tại thị trường khu vực Trung Đông đã xuất hiện nhiều hơn trước, chủ yếu tập trung ở các công ty thương mại có quy mô nhỏ. Và phương thức lừa đảo phổ biến nhất hiện nay là DN nước ngoài khi ký hợp đồng mua bán với công ty Việt Nam thường yêu cầu điều khoản thanh toán TT (chuyển tiền bằng điện) hoặc phát hành séc cho bên bán cầm cố. Đây là hai hình thức giao dịch có nhiều rủi ro nhất. Do đó, DN Việt khi thực hiện giao dịch với đối tác quốc tế nên lựa chọn hình thức thanh toán an toàn nhất cho mình.
Tham tán thương mại Việt Nam tại Ấn Độ cũng đã đưa ra khuyến cáo với DN Việt khi thực hiện giao dịch với đối tác Ấn Độ. Cụ thể, các DN cần phải tìm hiểu kỹ càng thông tin của đối tác và kiểm chứng mức độ uy tín của phía đối tác trước khi ký kết hợp đồng. Ông Bùi Trung Thướng cũng khuyên các DN nên trực tiếp đến Ấn Độ để gặp gỡ đối tác, khảo sát hoạt động kinh doanh của công ty và tìm hiểu các thông tin quan trọng như tên công ty, địa chỉ, số điện thoại, email, website, đại diện pháp nhân, mã số DN, mã số thuế GST và mã xuất nhập khẩu IEC.
Trong quá trình thương thảo hợp đồng, các DN cần hết sức cẩn thận và làm từng bước. Việc trao đổi thông tin giữa hai phía cần được thể hiện bằng văn bản hoặc email trong quá trình thương thảo hợp đồng cũng là một cách để tránh các tranh chấp sau này. Nên lựa chọn phương thức thanh toán là thanh toán L/C để bảo đảm an toàn trong giao dịch.