Những lực lượng đặc biệt bảo vệ Chủ tịch Triều Tiên

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm một đơn vị đặc nhiệm.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm một đơn vị đặc nhiệm.
(PLVN) - Những lực lượng đặc biệt bảo vệ Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un được ví như “lá chắn sống”, “quả đấm thép” luôn sẵn sàng xả thân bảo vệ lãnh đạo nước mình trước mọi mối đe dọa trong mọi tình huống.

“Lá chắn sống” cận vệ

Trong hai lần tham dự hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump năm 2018, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đều được bảo vệ nghiêm ngặt bởi dàn vệ sĩ mặc vest đen chạy bộ quanh chuyên xa. Đây là lớp bảo vệ cuối cùng trong hàng rào an ninh đảm bảo an toàn cho lãnh đạo tối cao Triều Tiên trong mọi tình huống, theo BBC.

Chuyên gia về giới lãnh đạo Triều Tiên Michael Madd cho biết những vệ sĩ tạo thành "lá chắn sống" quanh xe của ông Kim thuộc biên chế của Phòng 6 Trung ương đảng Lao động Triều Tiên, trước kia được biết đến dưới tên gọi Văn phòng Chính của Sĩ quan phụ tá quân đội.

Họ được tuyển chọn kỹ lưỡng từ các tân binh Triều Tiên nhập ngũ, với các tiêu chí như có chiều cao tương đương với Chủ tịch Kim, giỏi võ và có khả năng thiện xạ.

Các cận vệ hộ tống chuyên xa của Chủ tịch Kim Jong-un rời khỏi ga Đồng Đăng. Ảnh: Báo nước ngoài.
Các cận vệ hộ tống chuyên xa của Chủ tịch Kim Jong-un rời khỏi ga Đồng Đăng. Ảnh: Báo nước ngoài.

Những ứng viên vượt qua vòng kiểm tra năng lực sau đó tiếp tục được sàng lọc bằng quá trình xác minh lý lịch gia đình trong phạm vi hai đời. Nhiều vệ sĩ được cho là có quan hệ họ hàng với gia tộc Kim hoặc xuất thân từ các gia đình thuộc tầng lớp tinh hoa của Triều Tiên.

Khi đáp ứng đủ điều kiện, họ sẽ phải trải qua chương trình huấn luyện khắc nghiệt tương tự lực lượng đặc nhiệm quân đội bao gồm kỹ năng dùng súng ngắn, võ thuật, khả năng chịu đựng dẻo dai và tinh thần chiến đấu trong những điều kiện khắc nghiệt.

Các cận vệ của Chủ tịch Triều Tiên thường vây quanh lãnh đạo để có thể tạo góc quan sát lên đến 360 độ. Nhóm đi trước ông Kim thường có 3-5 người, trong đó có đội trưởng. Bám sát bên hông lãnh đạo Triều Tiên có 4-6 cận vệ, chia đều hai bên. Bọc lót phía sau là 4 hoặc 5 người nữa. Dù được trang bị súng ngắn và vũ khí dự phòng, nhóm vệ sĩ này sử dụng chủ yếu kỹ năng quan sát và vô hiệu hóa mọi mối đe dọa bằng tay không.

Theo Madd, nhóm cận vệ thường xuất hiện trong trang phục vest và cà vạt kiểu phương Tây hoặc mang bộ đồ Tôn Trung Sơn như các quan chức cấp cao Triều Tiên, còn tài xế của ông Kim Jong-un luôn đeo găng tay khi lái xe. Dù được trang bị bộ đàm, họ được cho là vẫn ưu tiên sử dụng các biện pháp liên lạc thô sơ như đeo phù hiệu đặc biệt theo từng sự kiện và sử dụng từ lóng được mã hóa để trao đổi với nhau.

Văn phòng Sỹ quan phụ tá quân đội ước có khoảng 200-300 người, trong đó một nửa là cận vệ, số còn lại là tài xế và nhân viên kỹ thuật. Một số cận vệ phục vụ trong thời gian dài, nhưng hầu hết họ chỉ làm công việc này trong 10 năm.

Lớp thứ hai và thứ ba trong hàng rào an ninh của ông Kim là lực lượng thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh vệ Triều Tiên. Nhóm này có nhiệm vụ chủ yếu là kiểm tra, bảo vệ mọi địa điểm mà lãnh đạo có mặt dù là văn phòng, nhà riêng hoặc các địa điểm ông đến thăm ở trong và ngoài nước.

Ngoài ra, lực lượng này còn thực hiện một số nhiệm vụ hậu cần và kỹ thuật như kiểm tra mọi loại rượu, thực phẩm và thuốc lá trước khi chúng được chuyển đến cho lãnh đạo sử dụng. Các thành viên cảnh vệ cũng có sứ mệnh thiết lập và duy trì các đường dây liên lạc và bảo mật thông tin cho ông Kim.

“Quả đấm thép” đặc nhiệm

Đáng chú ý, một đơn vị đặc nhiệm được trang bị hiện đại nhất quân đội Triều Tiên, có nhiệm vụ bảo vệ lãnh đạo nước này trước mọi mối đe dọa là Đơn vị đặc nhiệm số 525.

Triều Tiên lần đầu tiên công khai Đơn vị đặc nhiệm số 525 trong lễ duyệt binh hồi tháng 4/2017, nhân dịp kỷ niệm 105 năm ngày sinh cố chủ tịch Kim Nhật Thành. Trong lần xuất hiện hiếm hoi này, họ mặc quân phục rằn ri, vai đeo loại súng trường cải tiến Kalashnikov và miệng hô vang các khẩu hiệu ủng hộ nhà lãnh đạo Kim Jong Un khi diễu binh ngang qua quảng trường Kim Nhật Thành.

Khi đó, hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) đưa tin đây là lần đầu Triều Tiên thành lập lực lượng đặc nhiệm. Dù vậy, nhiều báo cáo về lực lượng này đã được đưa ra trong quá khứ.

Các thành viên Đơn vị 525 của Triều Tiên.
Các thành viên Đơn vị 525 của Triều Tiên.

Số lượng chính xác và năng lực tác chiến của lực lượng đặc nhiệm Triều Tiên vẫn còn là bí mật. Dù vậy, theo một báo cáo năm 2015 do Bộ Quốc phòng Mỹ trình lên Quốc hội, Triều Tiên có ít nhất 180.000 đặc công, tương đương số lượng quân thường trực của Thủy quân Mỹ.

Các thành viên đội đặc nhiệm 525 được trang bị vũ khí, khí tài không thua kém các lực lượng đặc nhiệm phương Tây, như kính nhìn đêm, áo chống đạn, mũ sắt. Vũ khí tiêu chuẩn của họ là khẩu súng trường tấn công Type-98-1 lắp băng đạn hình trụ đặc biệt, có thể chứa hơn 100 viên đạn, tạo hỏa lực chế áp đáng sợ khi tác chiến tầm gần trong đô thị.

"Một khi Lãnh đạo Tối cao Kim Jong-un ra lệnh, họ sẽ quyết tấn công nhằm thọc lưỡi gươm vào trái tim kẻ thù như tia chớp trên Đỉnh Paektu", truyền hình nhà nước Triều Tiên bình luận về đơn vị này, nhắc đến ngọn núi cao nhất trên bán đảo Triều Tiên.

Đây được cho là lực lượng được đào tạo bài bản, trang bị tốt nhất và có năng lực chiến đấu cao nhất trong quân đội Triều Tiên. Giới phân tích nhận định Triều Tiên lập đơn vị đặc nhiệm 525 nhằm đối phó với kế hoạch tấn công nhắm vào giới lãnh đạo Bình Nhưỡng từ các lực lượng thù địch nước ngoài.

Đơn vị đặc nhiệm số 525 được cho là từng thực hiện nhiệm vụ bí mật ở Hàn Quốc. Họ có khả năng triển khai tấn công chớp nhoáng, đổ bộ bằng phương tiện đường không và đường thủy, cũng như phòng thủ chống các cuộc tấn công của đối phương.

Với quân số lính đặc nhiệm như trên, Triều Tiên là quốc gia có lực lượng đặc nhiệm hùng hậu nhất thế giới. Lực lượng này được chia thành nhiều đơn vị ưu tú, được huấn luyện chuyên biệt để thực hiện những chiến dịch quân sự, chính trị hoặc tâm lý đặc biệt.

Nhiệm vụ chính của họ trước đây là xâm nhập, vượt qua phòng tuyến đối phương để tạo ra "mặt trận thứ hai" trên lãnh thổ Hàn Quốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh quan hệ hai nước được cải thiện đáng kể, nhiệm vụ mới của lực lượng này là bảo vệ lãnh đạo Triều Tiên, chống âm mưu tấn công do đặc nhiệm hoặc biệt kích nước ngoài tiến hành.

Lực lượng đặc nhiệm Triều Tiên (KPASOF) chia thành 4 lữ đoàn phụ trách 4 lĩnh vực khác nhau. Lữ đoàn trinh sát chuyên thu thập thông tin tình báo, ám sát, tấn công mục tiêu chiến lược. Lữ đoàn bộ binh hạng nhẹ chuyên thực hiện nhiệm vụ đột kích chớp nhoáng ở khu vực hậu phương, cắt đứt thông tin liên lạc, đánh phá nhà máy, kho tàng, bến bãi và các mục tiêu giá trị cao.

Lữ đoàn đổ bộ đường không chuyên thâm nhập sâu bên trong lãnh thổ đối phương bằng máy bay An-2, vốn có khả năng bay rất thấp và gần như tàng hình trước radar. Lữ đoàn đặc nhiệm hải quân sử dụng tàu ngầm mini hoặc tàu bán ngầm để đột nhập từ đường biển, thu thập thông tin tình báo và tấn công các khu vực duyên hải đối phương.

KPASOF giữ vai trò là lực lượng chiến đấu chủ lực đặc biệt tinh nhuệ, với vũ khí lợi hại nhất là sự thiện chiến, dũng cảm. Sự xuất hiện của Đơn vị đặc nhiệm số 525 cho thấy Bình Nhưỡng đã có khả năng trang bị khí tài tác chiến tối tân cho lực lượng đặc biệt này, chuyên gia quân sự Ryan Pickrell nhận định.

Tạp chí quân sự này nói thêm, các đặc nhiệm Triều Tiên thường mặc thường phục hoặc thậm chí là đồng phục của quân đội Mỹ hay Hàn Quốc. Trong mỗi lữ đoàn bắn tỉa lại có một trung đội từ 30-40 nữ quân nhân, được đào tạo để chiến đấu trong trang phục của dân thường.

Trong số đặc nhiệm Triều Tiên, có 8 lữ đoàn bắn tỉa, 3 cho lục quân, 3 cho không quân và 2 cho hải quân. Mỗi lữ đoàn có khoảng 3.500 binh sỹ, được chia thành 7-10 tiểu đoàn. Những đơn vị này có các nhiệm vụ khác nhau nhưng tương đối giống Ranger, Đặc nhiệm và SEAL của quân đội Mỹ.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.