Người Brazil không con 14/2 là lễ tình nhân, mà ngày cho những người yêu nhau được tổ chức vào 12-6 và có tên gọi là Dia dos Namorados.
Trong ngày Dia dos Namorados, những cô gái độc thân sẽ thực hiện một nghi lễ gọi là Simpatias với mong ước sẽ lấy được chồng vào năm sau.
Còn ở Bulgary, ngày 14-2 không chỉ là ngày dành riêng cho các cặp đôi mà còn là ngày Thánh Trifon Zarezan hay còn được biết đến là ngày dành cho những người làm rượu vang (winemaker day).Vào ngày này, đi đến đâu bạn cũng sẽ thấy cảnh người dân mặc trang phục truyền thống nhảy múa, ăn mừng và uống rượu dù họ có là căp đôi hay không cũng vậy.
Tất nhiên, những người đang yêu cũng không làm mất cơ hội tuyệt vời này để thưởng thức rượu ngon cùng nhau .
Ở Hàn Quốc, ngày lễ tình yêu không chỉ được tổ chức vào tháng 2, ngày 14, mà vào ngày 14 của... mỗi tháng. Lãng mạn hơn, họ còn có những tên gọi đặc biệt cho ngày 14 của mỗi tháng như ngày Hoa hồng vào tháng 5, ngày Nụ hôn vào tháng 6, ngày Cái ôm vào tháng 12 và ngày Valentine đen vào tháng 4 dành cho những ai cô đơn.
Tại Argentina, các cặp đôi không chỉ có một ngày, mà có hẳn 'Tuần lễ ngọt ngào' để thể hiện tình yêu. Tuần lễ Tình nhân của họ kéo dài từ ngày 13 đến 20 tháng 7 hàng năm.
Từ ngày 12 đến 14-2, người Pháp đón ngày lễ Thánh Valentine hay còn được xem là thời điểm để người ta xây nên các “Ngôi làng tình yêu”. Dịp này, khi đến Pháp, bạn sẽ thấy nhà nhà được trang trí rực rỡ bằng hoa hồng, cây cối treo đầy những tấm thiệp tình yêu hay lời đính ước ngọt ngào. Các cặp đôi cũng thường trồng cây tình yêu cho riêng mình vào ngày này.
Lễ Tình nhân ở Nam Phi gọi là Lupercalia, có nguồn gốc từ một lễ hội cổ xưa của người La Mã. Trong ngày này, những người phụ nữ trẻ thường đính một mẫu giấy hình trái tim có ghi tên người mà mình “phải lòng” lên tay áo với hy vọng chàng trai trong lòng có thể nhìn thấy và đáp lại tình cảm của mình.
Người Trung Quốc lấy ngày 7-7 - ngày mà Ngưu Lang - Chức Nữ gặp lại làm ngày Tình yêu. Vào ngày này, các cặp yêu nhau hay hẹn hò nhau đi viếng chùa để cầu nguyện hạnh phúc vuông tròn, còn những người độc thân sẽ mua hoa quả về cúng bái để sớm có được người yêu. Tất nhiên, với sự du nhập của văn hóa phương Tây, giới trẻ Trung Quốc cũng không bỏ qua cơ hội thể hiện tình cảm với người mình yêu vào ngày 14/2.
Anh là một trong những quốc gia đầu tiên ra đời ngày lễ tình nhân. Món quà truyền thống ở Anh cho dịp lễ tình nhân này không phải chocolate hay hoa hồng mà là những chiếc thìa bạc. Các cặp đôi thường trao nhau bộ thìa bạc được chạm khắc biểu tượng chìa khóa và ổ khóa, tượng trưng cho việc gửi chiếc chìa khóa mở cửa trái tim mình cho một nửa còn lại. Đến nay biểu tượng chìa khóa đã lan rộng đến Pháp, Hàn Quốc, Hungary… Những người yêu nhau tin rằng khóa một chiếc ổ khóa hình trái tim màu đỏ lên cây cầu tình yêu và ném chìa xuống lòng sông sẽ giúp “khóa chặt” tình yêu của mình.
Ngoài ra, người Anh còn có một phong tục ngày Valentine đặc biệt và đáng yêu đó là nhờ những đứa trẻ hát trong dịp lễ tình nhân và thưởng cho chúng kẹo, hoa quả.
Ở Scotland có một bữa tiệc dành cho những người chưa lập gia đình vào ngày Valentine. Trong ngày lễ này, mỗi người độc thân sẽ viết tên của một ai đó vào mẩu giấy rồi vứt chúng vào hai chiếc mũ, một chiếc để tên của những chàng trai, chiếc kia để tên của các cô gái. Các cô gái sẽ lần lượt bốc một mẩu giấy và cái tên mà họ bắt được sẽ là người cùng đi chơi Valentine.