Phán quyết của Tòa Trọng tài liên quan đến vụ kiện giữa Philippin và Trung Quốc về các vấn đề giải thích và áp dụng của Công ước Luật biển trên biển Đông đã tạo ra một tiếng vang lớn, thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, giới nghiên cứu, học giả và người dân, trong đó có Việt Nam.
Phán quyết này không chỉ có ý nghĩa với các bên tranh chấp mà còn góp phần quan trọng đối sự phát triển của Luật pháp quốc tế nói chung và Luật biển quốc tế nói riêng.
Dưới sự chủ trì của TS. Chu Mạnh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, Tọa đàm được tổ chức như một hoạt động ý nghĩa nhằm gắn kết giữa hoạt động nghiên cứu, giảng dạy với những vấn đề của quốc gia, khu vực và thế giới, tạo ra diễn đàn để các học giả, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trao đổi học thuật về những vấn đề pháp lý liên quan đến phán quyết của Tòa trọng tài.
Tọa đàm đã thu hút được sự tham gia của nhiều chuyên gia, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực pháp luật về biển như: PGS.TS Nguyễn Thị Thuận, TS Trần Công Trục, TS. Nguyễn Thị Kim Ngân, Ts. Nguyễn Toàn Thắng… cùng nhiều đại biểu làm công tác quản lý, công tác thực tiễn, sinh viên đang theo học tại Trường.
PGS.TS Nguyễn Thị Thuận trả lời các câu hỏi được đặt ra trong buổi Tọa đàm. |
Các tham luận tại tọa đàm đã khái quát được những diễn biến chủ yếu của vụ kiện giữa Philippin và Trung Quốc; phân tích những nội dung chính trong phán quyết của Tòa trọng tài cũng như tác động của phán quyết đối với Việt Nam và các nước liên quan.
Những câu hỏi và góp ý được đưa ra trong buổi Tọa đàm |
Các đại biểu cũng trực tiếp trả lời nhiều câu hỏi, thắc mắc của cán bộ, giảng viên và sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội nhằm tiếp tục làm sáng tỏ cơ sở khoa học và thực tiễn trong phán quyết của Tòa trọng tài; khẳng định tính bất hợp lý trong các yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử, “đường 9 đoạn” cũng như những hành vi của Trung Quốc đã thực hiện suốt thời gian qua./.