Những giải pháp tăng cường quốc phòng, an ninh

(PLVN) - Với mục tiêu kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN); bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước, các tướng lĩnh trong Quân đội đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết. 

Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 2: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp quốc phòng an ninh (QPAN)

Qua nghiên cứu dự thảo các văn kiện của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng, tôi đồng tình, nhất trí cao. Để tăng cường quốc phòng, an ninh (QPAN), bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới, tôi đề xuất với Đảng, Nhà nước một số giải pháp sau:

Một là, cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp QPAN, bảo vệ Tổ quốc (BVTQ). Tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội và công an, xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lĩnh vực tiến thẳng lên hiện đại, luôn là công cụ bạo lực sắc bén để bảo vệ và tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Hai là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các thể chế về QPAN, BVTQ trong tình hình mới, bảo đảm cho các hoạt động của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, sự phối hợp triển khai tổ chức thực hiện của các bộ, ngành, địa phương đối với nhiệm vụ QPAN, BVTQ được đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến cơ sở.

Ba là, có quy hoạch tổng thể về thế bố trí QPAN, phòng thủ quốc gia trên phạm vi cả nước và trên từng khu vực, địa bàn, nhất là trên các địa bàn chiến lược, bảo đảm xử trí kịp thời các tình huống về quốc phòng, đồng thời sẵn sàng đối phó với các tình huống an ninh phi truyền thống.

Bốn là, đẩy mạnh chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh trên các vùng, địa bàn trọng điểm, nhất là biên giới, biển, đảo...

Năm là, quan tâm đẩy mạnh phát triển nền công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng tự chủ, tự cường, hiện đại và lưỡng dụng, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa trang thiết bị cho quân đội, công an và yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của công nghiệp quốc gia.

Chuẩn đô đốc Trần Thanh Nghiêm, Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Quân chủng Hải quân: Phát huy các giải pháp bảo vệ chủ quyền biển, đảo

Trong giai đoạn hiện nay, để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc phải tiến hành đồng bộ các giải pháp. Trong đó, việc “phát huy sức mạnh tổng hợp” là chủ trương xuyên suốt; là nhiệm vụ, giải pháp chiến lược, lâu dài đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Một trong những giải pháp để phát huy sức mạnh tổng hợp, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, theo tôi cần phải tập trung xây dựng tiềm lực chính trị tinh thần, coi đây là nhân tố đặc biệt quan trọng, là cơ sở để điều chỉnh, phát huy các tiềm lực khác. 

Theo đó, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, làm chuyển biến sâu sắc nhận thức của các cấp, các ngành và toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo trước yêu cầu mới.

Xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc; tạo niềm tin, sự thống nhất, đồng thuận giữa các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, lực lượng vũ trang và các tổ chức chính trị-xã hội trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Cùng với đó, cần chủ động, kịp thời cung cấp thông tin về tình hình, diễn biến trên các vùng biển, đảo đến với các tầng lớp nhân dân; hình thành mặt trận chính trị rộng lớn của cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài cùng chung sức đồng lòng hướng về biển, đảo quê hương.

Chủ động nắm chắc, nghiên cứu, đánh giá kịp thời tình hình liên quan đến QPAN; dự báo chính xác các tình huống có thể xảy ra, không để bị động, bất ngờ, nhất là trên các khu vực biển trọng điểm và các hướng chiến lược.

Một giải pháp quan trọng nữa là cần tập trung xây dựng lực lượng không quân, biên phòng, cảnh sát biển có trang bị hiện đại; làm tốt chức năng, nhiệm vụ thực thi pháp luật; hiệp đồng chặt chẽ với hải quân và các lực lượng tuần tra, kiểm soát, nắm chắc tình hình, xử lý đúng đối sách, giữ vững ổn định trên các vùng biển, đảo; ngăn ngừa nguy cơ xung đột từ sớm, từ xa. 

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện kế hoạch, phương án tác chiến bảo vệ biển, đảo và cơ chế, chính sách phối hợp, huy động lực lượng tàu, thuyền dân sự; tăng cường hơn nữa việc phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng trong tổ chức diễn tập hiệp đồng, nhất là hiệp đồng quân chủng, binh chủng.

Thiếu tướng Trương Thiên Tô, Phó Chính ủy Quân khu 5: “Giữ vững bên trong”, đối phó với các thách thức ANPTT 

So với Văn kiện Đại hội XII của Đảng, lần này Trung ương đánh giá khá toàn diện và đưa vào phương hướng, nhiệm vụ 5 năm (2021-2025) một nội dung quan trọng, đó là: “Sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống...”. 

Điều này cho thấy, những phát triển trong tư duy của Đảng về vấn đề an ninh phi truyền thống (ANPTT). Ở Văn kiện Đại hội XII của Đảng chỉ nêu ở phần đánh giá là “ứng phó kịp thời với các mối đe dọa ANPTT”, nhưng trong phương hướng, nhiệm vụ chưa được đề cập.

Quân khu 5 là địa bàn chiến lược về QPAN của cả nước, những năm qua chịu tác động rất lớn bởi hiểm họa từ thiên tai, bão lụt, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh...

Bên cạnh đó, các thế lực thù địch lợi dụng những khó khăn, bất cập, các vấn đề nhạy cảm, tăng cường hoạt động chống phá, tập trung ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng đồng bào còn nhiều khó khăn. Từ thực tiễn giải quyết những vấn đề trên của Đảng, Nhà nước và địa bàn quân khu, tôi đề xuất một số giải pháp để chủ động, ứng phó hiệu quả với những thách thức ANPTT thời gian tới.

Trước hết, phải nắm chắc, dự báo tình hình, địa bàn, kịp thời chia sẻ thông tin, đưa ra cảnh báo sớm về những vấn đề ANPTT. Chủ động xây dựng kế hoạch sát với thực tiễn, chuẩn bị tốt về lực lượng, phương tiện, phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức, lực lượng tạo nguồn lực và sức mạnh tổng hợp; thường xuyên luyện tập, diễn tập các phương án, sẵn sàng đối phó khi có tình huống. 

Như thời gian qua, dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở TP Đà Nẵng đã cho chúng ta bài học về tinh thần chủ động và phương châm “4 tại chỗ”, không chỉ riêng trong công tác phòng, chống dịch bệnh, mà có ý nghĩa rất lớn trong phòng, chống thiên tai, bão lụt...

Một vấn đề cũng cần phải lưu ý và ưu tiên là tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho mọi tầng lớp nhân dân về BVTQ trong tình hình mới nói chung, về ANPTT nói riêng, nhất là những mối đe dọa và tính chất nguy hiểm, khó lường đối với các lĩnh vực đời sống xã hội. 

Từ đó, nâng cao cảnh giác, xác định tốt trách nhiệm của cá nhân, tổ chức và toàn xã hội để phòng, chống hiệu quả. Tích cực tham gia phát triển KT-XH, xóa đói, giảm nghèo, phát triển văn hóa, giáo dục, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe cho nhân dân, tăng cường quốc phòng, an ninh. 

Đây là yếu tố quan trọng nhằm “giữ vững bên trong” để phòng, chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, cũng như đối phó với các thách thức ANPTT hiện nay.

Thiếu tướng Hồ Quang Tuấn, Phó Chủ nhiệm, Tham mưu trưởng Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng: Đẩy mạnh phát triển KT-XH gắn với bảo đảm QPAN

Tôi cho rằng, quan điểm của Đảng ta về kết hợp phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) với bảo đảm QPAN là hết sức sáng suốt và đúng đắn. Đây là mối quan hệ thống nhất, hữu cơ, gắn bó chặt chẽ, tạo tiền đề cho nhau cùng phát triển. Giải quyết tốt mối quan hệ này vừa có tính quy luật, vừa là đòi hỏi cấp thiết và rất quan trọng, nhằm tạo thế và lực, bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.

Để triển khai thực hiện quan điểm của Đảng ta về kết hợp phát triển KT-XH với bảo đảm QPAN trước yêu cầu mới, cần thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đó là: 

Kết hợp trong xây dựng, hoàn thiện chiến lược phát triển KT-XH gắn với xây dựng thế trận QPAN, nhất là thế trận bảo vệ biển, đảo trong tình hình mới; tăng cường xây dựng lực lượng quản lý, bảo vệ biển, đảo vững mạnh; phát triển các loại hình dịch vụ trên biển, đảo, tạo điều kiện cho người dân bám biển sinh sống, làm ăn. 

Cùng với đó, cần chú trọng đầu tư phát triển chương trình bám biển, đánh bắt xa bờ, củng cố lực lượng dân quân biển, tự vệ trong các hải đoàn, doanh nghiệp hoạt động trên biển, các lực lượng thực thi pháp luật... 

Tiếp tục phát triển công nghiệp QPAN theo hướng lưỡng dụng, ngày càng hiện đại, có trình độ khoa học, công nghệ cao, nhất là đối với các doanh nghiệp, nhà máy đóng tàu trong quân đội. Nghiên cứu, đầu tư và làm chủ công nghệ các chủng loại vũ khí, trang bị, khí tài và các tàu quân sự hiện đại cần thiết cho phòng thủ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo đất nước.

Kết hợp xây dựng, phát triển KT-XH gắn với tăng cường QPAN ở các vùng trọng điểm, biển, đảo trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng là vấn đề khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải triển khai đồng bộ nhằm mang lại hiệu quả thiết thực và góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. 

Tin cùng chuyên mục

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

(PLVN) - Chiều ngày 12/12, Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị chuẩn y Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Dự hội nghị có ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Đọc thêm

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước
(PLVN) -  Sáng 10/12, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
HĐND tỉnh Quảng Ninh nhất trí bầu bà Trịnh Thị Minh Thanh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, làm Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; ông Phạm Đức Ấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV...