Ngày chia tay 29/3/2019 càng cận kề, chính phủ Anh càng tỏ ra lúng túng. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson từng thông báo 3.500 lính được đặt trong tư thế "sẵn sàng để tiếp tay với chính phủ" trong trường hợp các hoạt động kinh tế, bị tê liệt vì một "Brexit No deal".
Luân Đôn đã giải ngân hai tỷ bảng Anh cho các bộ và một số các cơ quan nhà nước đề phòng kịch bản xấu nhất. Trong số tiền này, Bộ Nội vụ và Tổng cục Quan thuế nhận được 855 triệu bảng để tuyển dụng thêm cảnh sát biên phòng, thêm 3.000 nhân viên hải quan. Ngân sách của Bộ Nông nghiệp được tăng thêm 410 triệu bảng nhằm duy trì các hoạt động mua bán thực phẩm, tiếp sức cho nông gia và ngư dân.
Lúng túng thực sự hay là đòn hù dọa?
Đây chỉ là một chiến thuật chính trị của thủ tướng Theresa May để dọa những tiếng nói chống đối bà ngay cả trong hàng ngũ đảng bảo thủ, hay thực sự là dấu hiệu cho thấy nước Anh đang đứng trước một tương lai vô định và không sẵn sàng rũ áo ra đi?
Cuộc ly dị nào thì cũng đau đớn. Anh Quốc và EU không là một ngoại lệ nhất là sau đã hơn 40 năm chung sống. Luân Đôn chính thức trở thành thành viên của Cộng đồng Kinh tế châu Âu, tiền thân của EU, ngày 1/1/1973 và đã từng bước xóa bỏ các hàng rào quan thuế với các thành viên còn lại trong EU, sử dụng chung những chuẩn mực từ về an toàn từ thực phẩm, y tế đến giao thông, lao động...
Một năm trước cột mốc quan trọng 29/3/2019, Phòng Thương mại Luân Đôn chỉ ra rằng trong số 10 nhà cung cấp hàng đầu của vương quốc Anh, chỉ có Hoa Kỳ là nằm ngoài EU. Xuất khẩu sang 27 thành viên còn lại trong EU chiếm 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước Anh ra toàn thế giới.
Quan hệ chặt chẽ từ thương mại, công nghiệp nông nghiệp, đến dịch vụ, đặc biệt là trong ngành tài chính ngân hàng, nên khi bị gián đoạn sẽ gây nhiều thiệt hại cho cả đôi bên.
Xin đơn cử hai con số: Trong ngành công nghiệp xe hơi, 175 tỷ euro là sợi chỉ gắn liền các hãng xe Đức và Anh. Nước Anh với 66 triệu dân, là thị trường lớn thứ tư của ngành công nghiệp dược phẩm Pháp, là nơi tiêu thụ 10% rượu vang của các nhà sản xuất ở phía bên này bờ biển Manche.
Nguy cơ gián đoạn nhiều lĩnh vực
Nhưng nghiêm trọng hơn nữa là từ ít nhất là gần một nửa thế kỷ nay, châu lục nghiễm nhiên trở thành kho lương thực của nước Anh. Giáo sư Tim Lang, Đại học Luân Đôn, tác giả của một loạt nghiên cứu về những rủi ro đối với kinh tế Anh trong trường hợp "no deal", đặc biệt báo động về nguy cơ dây chuyền phân phối thực phẩm tại Anh bị gián đoạn dù chỉ trong ngắn ngày.
"Anh quốc không có kho trữ hàng, bởi vì từ 40 năm qua, nước Anh ở trong khối thị trường chung châu Âu. Chỉ cần ba ngày là rau, củ, quả thu hoạch ở các nước miền nam EU được chở đến các siêu thị của Anh. Không phải lo việc xe chở hàng bị chặn lại ở cửa khẩu, bị kiểm dịch hay phải khai thuế hải quan, nên có thể nói kho trữ hàng của Anh là các đoàn xe tải, là những trục xa lộ".
Nếu trong vài tuần nữa bị gạt ra ngoài thị trường chung châu Âu, thực phẩm bán sang bên kia bờ biển Manche tăng giá thêm khoảng 22% là khoản tiền thuế nhập khẩu. Có ý kiến cho rằng đó là "gánh nặng" với chính phủ và xã hội Anh khi không còn trông cậy được vào các nguồn cung trong EU.
Từ năm 1780 nước Anh đã lơ là với ngành nông nghiệp, đến thế kỷ thứ 19 thì bắt đầu nhập khẩu đồ ăn thức uống của châu Mỹ và các vùng thuộc địa. Có một thời gian dài ngành nông nghiệp của Anh bị sút giảm, vì đa số thực phẩm đều nhập từ nước ngoài vào, từ thịt cá cho đến cả rau xanh.
Thời gian qua, nhờ có lao động Đông Âu mà đồng ruộng bắt đầu được khai thác trở lại. Nhưng khi xảy ra vấn đề Brexit thì bắt đầu có hiện tượng trái cây đến mùa thu hoạch bị bỏ lại vì thiếu nhân lực. Người ta từng làm một khảo sát về năng suất, thấy rằng lao động tại chỗ của Anh làm việc chậm gấp 15 lần lao động thời vụ từ Ba Lan sang.
Nếu ra khỏi EU, ngành nông nghiệp của Anh lại quay trở lại tình trạng ốm yếu, và sẽ phải nhận trợ cấp từ ngân sách, trở thành gánh nặng cho chính phủ và toàn bộ xã hội. Viễn cảnh này cũng có thể diễn ra tương tự với nhiều ngành nghề khác, như một phân tích gần đây của đại học LSE về suy giảm GDP và bất ổn kinh tế sau Brexit.
Hơn 150 năm qua, Luân Đôn tin rằng, "có tiền mua tiên cũng được", để tập trung vào công nghiệp rồi tài chính, mà khu City là một biểu tượng.
Thu hẹp trong 3km2, nhưng khu vực này được coi là lá phổi tài chính của châu Âu, của thế giới, ngang hàng với Wall Street ở New York. Đây là nơi tập trung 24 ngàn doanh nghiệp, 500 ngân hàng tên tuổi của thế giới, hàng trăm hãng bảo hiểm các công ty tư vấn hay tổ hợp luật sư mở văn phòng đại diện; hàng ngày có tới 400 ngàn nhân viên thuộc 200 quốc gia khác nhau lui tới.
Từ sau Thế chiến 2, nước Anh bắt đầu nổi lên như một trung tâm tài chính làm cầu nối giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản với châu Âu, đặc biệt là nhờ vào lợi thế múi giờ và mối quan hệ ngoại giao quốc tế. Số lượng các ngân hàng trên thế giới có đăng ký và hiện diện ở Luân Đôn là cao nhất so với tất cả mọi nơi khác, để bảo đảm giao dịch được thông suốt.
Thế nhưng gần đây Frankfurt bắt đầu trở thành một trung tâm lớn đủ sức để giúp nước Đức tự giao dịch. Lao động trong ngành tài chính từ Pháp sang Anh làm việc đủ nhiều và mạnh để các tập đoàn lớn như Citigroup ra quyết định chuyển dịch đại bản doanh sang Paris. Nhóm vận động TheCityUK cho biết tất cả các ngân hàng lớn đều đã có sẵn kế hoạch rút bớt ra khỏi Luân Đôn sau tháng 3/2019, khi nước Anh “ly dị” châu Âu.
50% xuất khẩu của Anh là để bán sang các nước châu Âu, vậy trong trường hợp không đạt được đồng thuận về Brexit, hải quan từ hai phía đã sẵn sàng hay chưa để áp dụng trở lại những tiêu chuẩn về thuế xuất nhập khẩu? Hàng của Pháp chẳng hạn bán sang Anh sẽ bị đánh thuế ở mức độ nào? Thiệt hại lên tới bao nhiêu?
Mợt tờ báo nước ngoài đưa ra một vài yếu tố cho phép trả lời các câu hỏi trên: “Quy trình sản xuất hiện nay ở châu Âu là chuyên môn hóa rất cao, và mỗi công đoạn lại được thực hiện ở một nơi khác nhau.
Ví dụ như xe hơi Nissan của Nhật sản xuất ở Anh, xuất khẩu sang châu Âu, nhưng lại dùng động cơ diesel của Pháp. Nếu không có hàng rào thuế quan thì mọi chuyện diễn ra bình thường. Nhưng sau Brexit mà không đạt được đồng thuận thì kể từ ngày 30/03/2019 hai bên dựng lên hàng rào thuế quan thì sẽ tính thuế từng bộ phận xuất đi ra sao?
Rồi khi nhập khẩu trở lại thì áp thuế thế nào? Cứ như vậy chồng chất lên nhau nhiều tầng lớp, nhiều thủ tục phiền nhiễu, tức là sẽ phải thêm chi phí dịch vụ đội vào trong giá thành.
Cũng cần phải chú ý là về mặt thiết kế dây chuyền, người ta đã tính toán làm sao để chế phẩm khi được đưa từ nhà máy này sang nhà máy khác thì chuyển ngay vào dây chuyền sản xuất, đảm bảo liên tục hoạt động và hiệu quả kinh tế cao nhất. Bây giờ phải làm thủ tục hải quan, mỗi nhà máy sẽ phải có thêm kho để phòng xa, và như vậy là sẽ tốn kém thêm rất nhiều vào giá thành.
Chưa kể là nếu thấy quá rắc rối thì nhà đầu tư Nhật Bản có thể chuyển luôn cả nhà máy về Pháp hay Cộng hòa Czech cho yên tâm. Nước Anh sẽ mất đi không chỉ nguồn lợi kinh tế mà cả công việc làm, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp mũi nhọn.
Thêm một vấn đề nữa là chính phủ Anh đang phải xây dựng thêm hệ thống kho bãi và luân chuyển hải quan, mà giới chuyên gia chỉ trích là đang được giao cho các công ty không hề có kinh nghiệm trong việc này, có thể khiến cho tất cả các ngành kinh tế có liên quan tới xuất nhập khẩu bị đình trệ ngay sau ngày Brexit và thiệt hại nặng nề.
Để hình dung ra thách thức hiện nay, thì người ta ước tính rằng chỉ cần hai phút chậm trễ ở cảng Calais của Pháp là đủ để tạo ra cảnh xe tải xếp hàng dài trên 25km cả hai đầu Anh lẫn cả Pháp”.