Những đặc trưng của Nhà nước và pháp luật Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh

(PLVN) -Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật là một trong những nội dung cốt yếu của tư tưởng chính trị, đường lối chính trị của Người, gắn liền chính thể với xây dựng bộ máy chính quyền nhà nước, với xây dựng hệ thống pháp luật để quản lý Nhà nước và xã hội, với đào tạo đội ngũ công chức chuyên nghiệp có kỷ luật công vụ nghiêm minh, đạo đức công chức tận tụy, trách nhiệm phục vụ Nhân dân, trong sạch, liêm khiết, giữ được tín tâm trong lòng dân.

Nhà nước và pháp luật Việt Nam do Hồ Chí Minh sáng lập, tổ chức và dày công xây dựng có những đặc trưng cơ bản (đặc điểm tiêu biểu) sau đây:

Một, đó là Nhà nước của dân, do dân, vì dân, có sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng Cộng sản với tư cách là Đảng cầm quyền, duy nhất cầm quyền ở Việt Nam.

Từ sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Đảng chính thức ở vào vị thế Đảng cầm quyền. Trong hoàn cảnh lịch sử đặc thù sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, trước yêu cầu sinh tử của việc giữ vững độc lập chủ quyền, trong bối cảnh tồn tại nhiều đảng phái và tương quan lực lượng không cân sức, thù trong giặc ngoài, để bảo toàn lực lượng và trù tính sự nghiệp lâu dài, Hồ Chí Minh và Đảng ta tuyên bố giải tán Đảng. Đó là sách lược sáng suốt, đúng đắn rút lui Đảng vào bí mật, không hoạt động công khai nhưng xét về thực chất, Đảng vẫn cầm quyền, vẫn lãnh đạo Nhà nước. Sau Đại hội II (1951), Đảng ra công khai trở lại, tuy vẫn tồn tại hai Đảng khác (Dân chủ và Xã hội) nhưng đó là những Đảng thành viên trong Mặt trận dân tộc thống nhất và công nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, tự thừa nhận chịu sự lãnh đạo của Đảng do Hồ Chí Minh đứng đầu. Cả hai Đảng này mãi đến năm 1989 trong buổi đầu của công cuộc đổi mới, tại Đại hội cuối cùng mới tuyên bố chấm dứt hoạt động vì đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, phấn đấu cho độc lập dân tộc và đại đoàn kết dân tộc, trao lại sứ mệnh này cho Mặt trận.

Từ đây trở đi, nước ta mới tồn tại thể chế một Đảng và là Đảng duy nhất cầm quyền. Đảng lãnh đạo Mặt trận để thi hành nhất quán đường lối chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc và lãnh đạo Nhà nước thể chế hóa tư tưởng, quan điểm, đường lối của Đảng thành luật pháp, chính sách của Nhà nước. Nhà nước thực thi thẩm quyền, trách nhiệm quản lý đất nước theo lý tưởng, mục tiêu và các định hướng phát triển xã hội do Đảng vạch ra. Đó là Nhà nước thực thi quyền lực nhân dân, xây dựng nền dân chủ đảm bảo tất cả mọi quyền lực nhà nước và xã hội đều thuộc về dân, do Nhân dân làm chủ.

Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ trở thành mối quan hệ chính trị - pháp lý rộng lớn nhất quy định chức năng, thẩm quyền, vai trò, trách nhiệm của các đồng chủ thể trong xã hội Việt Nam, cùng phấn đấu theo mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Mối quan hệ tổng quát đó chi phối các quan hệ lớn khác, phản ánh quy luật và tính quy luật phát triển của Việt Nam trong xã hội hiện đại và đương đại.

Đặc điểm hay đặc trưng này là quan điểm chính trị trong xây dựng Nhà nước và pháp luật.

Hai, Nhà nước và pháp luật Việt Nam là hình thức tổ chức và điều kiện đảm bảo cho nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Dân chủ là bản chất, mục tiêu và động lực của chủ nghĩa xã hội, của đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Dân chủ cũng là đặc trưng cơ bản nhất của Nhà nước, của nền pháp luật mà Nhân dân ta xây dựng, tổ chức nên, trong đó Nhân dân mà nòng cốt là khối liên minh Công - Nông - Trí thức, và đại đoàn kết là sức mạnh quy tụ toàn dân tộc, bao hàm cả dân tộc và tôn giáo… là chủ thể và cũng là mục tiêu của dân chủ, của Nhà nước phục vụ dân sinh, cho nên chức năng xã hội của Nhà nước ngày một mở rộng, tương thích với mở rộng dân chủ trực tiếp và pháp luật là công cụ quan trọng bậc nhất của quản lý trong Nhà nước pháp quyền. Pháp luật là tối thượng và pháp quyền đòi hỏi phải thượng tôn pháp luật trong Nhà nước và trong xã hội.

Muốn thực hiện dân chủ và thể hiện quyền lực nhân dân thì xã hội phải tổ chức thành Nhà nước theo các chuẩn mực dân chủ đồng thời pháp luật phải trở thành công cụ phổ biến để vận hành bộ máy nhà nước, chống quan liêu và bảo vệ dân chủ - “của quý báu nhất trên đời của dân” như Hồ Chí Minh xác định.

Dân chủ và quyền dân chủ của công dân, của Nhà nước vận động trong hành lang của pháp luật dân chủ. Pháp luật trở thành điều kiện và giới hạn của dân chủ, đảm bảo cho xã hội có tổ chức, không rơi vào tự phát và hỗn loạn của tình trạng vô chính phủ, cũng như dân chủ tập trung là cần thiết tất yếu để không biến thành tập trung quan liêu trong quản lý.

Nói rõ yêu cầu này, Hồ Chí Minh nhấn mạnh cả dân chủ và pháp luật, kỷ luật và kỷ cương, quyền hạn và nghĩa vụ, bổn phận và trách nhiệm.

Nhà nước và pháp luật trong tư tưởng Hồ Chí Minh được xây dựng, tổ chức và hoạt động thành ra pháp quyền và dân chủ. Đó là Nhà nước dân chủ pháp quyền, phục vụ và bảo vệ dân, phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp cũng như cộng đồng xã hội. Tính pháp lý gắn liền với tính nhân văn, tính dân tộc, tính Nhân dân không chỉ là đặc trưng của dân chủ, của pháp luật mà còn là đặc trưng của Nhà nước.

Ba, thực thi vai trò và sứ mệnh quản lý, Nhà nước phải thực hiện trách nhiệm quản lý toàn diện ứng với nội dung toàn diện của dân chủ và dân chủ hóa ở nước ta.

Tập trung vào bốn lĩnh vực chủ yếu: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Đó cũng là các lĩnh vực của dân chủ và dân chủ hóa, thể hiện trong các mối quan hệ giữa con người với con người, với công việc và tổ chức. Hồ Chí Minh căn dặn, đời sống có bốn mặt chủ yếu ngang nhau, không tách rời nhau, không xem nhẹ, coi nhẹ một mặt nào.

Dù không trực tiếp nói tới lĩnh vực môi trường nhưng tư tưởng và hoạt động thực tiễn rất phong phú của Hồ Chí Minh đều tỏ rõ, môi trường (cả môi trường tự nhiên - sinh thái lẫn môi trường xã hội - nhân văn) là một nội dung cấu thành của tổ chức và hoạt động nhà nước.

Bốn, Nhà nước pháp quyền dân chủ trong lô gích tư tưởng và tổ chức hoạt động của nó trước hết phải là Nhà nước của dân. Đây là nguyên tắc quan trọng nhất thuộc về bản chất và mục tiêu của Nhà nước. Dân là chủ và dân làm chủ, là định nghĩa điển hình nhất về dân chủ của Hồ Chí Minh mà cũng là tuyên bố dân là chủ nhà nước của mình. Muốn vậy phải có dân chủ đầy đủ và thực chất, dân là chủ thể chính trị, chủ thể pháp lý cao nhất đối với Nhà nước, trao quyền, ủy quyền cho Nhà nước đồng thời kiểm soát quyền lực nhà nước. Do dân là phương thức tổ chức, là lực lượng tổ chức qua thể chế bầu, bãi miễn, miễn nhiệm của dân thông qua các đại biểu của dân (Quốc hội, Chính phủ, Tòa án, Viện Kiểm sát). Vì dân là mục đích tối cao của Nhà nước, lấy sự hài lòng, sự tín nhiệm, sự tin cậy của dân đối với Nhà nước làm thước đo quản lý, quản trị. Đây cũng là phẩm tính nhân nghĩa của Nhà nước ta, tạo nên pháp quyền nhân nghĩa.

Năm, nếu dân chủ là linh hồn của Nhà nước, pháp luật tạo sinh khí của Nhà nước thì công chức là người thể hiện, thực hiện, thi hành công vụ nhà nước mà mệnh lệnh tối cao là của dân, do dân kiểm soát. Đội ngũ công chức trong các tổ chức, cơ quan công quyền vì dân phải thạo chính trị, giỏi chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ, tận tụy mẫn cán với công việc, chức phận để làm tròn trách nhiệm, phục vụ dân. Từ Chủ tịch nước trở xuống đến nhân viên, người phục vụ đều là đầy tớ công bộc của dân.

Với công chức và người của Nhà nước nói chung phải luôn đề cao và thực hiện “dĩ công vi thượng”, “quang minh chính đại”, “phụng công thủ pháp” và “tinh thành đoàn kết”, “kính trọng lễ phép với nhân dân”.

Với công dân và Nhân dân, phải đề cao trách nhiệm, bổn phận kiểm soát Nhà nước, thực hiện nghĩa vụ của người chủ. Chống quan liêu, tham nhũng là trách nhiệm không chỉ từ phía Đảng, Nhà nước mà còn từ phía người dân.

Hồ Chí Minh đã từng cảnh báo: “Quan tham là vì dân dại. Nếu dân khôn ngoan thì quan có muốn tham cũng không tham nổi”. Người còn nói rõ, nếu dân nêu cao trách nhiệm giám sát, kiểm soát đối với tổ chức nhà nước, hành vi công chức chặt chẽ, thường xuyên, cùng với đề cao sức mạnh của dư luận xã hội phê phán và lên án cái xấu, cái tham, cái ác… thì quan dù không liêm cũng phải hóa ra liêm. Rõ ràng, Hồ Chí Minh rất thực tế, duy lý, tỉnh táo, không hề lý tưởng hóa Nhà nước và công chức. Người biết rõ mọi chứng bệnh của Nhà nước và luôn đề cao các biện pháp mạnh để xử lý, răn đe, trừng trị trên nền tảng của giáo dục, khoan dung nhưng nghiêm khắc. Người tỏ rõ thái độ quyết liệt, trừng trị cái ác để bảo vệ cái thiện, phải giết bỏ những sâu mọt để cứu lấy cả cánh rừng xanh tốt - đó là Dân. Khi trả lời phỏng vấn: “Chủ tịch ghét điều gì nhất?”, Người trả lời “Điều ác”. “Chủ tịch yêu điều gì nhất?”, Người trả lời “Điều thiện”.

Tẩy sạch quan liêu, tham nhũng, chủ nghĩa cá nhân là tẩy sạch cái ác lớn nhất. Tăng cường đạo đức cách mạng, nâng cao trách nhiệm, kỷ cương là tăng cường sức mạnh của cái thiện lớn nhất trong Dân.

Hồ Chí Minh còn là nhà giáo dục lỗi lạc, dày công giáo dục, thức tỉnh con người, nhất là cán bộ, đảng viên, công chức phải nêu cao dũng khí, can đảm nhận lỗi, sửa lỗi, nêu cao lòng tự trọng, danh dự, lương tâm, nhân phẩm làm người để “chớ có kiêu ngạo”, “kiêu căng”, “chớ có nịnh hót”, “chớ có keo kiệt bủn xỉn” và “chớ có tham lam”. Phải biết rằng lãng phí, tham ô, tham nhũng là tội ác, và lòng tham, tính tham là rất đáng xấu hổ. Tổng hợp tất cả những việc nên làm, cần làm đó để Nhà nước trong sạch, Chính phủ liêm chính, công chức gương mẫu, “đoàn kết và thanh khiết” và Nhân dân được hưởng quyền tự do, hạnh phúc.

Tư tưởng và di sản Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật nêu trên đang rất cần phải vận dụng, phát triển sáng tạo để xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền - dân chủ ở nước ta hiện nay./.

Đọc thêm

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước
(PLVN) -  Sáng 10/12, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
HĐND tỉnh Quảng Ninh nhất trí bầu bà Trịnh Thị Minh Thanh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, làm Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; ông Phạm Đức Ấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV...