Người ta thường ví những nghệ sĩ múa với những con chim thiên nga thanh khiết, đẹp đẽ. Ở buổi đầu vào nghề, họ là những chú vịt run rẩy, rồi trong khổ luyện, họ đã lột xác thành những cánh thiên nga với những vũ điệu tuyệt diệu khiến người xem phải rung cảm trước cái đẹp chân chính của nghệ thuật. Nhưng, những cánh thiên nga của ngày hôm nay, đối mặt với nhiều cám dỗ của cuộc sống, không ít đã lạc đường bay và không tìm được lối về với niềm đam mê thủa ban đầu...
Về nghệ thuật nói chung, khó có thể so sánh ngành nào khó hơn, vất vả hơn ngành nào. Nhưng, nói đến múa, ai cũng phải thừa nhận không khổ luyện thì không thành nghệ sĩ múa. Và, khi sự khổ luyện đó đã với qua thì những cám dỗ khó cưỡng lại ập tới...
Sinh viên múa năm nhất và những bài tập cơ bản. |
Khổ luyện và lột xác
Tại Trung Quốc, một trong những cái nôi của nghệ thuật múa, những sinh viên trường múa thường phải gò mình trong những quy tắc và bài tập hết sức khó. Thông thường, họ mất gần tám tiếng một ngày để tập luyện, với chế độ ăn uống và rèn luyện cơ thể hết sức khắc nghiệt để giữ trọng lượng “khiêm tốn”, chưa kể những “kỉ luật sắt” khác. Tại Việt Nam, không đến nỗi gian nan như thế cho những người theo đuổi ngành múa. Tuy nhiên, sự vất vả, rèn luyện miệt mài, gian khổ vẫn là điều có thật.
Lê Hà - vai diễn cô cảnh sát Minh Thư trong phim “Những đứa con biệt động Sài Gòn” cũng từng là một diễn viên múa, theo đuổi nghệ thuật múa từ thuở nhỏ. Hà kể rằng, tuổi thơ của Hà cũng là những chuỗi ngày triền miên luyện tập, thiếu những cuộc vui trong trẻo trẻ thơ, sống xa gia đình và lưu diễn tất bật ở xứ người.
Phan Tú Quỳnh năm nay 14 tuổi, ban đêm em học phổ thông tại một trường giáo dục thường xuyên ở quận Gò Vấp, ban ngày em theo học khóa múa 4 năm, hiện đang là học kì 2, trường Cao đẳng Múa TPHCM. Quỳnh kể, mới học kì hai nên chưa có nhiều động tác khó, nhưng những bài tập xọac dọc, xọac ngang, ép cổ chân... ban đầu đã làm em đau điếng đến mấy ngày. Cũng như Quỳnh, các bạn học cùng lớp với em đều có chung một cảm nhận là nghề múa không dễ dàng tí nào.
Khổ luyện như vậy nên kết quả cũng thật diệu kỳ khi họ - từ những chú vịt vụng về, hóa thân thành những cánh chim ưng thảo nguyên Nội Mông khoáng đạt, dũng mạnh với bước xoay, bước bật, sải cánh, thành những nàng thiên nga yêu kiều... Thế mới thấy rằng nghệ thuật múa thật gian nan nhưng cũng thật tuyệt vời!
Đối mặt cùng cám dỗ
Đa số các sinh viên tại trường Cao đẳng Múa TP.Hồ Chí Minh, dù hệ chuyên nghiệp 6 năm, hệ 4 năm hay hệ vừa học vừa làm 2 năm đều ít nhiều thử sức với các công việc làm thêm bên ngoài liên quan đến múa.
Nguyễn Tú Quỳnh, sinh viên năm nhất khóa 4 năm mới 14 tuổi nhưng đã thường xuyên theo các đoàn múa đi lưu diễn tại các tỉnh xa. Quỳnh kể, em đi theo các đoàn chủ yếu là để học hỏi, nhưng cũng có ít nhiều cát sê. Tiền cát sê của em cho mỗi bài múa tập thể dao động ở mức 100 ngàn đồng/ bài.
Lớp tại chức 2 năm khóa 2011-2013 có 13 bạn nam, độ tuổi từ 18-25, đều hoạt động trong lĩnh vực múa. Trần Anh Nghĩa đang công tác tại nhà thiếu nhi quận 12, theo học tại trường để trau dồi chuyên môn, vì bạn hiện đang phụ trách giảng dạy múa cho các em thiếu nhi mầm non.
Cả Quỳnh, Nghĩa đều còn khá trẻ, vừa theo học múa vừa đi làm, và công việc đến từ nghề múa giúp các bạn đủ trang trải cho việc học tập, chi dùng sinh hoạt hàng tháng, thậm chí có thể dư dả nếu chịu "cày" nhiều địa điểm: múa hội nghị, múa đám cưới, múa quán bar... Thu nhập ổn định hàng tháng của các bạn dao động từ ba triệu rưỡi đến sáu triệu. Đó là những người vào nghề không lâu và hoạt động tự do, còn đối với những người thâm niên trong nghề, hoạt động ở những đoàn chuyên nghiệp hơn thì mức cát sê khá dư dả.
Võ Minh Thành, cựu sinh viên Trường Múa TP.Hồ Chí Minh, tốt nghiệp năm 2008, hiện đang là sinh viên năm cuối Đại học Văn hóa TP.Hồ Chí Minh. Có ngoại hình, vũ đạo tốt, Thành hiện là một thành viên của Vũ đoàn Sài Gòn cho biết, bạn chạy show khá tất bật với việc tham gia các tiết mục múa minh họa trong chương trình của các “sao”, các chương trình múa quy mô trên sân khấu lớn, múa ở hội nghị, kể cả quán bar, đi lưu diễn tỉnh cho các liveshow... Thu nhập trung bình của Thành ở mức trên 15 triệu đồng/tháng.
Với những người bước vào nghề với đam mê, có mục đích hướng đến nghệ thuật múa nghiêm túc và chuyên nghiệp, thì con đường đi có vẻ chông gai hơn nhiều. X.L là cựu sinh viên Trường Múa TP.Hồ Chí Minh, hệ chuyên nghiệp 4 năm. Khi còn học, L được đánh giá là một sinh viên có năng khiếu, cộng với thân hình đẹp và khuôn mặt biểu cảm, thầy cô và bạn bè dự đoán con đường phát triển chuyên nghiệp của L sẽ rộng mở. Thế nhưng, gần 5 năm sau ngày tốt nghiệp, L vẫn là một người múa tự do, liên tục chạy “show” cho các chương trình ca nhạc, hội nghị, và nhất là quán bar, vũ trường. Thu nhập của L một tháng hơn 20 triệu đồng, nhưng ước mơ thủa mới ra trường thì đã quá xa vời.
Cô Trần Ly Ly - Phó Hiệu trưởng Trường Múa TP.Hồ Chí Minh |
Theo cô Trần Ly Ly - Phó hiệu trưởng Trường Múa TP.Hồ Chí Minh, sinh viên trường múa làm thêm bên ngoài là một điều có thật, điều đó phù hợp với nhu cầu của thị trường, và cũng là nhu cầu trang trải của các em. Nhưng có một thực tế cần thấy rõ là một khi đã dấn thân vào con đường múa thị trường, quen với các lối múa của đám cưới, bar, vũ trường thì khó lòng mà quay lại với múa chuyên nghiệp. Thế nên rất nhiều sinh viên trường múa, hệ đào tạo chuyên nghiệp, khi được hỏi đến vẫn còn rất mông lung về con đường phía trước của mình. Rất ít gặp những đam mê, yêu nghề tột cùng, những người coi múa như một sự nghiệp nghệ thuật thật sự nghiêm túc để rèn luyện, phấn đấu và vươn đến đỉnh cao.
“Chúng ta đang thiếu những lòng yêu nghề tột cùng, đến với nghề múa như một cái nghiệp, nhưng lại thừa những con người kiếm sống bằng nghề múa và dư tiền để chơi nghệ thuật” - cô Trần Ly Ly trăn trở.
(còn tiếp)
Ngọc Mai