Những “ca bệnh” đau lòng chốn "công đường"

Những “ca bệnh” đau lòng chốn "công đường"
(PLO) - Trong hoạt động hành nghề luật sư của mình, có không ít lần tôi gặp phải những tình cảnh trớ trêu: Con cái kiện cha mẹ, cháu chắt tranh giành tài sản, đất đai với ông bà. Bên nào cũng cố giành cái lý, cái phải về phía mình, không còn nghĩ gì đến máu mủ tình thâm. 
“Bà nội có xin thì cho”
Một ngày cuối năm 2013, tôi được người quen giới thiệu nhận bảo vệ  miễn phí cho một bà cụ gần 90 tuổi tỉnh B trong một vụ kiện tranh chấp quyền sử dụng đất với người con dâu và mấy đứa cháu nội. Vụ kiện này đã kéo dài từ năm 2003 đến nay ngót chục năm với 3 vòng xét xử mà vẫn chưa kết thúc. 
Vụ án không phức tạp về mặt chứng cứ, nhưng chẳng hiểu sao tòa các cấp cứ xử rồi hủy tới hủy lui. Điều đáng buồn là trong thời gian theo đuổi vụ kiện, bên phía nguyên đơn (bà cụ) đã có hai người phải ra đi vĩnh viễn. 
Theo lời kể của người nhà bà cụ, vì uất ức trước sự ngang ngược của con dâu và đứa cháu nội nên lần lượt ông cụ và người con lớn (đại diện ủy quyền cho bà cụ) đều bị “lên tăng xông”và mất. Trước khi mất, ông cụ và người con lớn đều trăn trối là dù có phải đi đến đâu cũng phải đòi cho bằng được công lý. 
Năm 1978, vợ chồng ông bà cụ (tên N.T.X và N.T.L) cưới vợ cho người con trai cả tên N.T.T. Mấy năm sau, ông bà cho người con trai ra riêng, cất nhà và cho quản lý, hưởng hoa lợi trên phần đất hơn 6.000m2. hai năm sau, người con trai đột ngột qua đời, để lại cho con dâu 3 đứa con. 
Thấy con cháu nheo nhóc nên ông bà tiếp tục cho người con dâu được quản lý, canh tác phần đất này để lấy tiền nuôi con. Đến năm 1995, người con dâu âm thầm đến UBND xã đăng ký quyền sử dụng đất đứng tên mình, mặc dù trước đó, ông bà đã phân chia phần đất trên thành 3 phần: Người con dâu được 2.000m2, người con trai thứ (em ông NTT) được 2.500m2 (gồm cả phần đất mồ mả gia tộc), còn lại gần 2.000m2, ông bà dùng để dưỡng già và để cho mấy người con gái không lập gia đình do bị tật nguyền.
Đến năm 2001, nhà của người con trai thứ bị giải tỏa nên ông yêu cầu người con dâu đo đạc, cắm mốc phần đất cho em chồng. Người con dâu thực hiện đầy đủ, đồng thời đi tách thửa cho người em chồng. Đến phần của ông bà, người con dâu không đồng ý giao lại phần đất gần 2.000m2 với lý do đã đứng tên trên sổ. 
Bực mình vì sự trở mặt của con dâu, ông làm đơn khiếu kiện ra chính quyền địa phương nhờ phân xử. Trong lúc chờ xử, ông đột tử qua đời. Trước khi mất, ông nhắn gửi người con gái lớn thay mình theo đuổi vụ kiện đến cùng.
Trong quá trình chính quyền địa phương và tòa các cấp giải quyết, người con dâu đều thừa nhận là cha mẹ chồng chỉ cho ở quản lý, chứ không cho luôn, đồng thời thừa nhận có việc phân chia 3 phần như trình bày của nguyên đơn. 
Tuy nhiên, người con dâu không đồng ý trả lại với lý do khi làm giấy đỏ, cha mẹ chồng lên xã nói miệng là cho luôn, giờ không thể đòi được. Chính quyền xã thì người nói có cho, người thì lại nói không có. Tòa các cấp ở tỉnh B xử, lúc cho nguyên đơn thắng, lúc tuyên bị đơn được trọn quyền sử dụng đất. Lần gần đây nhất vào tháng 9/2013, tòa xử sơ thẩm cho người con dâu thắng. Người em chồng (đại diện theo ủy quyền cho bà cụ) sau phiên xử, uất ức quá đã ra đi vĩnh viễn. 
Trong phiên xử đó, người cháu nội đã tuyên bố với tòa là: “Nếu bà nội và mấy cô chú xin thì cho chứ đòi thì nhất quyết không trả, một tấc đất cũng không!”. Vụ này đang được Tòa án tỉnh thụ lý xử phúc thẩm. 
Những đứa con “từ trên trời rơi xuống”
Cách đây gần một năm, một bà cụ cũng tròm trèm 90 được người cháu gọi bằng bà dẫn đến gặp luật sư để nhờ tư vấn việc “tự nhiên có mấy đứa con nuôi ngang hông” đòi phần thừa kế nhà và đất của vợ chồng bà. Bà cho biết, vợ chồng bà không có con nên cách đây gần 60 năm có nhận đứa con của người em chồng về nuôi cho ăn học. Theo bà là vì lúc đó, người em dâu chết trẻ, để lại đứa con còn nhỏ, nên chồng bà nói bà đưa đứa trẻ đó về nuôi nấng cho ăn học, chứ không nghĩ là nhận làm con nuôi. 
Cho học đến hết phổ thông, người “con nuôi” vượt biên sang Mỹ và đi biền biệt, không một lần về thăm. Khi chồng bà mất, người “con” này cũng không về thăm nom, tang chế. Cách đây mấy năm, bà làm thủ tục xin cấp giấy tờ nhà và được chính quyền cấp cho giấy hồng. 
Bà bán căn nhà trên cho đứa cháu để lấy tiền dưỡng già, đi làm từ thiện, còn một ít để lại lo hậu sự cho mình. 
“Đùng một cái”, người “con” từ Mỹ trở về đòi bà chia thừa kế một nửa căn nhà. Bà không đồng ý vì cho rằng đây là tài sản được tạo dựng từ mồ hôi, xương máu của bà. Không chỉ người từ Mỹ về nhận là con nuôi, hai người em của người này, trước giờ sống ở gần nhà bà cũng nói là họ từng được bà nhận làm con nuôi nên cũng đòi chia phần. 
Như vậy là chỉ sau khi bà làm xong giấy tờ nhà và bán nhà, có được ít tiền thì bà tự dưng “có được ba người con nuôi”! Trình bày hoàn cảnh của mình với luật sư, bà cho biết: “Vợ chồng tui không con cái, sống thui thủi mấy chục năm trời, hai vợ chồng già phải chăm sóc lẫn nhau. Ổng đi rồi, giờ còn mình tui. 
Tui già rồi, tranh giành của cải làm gì, chết có mang theo được đâu mà giành. Nghĩ thật tủi thân, lúc mình khổ, đau ốm, có ai nhận là con để chăm sóc, thuốc thang đâu, giờ có được mấy đồng, tự nhiên có người đến nhận con nuôi từ 60 năm trước. Thật cám cảnh cho tình đời, tình người”.
Hiện nay, ba người “con nuôi” của bà cụ đã khởi kiện bà cụ ra tòa để xin hủy tờ kê khai di sản thừa kế với lý do, khi làm thủ tục kê khai, bà cụ đã không khai họ là con nuôi. 
Ám ảnh 
Đó chỉ là hai trong rất nhiều vụ việc điển hình mà chúng tôi đã từng gặp trong hoạt động hành nghề. Thật sự, gặp phải những “ca bệnh” này, chúng tôi gọi là bệnh “nan y”, khó mà chữa cho lành bệnh. Bên nào cũng có cái lý và khư khư với chứng cứ, lập luận của mình, rất khó thuyết phục.   
Làm luật sư, bảo vệ thân chủ, bảo vệ lẽ phải là chuyện đương nhiên phải làm. Nhưng gặp những “ca” như thế, không chỉ dựa vào hồ sơ mà còn phải phân tích, thuyết phục người trong cuộc ngồi lại với nhau để hòa giải, giữ lại tình thâm. 
Tiền bạc, vật chất, mất đi có thể còn tìm được, còn tình nghĩa cha con, ông bà – cháu, máu mủ ruột rà mất đi, có khi cả đời không lấy lại được. Ấy vậy mà cái đạo lý của người Việt Nam ta, không phải ai cũng hiểu và chịu thực hiện. Tình thân và tiền bạc, đôi khi người ta đem ra cân xem bên nào nặng, bên nào nhẹ để mà chọn lựa. 

Đọc thêm

Công an Kon Tum cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới

Đối tượng lừa đảo qua mạng nhắn tin, dẫn dụ bị hại. (Ảnh: Công an tỉnh cung cấp)
(PLVN) - Phòng An ninh mạng - Công an tỉnh Kon Tum và Ngân hàng ACB chi nhánh Kon Tum đã kịp thời ngăn chặn vụ lừa đảo hơn 500 triệu đồng với chiêu giả danh người Mỹ muốn chuyển tiền về Việt Nam đầu tư.

Sơ thẩm vụ 'Trốn thuế' ở Phú Giáo (Bình Dương): VKS đề nghị phạt tiền với 3 bị cáo

VKS đề nghị HĐXX phạt tiền các bị cáo về tội “Trốn thuế”.
(PLVN) - Hôm qua (12/12), TAND huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương) mở phiên sơ thẩm với bị cáo Nguyễn Thị Phương Huệ (SN 1967), Trần Thanh Tài (SN 1997, con trai bà Huệ, cùng ngụ huyện Phú Giáo) và Võ Đức Quang (SN 1993, ngụ Chơn Thành, Bình Phước) về tội “Trốn thuế”. Cả ba bị cáo buộc trốn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) khi khai giá mua bán đất thấp hơn giá thực tế.

Bắt quả tang đối tượng vận chuyển gỗ trái phép

Bắt quả tang đối tượng vận chuyển gỗ trái phép
(PLVN) -  Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên (Vườn Quốc gia Hoàng Liên) phối hợp với Trạm Kiểm lâm số 3, Công an xã Tả Van và Ban Chỉ huy Quân sựu xã Tả van (thị xã Sa Pa) vừa bắt quả tang 01 đối tượng vận chuyển trái phép gỗ pơ mu.

Truy tố ông Trần Đình Triển

Ảnh minh họa
(PLVN) - VKSND Tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố bị can Trần Đình Triển (SN 1959, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân) về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Khởi tố nghi can hàng loạt vụ trộm trên xe ô tô tại Rạch Giá

Bị can Ngô Phụng Tuấn
(PLVN) - Ngày 11/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang đã tống đạt Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện Lệnh bắt tạm giam đối với Ngô Phụng Tuấn (SN 2006, ngụ phường An Bình, TP Rạch Giá) về tội "Trộm cắp tài sản".