Giống như hàng triệu người dân Việt Nam, khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất, cô gái Nguyễn Thị Phượng (29 tuổi), quê ở tỉnh Thái Bình, đang ngụ tại xã Phú Cần, H.Krông Pa, tỉnh Gia Lai đã rất buồn và hụt hẫng vì vậy cô đã quyết định vẽ hình Tổng Bí thư để bày tỏ lòng tiếc thương của mình với người.
Bức tranh bằng chì than của Nguyễn Thị Phượng tưởng nhớ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Thanhnien.vn) |
Bức tranh được thực hiện bằng chì than. Phượng bảo, cô đã xem lại những hình ảnh của Tổng bí thư thật kỹ, sau đó chọn một hình ảnh mà với cô là đẹp nhất rồi chú tâm chuyển tải cảm xúc của mình qua những nét vẽ. Sau 6 tiếng đồng hồ, bức tranh được hoàn thiện.
Với cô gái đang ở tỉnh Gia Lai: "Điều hạnh phúc nhất của tôi đó là có thể tri ân, tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bằng một bức tranh. Trong lúc vẽ, những gì đọc trên các báo về sự giản dị, thanh liêm của Tổng Bí thư cứ được tua đi tua lại. Để rồi tôi càng quý trọng, biết ơn Tổng bí thư nhiều hơn sau những đóng góp to lớn cho nước nhà của ông".
Phượng cho biết có một câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mà Phượng rất ấn tượng, và coi đó là kim chỉ nam trong cuộc sống, đó là: "Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa, để không phải xót xa ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ. Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất". "Tôi xin cúi đầu tiễn biệt Tổng bí thư!" - cô nói.
Về bức tranh bày tỏ niềm tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Phượng dự định sẽ trưng bày trong nhà. Để qua đó, mỗi ngày thấy ảnh Tổng bí thư, sẽ tự nhắc nhở bản thân cần phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ về mọi mặt, gần gũi và lắng nghe ý kiến của mọi người. Bên cạnh đó, luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ và công việc được giao.
Có tình cảm đặc biệt, sự kính trọng đặc biệt với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nên khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, thầy giáo Phan Văn Phúc (66 tuổi, trú huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh), giáo viên bộ môn mỹ thuật của Trường THCS Phan Huy Chú, huyện Thạch Hà đã vô cùng đau lòng, hụt hẫng. Để bày tỏ niềm thương tiếc đó, chiều chủ nhật (21/7), trước giờ lên lớp tại nhà, thầy Phúc đã dùng phấn nhiều màu sắc vẽ tác phẩm chân dung Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lên bảng chống lóa. Bức vẽ được thầy Phúc thực hiện trong vòng 2 tiếng đồng hồ.
Bức vẽ chân dung Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khiến nhiều người xúc động (Ảnh: Dân trí). |
Theo thầy Phúc, bức hình vẽ của ông có bố cục hình ảnh chân dung Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở trên cùng, phía sau là bầu trời xanh mênh mông. Chân dung Tổng Bí thư được ông Phúc khắc họa với nét đạo mạo và nụ cười hiền hậu. Phía dưới có những bông hoa cúc vạn thọ - loài hoa biểu tượng cho sự trường tồn, vĩnh cửu.
“Dù ở xa nhưng tôi muốn dùng bức tranh chân dung và loài hoa vạn thọ thay cho nén tâm nhang gửi đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng", thầy Phúc chia sẻ.
Nghệ nhân trẻ Bùi Văn Tự (sinh năm 1992, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm (Hà Nội) lại thể hiện sự kính trọng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng qua tác phẩm thuộc thể loại nghệ thuật điêu khắc ánh sáng.
Nghệ nhân trẻ Bùi Văn Tự cùng tác phẩm Cây tre Việt Nam phác hoạ hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Vietnam+) |
Theo anh Tự, nghệ thuật điêu khắc ánh sáng là cuộc chơi trên phần bóng của mỗi vật thể. Khi rọi ánh sáng từ dưới lên, khi thì tĩnh, khi thì động, những chiếc bóng sẽ xuất hiện cùng câu chuyện và nhân vật. Dưới ánh sáng của nghệ thuật chiếu bóng, những tạo hình điêu khắc hay những hình dạng kỳ lạ của những khúc gỗ hay vật liệu tái chế lại trở thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo và sinh động.
Lấy cảm hứng từ chính sách "ngoại giao cây tre" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nghệ nhân Bùi Văn Tự đã tạo ra tác phẩm "Cây tre Việt Nam" để tưởng nhớ nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng.
Nghệ nhân trẻ này cho hay, xuất phát từ hình ảnh cây tre là một biểu tượng văn hóa gắn liền xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam, và như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khắc họa cây tre Việt Nam với hình ảnh gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển và với một triết lý là mềm mại mà cứng cỏi, nhân ái mà quật cường, biết nhu biết cương, biết thời biết thế, biết mình biết người. Đó cũng chính là nguồn cảm hứng mà anh sáng tác nên một tác phẩm điêu khắc ánh sáng với tên gọi là 'Cây tre Việt Nam' để khắc họa nên hình ảnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Để làm nên tác phẩm, anh Tự đã nghiên cứu tài liệu và lên ý tưởng suốt 3 tháng, cùng với đó là quy trình chế tác mất gần 1 tháng. Đồng thời, anh đã trải qua một quá trình tìm hiểu rất dài những câu chuyện về triết lý ngoại giao. “Tôi đã tìm đọc những cuốn sách của Tổng Bí thư, xem lại những phóng sự, những chia sẻ của Tổng Bí thư. Từ đó hiểu hơn về câu chuyện và những ý niệm, triết lý xoay quanh hình ảnh cây tre Việt Nam. Từ đó mới thể hiện nên cái hồn cốt và tinh thần của Tổng Bí thư” – anh Tự nói.
Cũng theo anh Tự, tác phẩm được làm từ gỗ trắc, một loại gỗ đặc thù vùng núi Việt Nam có độ bền cao, chống chịu được sự biến đổi của thời tiết.
Điều kỳ diệu chưa dừng lại ở đó, với sự tính toán thần kỳ, ánh sáng đi qua tác phẩm "cây tre Việt Nam" lại tạo thành bức chân dung đầy cảm xúc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thông qua tác phẩm, anh Tự muốn thể hiện tinh thần và tấm lòng, tình cảm biết ơn và tri ân tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chàng trai trẻ Huỳnh Minh Hưng thức trắng đêm tạo hình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Ảnh: Vietnam+). |
Huỳnh Minh Hưng (sinh năm 1999) đến từ tỉnh Vĩnh Long cũng vừa hoàn thiện tác phẩm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hưng nghẹn ngào khi nghe thông tin vị lãnh đạo cao nhất của Đảng từ trần.
Nam sinh chia sẻ: "Khi biết đến những giờ phút cuối đời, Tổng Bí thư vẫn tận tụy làm việc, em càng thêm kính trọng và tiếc thương bác." Đây cũng là lý do khiến Hưng đã dành cả một ngày để tạo hình hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bằng nghệ thuật sắp đặt ánh sáng. Khi ánh sáng chiếu qua những chi tiết trên tác phẩm, sẽ tạo thành bức chân dung Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tác phẩm này Hưng đã mất gần 20 tiếng, thức trắng đêm để có thể sớm hoàn thiện.
Tác phẩm của Hưng được làm bằng chất liệu gồm giấy thùng carton, gỗ thông, tăm tre... Để mày mò làm được một tác phẩm hoàn chỉnh, Hưng mất khoảng 5 tháng để tìm hiểu trên Internet. Trong quá trình thực hiện tác phẩm, có rất nhiều chi tiết Hưng phải làm đi làm lại nhiều lần mới hoàn thiện được, có những lúc chàng trai trẻ phải bỏ hết đi để làm lại từ đầu.
Khi hoàn thiện, Hưng đã chia sẻ câu chuyện của mình lên mạng xã hội và được rất nhiều người dùng Internet ngưỡng mộ.
Thực hiện tác phẩm, Hưng muốn góp một phần nhỏ về nghệ thuật của mình để thể hiện lòng biết ơn và tôn kính của mình trước Tổng Bí thư.