Gặp lại bác sĩ Chuyên khoa II Lê Quang Phú - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện A Lưới vào một chiều mưa tầm tã của những ngày đầu tháng 10 vừa gặp đã tươi cười chào đón chúng tôi. Bác sĩ Phú chia sẻ: “Năm 1982 tôi tốt nghiệp Trường Trung cấp Y tế Bình Trị Thiên năm, khi đó chỉ mới hơn 21 tuổi. Sau khi tốt nghiệp, tôi đã tình nguyện lên A Lưới để làm bác sĩ ngoại trú. Cũng từ đây, tôi trở thành một trong những bác sĩ đầu tiên của huyện miền núi biên giới này”.
“Hồi ấy mới lên đây mọi thứ vẫn đang còn khó khăn, trong khi huyện A Lưới đa phần là bà con dân tộc thiểu số sinh sống. Đời sống vật chất khó khăn, vì thế bản thân tôi cũng muốn ở lại để giúp đỡ người dân ở đây một phân nào đó về sức khỏe trong những lúc ốm đau. 3 năm sau, khi hết hợp đồng công tác nhưng tôi vẫn tình nguyện ở lại đây vì đội y tế quá thiếu hụt”- bác sĩ Phú cho biết thêm.
Từ đó đến nay, đã hơn 40 năm trôi qua, nhưng người thanh niên trẻ khoác áo blouse trắng năm nào vẫn ngày đêm miệt mài với công việc cứu người. Bác sĩ Phú kể lại rằng, ngày đó người dân địa phương nhìn ông với một ánh mắt đầy e dè và lạ lẫm, bởi sự có mặt của một người thanh niên trẻ mang áo blouse trắng là điều khá xa lạ với đồng bào ở đây.
“Ngày đó người dân A Lưới vẫn chưa quen với việc đến Trung tâm để chữa trị mà đa phần là điều trị tại nhà. Sốt rét, tai nạn bom mình chữa trị không khỏi người dân chỉ biết cúng bái, thậm chí các trường hợp sinh con người dân lại tự sinh ở nhà dẫn đến các trường hợp đáng tiếc. Sau này, khi chúng tôi tích cực tuyên truyền thì người dân mới dần bỏ các hủ tục chữa bệnh đó để tìm đến trung tâm”- Giám đốc Trung tâm Y tế A Lưới nhớ lại.
Bác sĩ Phú, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện A Lưới là một trong những bác sĩ ngoại trú đầu tiên của A Lưới |
Qua nhiều đóng góp không ngừng, bác sĩ Phú đã lần lượt giữ những vị trí trọng trách; từ Trưởng khoa ngoại, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Phó Giám đốc cho đến Giám đốc Trung tâm vào năm 2006 đến nay. Bác luôn nhận được sự tin yêu của đội ngũ y tế huyện cũng như người dân A Lưới.
Kỷ niệm để lại ấn tượng nhất mà bác sĩ Phú không thể quên đó là vào năm 1999, khi cơn đại hồng thủy ập đến Huế. Bác sĩ Phú kể lại, năm đó, khi cơn lũ ập đến, con đường để lưu thông về thành phố ngập lênh láng, toàn huyện A Lưới dường như bị cô lập. Thời điểm nước lũ dâng lên, có một sản phụ người Tà Ôi ở xã Hồng Vân được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình thế vô cùng nguy cấp.
“Nữ sản phụ trong tình trạng song thai nằm ngang. Lúc đó, tôi đã quyết định cho tiền gây mê và gây tê tại chỗ để mổ. Rất may, ca mổ thành công, ai cũng đã bật khóc giữa dòng nước lũ vì quá vui mừng”- bác sĩ Phú nhớ lại.
Nơi rừng sâu vùng biên giới ấy, không chỉ có bác sĩ Phú mà còn có rất nhiều y, bác sĩ trẻ tuổi tự nguyện lên đây cùng với bà vùng bản. Từng là bác sĩ quân y tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên- Huế, nhưng vì tình lương y Thiếu tá Đặng Hồng Minh tình nguyện lên miền biên giới A Lưới để chăm sóc sức khỏe cho bà con dân bản trạm quân dân y thuộc Đồn Nhâm, nằm sát biên giới Việt -Lào thuộc địa bàn xã Nhâm (huyện A Lưới).
Thấm thoát đã hơn 5 năm trôi qua, cứ mỗi tuần 3 buổi, Thiếu tá Minh kết hợp với Trạm Y tế xã Nhâm khám chữa bệnh, cấp phát thuốc cho bà con đồng bào được hưởng bảo hiểm, hộ nghèo. Bác sĩ Minh còn dành thời gian để làm từ thiện, phát thuốc miễn phí cho bà con biên giới.
Bà Đơ (82 tuổi, trú thôn A Hưa, xã Nhâm) chia sẻ: “Tôi bị bệnh cao huyết áp nên có những ngày trở trời không đến trạm xá được. Tôi nhờ người nhắn cho bác sĩ Minh và ngay lập bác sĩ đến tận nhà khám bệnh cho tôi, tôi rất vui và xúc động...”.
Lâu nay, người dân vùng cao A Lưới vốn quen với việc chữa bệnh bằng bùa phép, hủ tục cúng bái mang màu sắc mê tín. Với sự xuất hiện của những người như bác sĩ Phú, Minh... đã tạo niềm tin cho đồng bào dân tộc nơi đây. Vẫn còn rất nhiều y, bác sĩ đang ngày đêm cống hiến hết mình cho người dân nơi miền biên giới. Giờ đây, những bóng blouse trắng đã trở nên rất quen thuộc, gần gũi và chắc chắn sẽ là điểm tựa tinh thần đồng bào nơi đây.