Những ai sẽ được tiêm vaccine Sinopharm tại Hà Nội?

Ảnh minh họa: Ngọc Nga
Ảnh minh họa: Ngọc Nga
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sở Y tế Hà Nội cho biết, Hà Nội được Bộ Y tế phân bổ cho 999.600 liều vaccine Sinopharm. Từ hôm nay (9/9), Hà Nội sẽ bắt đầu triển khai tiêm số vaccine này.

Theo Sở Y tế Hà Nội, số vaccine Sinopharm sẽ được dùng để thực hiện tiêm mũi một cho người từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn thuộc các nhóm ưu tiên chưa được tiêm chủng theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi một đủ thời gian theo quy định.

Các nhóm được ưu tiên tiêm chủng bao gồm:

- Lực lượng tuyến đầu chống dịch theo Nghị quyết 21/NQ-CP.

- Người mắc bệnh mạn tính (theo danh sách bệnh nhân mạn tính quản lý tại các bệnh viện, trung tâm y tế).

- Phụ nữ đang mang thai từ 13 tuần trở lên, sau khi được giải thích nguy cơ/lợi ích nếu đồng ý tiêm chủng cần chuyển đến tiêm và theo dõi tại cơ sở y tế có khả năng cấp cứu sản khoa.

- Người trên 65 tuổi.

- Người làm trong các chuỗi cung ứng dịch vụ thiết yếu: công nhân nhà tang lễ, cắt tóc, gội đầu, công nhân vệ sinh và người làm tại các chuỗi cung ứng.

- Công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp, điểm công nghiệp, người nước ngoài đang sinh sống trên địa bàn thành phố.

- Người lao động của các đơn vị có đóng góp cho công tác phòng chống dịch của thành phố.

- Các nhóm đối tượng khác căn cứ vào lượng vaccine được phân bổ.

Đồng thời, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cũng vừa có văn bản gửi các cơ sở y tế trong và ngoài công lập trực thuộc Sở Y tế Hà Nội và các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã về việc tiếp tục triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hà Nội đợt 13.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đề nghị các Trung tâm y tế các quận, huyện thị xã khẩn trương xây dựng kế hoạch tiêm chủng vaccine COVID-19 các đợt tiếp theo, căn cứ đối tượng cần tiêm, đã tiêm, số lượng vaccine COVID-19 được phân bổ đảm bảo minh bạch, đúng đối tượng. Tiếp nhận và thực hiện tiêm ngay sau khi nhận được vaccine, thực hiện rà soát các đối tượng toàn bộ lực lượng tuyến đầu chống dịch theo Nghị quyết 21 và các đối tượng theo thứ tự ưu tiên để tiêm chủng theo hướng dẫn.

Các đơn vị tăng tốc tiến độ tiêm chủng, tổ chức tiêm các điểm lưu động, tổ chức các điểm tiêm đến gần dân nhất có thể như tại: Phường, xã, tổ dân phố, khu phố; không giới hạn số lượng người tiêm trong mỗi buổi tiêm chủng, giảm bớt thủ tục hành chính, bố trí nhân lực tham gia tiêm chủng làm việc toàn thời gian để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng ngay số vaccine được phân bổ. Hoàn thành trong thời gian sớm nhất đảm bảo an toàn nhất hiệu quả tăng cấp độ diện bao phủ và theo đúng chỉ đạo của Trung ương và Thành phố về việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Các đơn vị xây dựng kế hoạch tiêm chủng hợp lý đảm bảo sử dụng vaccine hiệu quả, tránh hao phí vaccine và sử dụng hết vaccine trước hạn sử dụng; tiêm trước với các vaccine có hạn sử dụng gần nhất.

Tại mỗi điểm tiêm chủng, chỉ tiêm một loại vaccine ở cùng một thời điểm để tránh thắc mắc, đảm bảo công bằng minh bạch cho đối tượng ưu tiên.

Riêng đối với vaccine phòng COVID-19 của Sinopharm, thực hiện ưu tiên tiêm mũi 1 cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn, thuộc nhóm các đối tượng ưu tiên chưa được tiêm chủng theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và UBND thành phố Hà Nội và Sở Y tế Hà Nội; và tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine Sinopharm với khoảng cách ít nhất 3 tuần và mở rộng thêm các nhóm đối tượng khác, căn cứ vào lượng vaccine được phân bổ.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cũng yêu cầu, các đối tượng thận trọng tiêm chủng phải được khám sàng lọc kỹ lưỡng và thận trọng chuyển tiêm chủng tại cơ sở y tế có đủ khả năng cấp cứu phản vệ. Với những trường hợp có tiền sử phản vệ độ 3 với bất kỳ dị nguyên nào, chuyển tiêm chủng tại bệnh viện theo phân cấp các điểm tiếp nhận tại kế hoạch của Hà Nội.

Riêng với phụ nữ mang thai trên 13 tuần, được giải thích nguy cơ lợi ích; nếu đồng ý tiêm chủng, cần chuyển tiêm và theo dõi tại cơ sở y tế có khả năng cấp cứu sản khoa theo phân cấp của Sở Y tế. Đặc biệt, đối với vaccine Sputnik V chống chỉ định cho phụ nữ mang thai và cho con bú.

Các đơn vị đẩy mạnh công tác truyền thông về lợi ích của tiêm chủng trên các phương tiện thông tin đại chúng và sự cần thiết thực hiện tiêm sớm trong giai đoạn hiện nay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ "vaccine tốt nhất là loại vaccine được tiêm sớm nhất"; không để xảy ra tình trạng lựa chọn, chờ đợi để được tiêm loại vaccine khác. Thực hiện các biện pháp phòng chống dịch khi đến điểm tiêm chủng để người dân yên tâm tham gia tiêm chủng.

Đọc thêm

Rước họa vì thói quen nhiều người hay làm

Bệnh nhân nhập viện vì uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
(PLVN) -  Liên tiếp trong thời gian gần đây, các bác sĩ tại các bệnh viện thường tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu vì tự ý uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Điều đáng nói, nhiều người hiện nay tự ý sử dụng các loại thuốc này để điều trị nhiều căn bệnh như: Viêm gan B, sỏi túi mật….

Không dễ dãi với mặt hàng đặc thù liên quan sức khỏe

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (dự kiến được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024), mới đây khi được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã được chỉ ra một số nội dung cần xem xét.

Tháng cao điểm an toàn thực phẩm: Địa phương phải kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm

Nhiều học sinh là nạn nhân ngộ độc do đồ ăn trước cổng trường. (Ảnh minh họa - Nguồn: SKĐS)
(PLVN) - Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương kiên quyết xử lý nghiêm, đình chỉ hoạt động các cơ sở nếu không bảo đảm điều kiện, không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cộng đồng...