Nhóm nghi phạm làm cuộc… bốc thăm chọn ra người 'gánh tội'

Hình minh họa
Hình minh họa
(PLO) -Sau khi gây án , 5 đối tượng thống nhất chọn những người chưa có tiền án, tiền sự để “gánh tội”. Ngoài đối tượng tự nhận tội, các  đối tượng khác bốc thăm bằng cỏ khô để chọn ra thêm một người.

Sáng 14/7, TAND TP.Buôn Ma Thuột xét xử sơ thẩm bị cáo Phạm Đình Nhất (SN 1990, ngụ phường Tân An, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cùng bốn đồng phạm về tội “Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người” và “Cố ý gây thương tích”.

Thảo luận bịa đặt lời khai

Theo cáo trạng, khoảng 1h sáng 2/7/2015, một nhóm bạn của Phạm Thị Dung (SN 1996, ngụ huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) đi tìm Dung. Khi đến quán nhậu vỉa hè ở ngã tư đường Nguyễn Đình Chiểu và Ngô Quyền, thấy cô gái này đang ngồi nhậu với vài người khác, nhóm bạn bỏ đi uống cà phê, lúc sau quay lại không thấy Dung đâu.

Gọi điện hỏi, Dung trả lời “đang ở đường Nguyễn Đình Chiểu nhưng không biết chỗ nào, mấy người bắt Dung lại không cho về”. 

Sợ Dung gặp chuyện, nhóm bạn rủ thêm anh Y Hiếu Êban (SN 1995, ngụ xã Cư Né, huyện Krông Búk) và một người nữa cùng đi tìm giúp. Người này mang theo một bóng đèn tuýp nhặt ở thùng rác. 

Cả nhóm phát hiện Dung đang ngồi nhậu trong phòng trọ của Nhất. Người cầm bóng đén xông vào phòng trọ, bị những người trong phòng đuổi đánh phải bỏ chạy.  

Về phần Y Hiếu, anh này chạy được một đoạn thì bị nhóm Nhất bắt được, đánh gây thương tích. Sau khi vào viện điều trị nhanh, Y Hiếu về phòng trọ của mình.

Khoảng 14h cùng ngày, Nhất cùng 5 người nữa xông vào phòng trọ của Y Hiếu. Nhất dùng chân đạp làm Y Hiếu đập đầu vào tường và còn bị cáo buộc đã leo lên gác, đánh hai người bạn của Y Hiếu rồi đi xuống. 

Khi xuống dưới nền nhà, Nhất tiếp tục dùng chân đạp vào mặt Y Hiếu, nói: “Mày là Hiếu đúng không, tối hôm qua đánh mày rồi đúng không? Thằng này hôm qua đánh rồi, tha cho nó”, nói xong, Nhất cùng đám bạn bỏ đi. 

Nhóm Nhất còn đưa một thanh niên cùng phòng Y Hiếu ra ngoài cổng, đánh gây thương tích. Hai nạn nhân sau đó đến điều trị tại hai bệnh viện khác nhau.

Sau khi gây án, nhóm 5 người Nhất đi uống cà phê. Đến chiều 2/7, nghe tin Y Hiếu bị thương nặng, các đối tượng hẹn gặp nhau để bàn bạc giải quyết. 

Tại quán cà phê, 5 đối tượng thống nhất chọn những người chưa có tiền án, tiền sự để nhận tội. Tạ Hoàng Hà (SN 1985) tự nhận tội. Trần Phương Linh (1987), Phạm Tiến Dũng (1984) và Nguyễn Văn Phương (SN 1985) bốc thăm để chọn lấy một người nhận tội cùng Hà. Nhất là người làm thăm bằng cỏ khô. Người “trúng thăm” là Dũng. 

Sau đó, cả nhóm thống nhất bịa chuyện để khai với công an: Dũng và Hà đến rủ Dung đi uống cà phê thì gặp một thanh niên trộm dép tại phòng trọ của Nhất trước đó.

Bởi vậy, Hà vào đạp một người thanh niên ngồi dưới gầm cầu thang, còn Dũng đưa một thanh niên ra hẻm đánh thì gặp nhóm Nhất đi tới. Vụ đánh nhau không liên quan tới Nhất. Thống nhất xong, cả nhóm về. 

Đến ngày 4/7, Nhất, Hà, Dũng đến Công an tỉnh Đắk Lắk trình diện và khai báo với nội dung bịa đặt như trên. 

Về phần hai nạn nhân, Y Hiếu , sau khi được chuyển xuống điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), đến ngày 6/7/2015 đã tử vong. Theo giám định pháp y, Y Hiếu tử vong do hôn mê, suy hô hấp không hồi phục được, chấn thương sọ não nặng, thương tích 10%. Gia đình một số đối tượng đã tới thắp nhang và đặt lên bàn thờ Y Hiếu 53 triệu đồng. 

Còn nạn nhân cùng phòng với Y Hiếu điều trị vài ngày thì xuất viện. Kết quả giám định cho thấy anh này bị đa chấn  thương, gãy xương chính mũi, rối loạn khứu giác, tỉ lệ thương tích 15%. Nạn nhân đã kê khai chi phí điều trị, tiền bồi dưỡng sức khỏe, tổn thất tinh thần tổng cộng hết 20 triệu đồng. Các đối tượng Dũng, Phương, Linh đã tự nguyện bồi thường cho nạn nhân.

Dù các bị can không thừa nhận hành vi phạm tội của mình, khai báo gian dối, nhưng căn cứ vào lời khai của những người làm chứng và một số bị hại khác, CQĐT xác định, Phạm Đình Nhất cùng người tên Tuấn đã đánh Y Hiếu gây thương tích.

Đến khoảng 14h ngày 2/7, Nhất đến phòng trọ của Y Hiếu, dùng chân đạp làm người này đập đầu vào tường. Sau đó, Nhất tiếp tục cùng đồng bọn dùng tay chân đánh người cùng phòng với Y Hiếu thương tích 15%. 

Mập mờ “chủ nhân” của khoản bồi thường 100 triệu 

Trước khi tổ chức phiên tòa xét xử công khai nói trên, TAND TP.Buôn Ma Thuột đã lên lịch xét xử vụ án này vào sáng 12/7. Tuy nhiên, gia đình bị hại không tới, gia đình các bị cáo chẳng có ai, ngoài cha mẹ của Nhất. Phiên tòa phải hoãn đến ngày 14/7. 

Trao đổi với PV khi có quyết định hoãn xử, cha mẹ bị cáo Nhất một mực khẳng định con mình bị oan và chỉ tình cờ biết được lịch xét xử, chứ không được tòa án gửi giấy thông báo. Cha bị cáo Nhất bức xúc: “Tôi là cha Nhất, bị cáo chịu khung hình phạt nặng nhất trong cả nhóm.

Nhất chưa tách khẩu, chưa có gia đình riêng, nhưng đến ngày xét xử, tòa không cho mời vợ chồng tôi lên. Tôi thấy điều này chưa được hợp lý”. 

Phiên tòa ngày 14/7 cũng như trước, không nhân chứng, không bị hại. Ngoài gia đình bị cáo Nhất và gia đình bị hại Y Hiếu, người thân bốn bị cáo khác không tới tham dự. 

Luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị hại cho rằng lời khai của các bị cáo trong hồ sơ chưa thống nhất, cần phải có các nhân chứng tại tòa để đối chất, đề nghị hoãn phiên tòa. Nhưng yêu cầu không được chấp nhận. 

Trong phần xét hỏi, hai bị cáo Hoàng và Nhất đổ lỗi qua lại cho nhau. Các bị cáo còn lại đều khai không nhìn thấy ai đã đạp Y Hiếu. 

Đại diện VKS đề nghị xử Nhất từ 9 đến 10 năm tù giam về tội “Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người”,  Hoàng từ 2 đến 3 năm, Linh và Hà chịu chung mức án từ 2 đến 2 năm 6 tháng tù. Riêng bị cáo Dũng cũng được đề nghị xử với mức án trên nhưng cho hưởng án treo. 

Sau giờ nghị án, HĐXX tuyên phạt Nhất chín năm tù, Hoàng hai năm tù, các bị cáo Hà, Linh, Dũng đều được tuyên phạt mức án hai năm tù, cho hưởng án treo. 

Về bồi thường dân sự, gia đình bị cáo Nhất cho rằng đã hai lần đem tiền tới thắp nhang cho Y Hiếu. Lần đầu là đi chung với cha mẹ các bị cáo Hà và Dũng, thắp hương 53 triệu.

Về số tiền 100 triệu lần thứ hai, mẹ bị cáo Nhất khai đây không phải là số tiền của mình mà do bị cáo Phương mang đến, nói là của bị cáo Hoàng, nhờ đưa giúp cho gia đình bị hại.

Mẹ bị cáo Nhất trình bày: “Phương gặp tôi mấy lần, năn nỉ đó là tiền của Hoàng gửi nhưng không ai dám đưa xuống nên nhờ tôi. Nghĩ số tiền đó quá lớn, ban đầu tôi từ chối. Về sau, thấy thương phía bị hại nên cầm xuống và nói rõ với họ là tiền của gia đình Hoàng gửi”. 

Dù đây là tình tiết rất quan trọng nhưng HĐXX chỉ hỏi Phương đúng một câu: “Đó có phải là tiền Hoàng nhờ anh mang xuống hay không?”, Phương trả lời “không phải” và được ngồi xuống. 

HĐXX “cho” 100 triệu đó là của gia đình bị cáo Nhất và yêu cầu bị cáo này phải bồi thường thêm 31 triệu cho gia đình bị hại. 

Phiên tòa kết thúc, gia đình bị hại bật khóc, người thân bị cáo Nhất cũng không cầm được nước mắt vì cho rằng con mình bị oan. 

Cha Nhất cho biết: “Tôi nói con mình oan, vì sau khi xảy ra vụ việc đã có người mang tiền tới, dặn tôi nên nói với Nhất nhận hết tội, họ sẽ cho nhiều tiền. Trong phần xét hỏi, tôi xin ý kiến thì chủ tọa không cho nói, hứa sang phần tranh luận sẽ cho.

Tới phần tranh luận, lại nói vợ chồng tôi không liên quan nên không được tranh luận. Rõ ràng, tòa cũng chưa đủ chứng cứ để khẳng định 100 triệu là của gia đình tôi, nhưng họ lại quy chụp, cho rằng tiền đó là của vợ chồng tôi mang tới bồi thường là không đúng”.

Gạt nước mắt, mẹ nạn nhân Y Hiếu  chia sẻ, gia đình bà không đồng ý phán quyết của tòa sơ thẩm. Bà cho rằng, mức xử phạt các bị cáo quá nhẹ. Hơn thế, tình tiết 100 triệu nói trên không được tòa làm rõ. Chị gái nạn nhân cung cấp thêm, khi đưa 100 triệu đến nhà Y Hiếu, mẹ bị cáo Nhất nói rõ đó là tiền của Hoàng gửi. 

“Vụ án còn rất nhiều điểm chưa được làm rõ, tòa sơ thẩm cũng xử qua loa, chưa làm rõ vai trò đồng phạm của các bị cáo. Tôi mong cấp phúc thẩm sẽ xét xử thuyết phục, đúng người đúng tội, trả lại công bằng cho em trai”, chị gái nạn nhân chia sẻ./.

Đọc thêm

Bản án của 2 người đàn ông làm thuê cho "trà xanh"

Hai bị cáo tại phiên xét xử.
(PLVN) - Ngày 23/4, Tòa án nhân dân TP Đà Nẵng mở phiên xét xử và tuyên phạt Lê Văn Sinh Nhật (49 tuổi, trú quận Sơn Trà) 4 năm 6 tháng tù; Nguyễn Quang Nam (29 tuổi, trú quận Cẩm Lệ) 4 năm tù cùng về tội Cố ý làm hư hỏng tài sản.

Mê cá độ đá bóng, cửa hàng trưởng "tham ô tài sản" lĩnh án

Mê cá độ đá bóng, cửa hàng trưởng "tham ô tài sản" lĩnh án
(PLVN) - Ngày 23/4, TAND tỉnh Gia Lai đã đưa 3 bị cáo gồm: Võ Thị Văn Chương (SN 1986, tại Bình Định. Trú tại thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê giữ chức vụ Kế toán kiêm thủ quỹ; Phan Hùng Thắng (SN 1976, tại Bình Định. Trú tại xã Ia Blang, huyện Chư Sê) giữ chức vụ Cửa hàng trưởng; Trần Thị Thắm (SN 1990. Trú tại thị trấn Chư Sê) giữ chức vụ Kế toán bán hàng của Công ty TNHH MTV Đ.D Chư Sê (viết tắt là Cty Đ.D), có địa chỉ tại thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, ra xét xử về tội “tham ô tài sản”.

Công an tỉnh Lai Châu phá vụ án 01 kg vàng giả

Công an tỉnh Lai Châu phá vụ án 01 kg vàng giả
(PLVN) -   Tẩn Seo Lụ đã mua thỏi vàng giả trên mạng xã hội với giá 5 triệu đồng rồi cấu kết với đối tượng Deng Fuqiang (quốc tịch Trung Quốc) lập facebook dàn dựng kịch bản để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Từ lời khai của băng cướp tiệm vàng tại Bình Dương hé lộ hậu họa từ những “nhóm kín”

Phạm Hoàng Hưng là đối tượng chủ mưu trong vụ cướp.
(PLVN) -Đối tượng Phạm Hoàng Hưng (28 tuổi, chủ mưu, trực tiếp cầm súng cướp tiệm vàng Bích Quý ở huyện Bàu Bàng) vừa bị Công an Bình Dương cùng Bộ Công an phối hợp Cảnh sát Campuchia bắt giữ tại một casino ở nước bạn. Trước đó, Nguyễn Linh Đoan (30 tuổi, quê Quảng Nam), là nghi phạm đầu tiên trong vụ cướp bị bắt giữ. Tiếp đó, Trần Quang Triệu (31 tuổi, quê Bình Định), ra đầu thú. Hiện công an tiếp tục truy bắt nghi can còn lại là Nguyễn Hoàng Nhi (ngụ Tây Ninh), nghi vấn hiện còn lẩn trốn ở Campuchia.