Ngày 9/7, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đưa bị cáo Lê Đức Tuấn (Sinh năm 1974, ở Đống Đa, Hà Nội) và Nguyễn Văn Hưng (Sinh năm 1974, quê Thanh Hóa) ra xét xử phúc thẩm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị hại trong vụ án là ông Nguyễn Thanh Cảnh (Tổng giám đốc Công ty cổ phần Khai thác hạ tầng Vinashin – Hạ Long).
Theo nội dung bản án sơ thẩm, khoảng cuối tháng 10/2008, Lê Đức Tuấn tình cờ gặp ông Nguyễn Thanh Cảnh tại một hội thảo lớn được tổ chức ở Hà Nội.
Tại đây, Tuấn được biết ông Cảnh đang tìm người giúp tác động đến Tập đoàn Vinashin để Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công nghiệp tàu thủy Cái Lân (thuộc Tập đoàn trên) trả khoản nợ đọng hơn 50 tỷ đồng cho mình. Thấy vậy, Tuấn nảy sinh ý định cấu kết với Nguyễn Văn Hưng lừa tiền người đàn ông này.
Tài liệu điều tra thể hiện, Tuấn đã gọi điện cho ông Cảnh nói mình quen biết nhiều lãnh đạo cấp cao của Nhà nước, có thể tác động Tập đoàn Vinashin trả nợ. Tin tưởng, ông Cảnh đã nhờ anh ta tác động giúp với tiền công 10 – 15% trên tổng số nợ.
Sau đó, Tuấn móc ngoặc với Nguyễn Văn Hưng cùng lừa đảo, chiếm đoạt tiền của ông Cảnh. Cụ thể, Nguyễn Văn Hưng nói dối đang làm việc tại Tổng cục II – Bộ Quốc phòng. Cả hai thống nhất, Tuấn sẽ chịu trách nhiệm liên hệ với ông Cảnh, yêu cầu ông này giao tiền, hồ sơ, chứng từ để Hưng giải quyết công việc.
Ngày 24/11/2008, ông Cảnh mang hồ sơ, chứng từ vụ việc cùng số tiền 70.000 USD ra Hà Nội gặp Tuấn. Ngày nhận tiền, Tuấn còn yêu cầu ông Cảnh đi mua 3 chiếc điện thoại Vertu giá 7.200 USD/chiếc (khoảng 120 triệu đồng) làm quà biếu.
Nhận tiền, điện thoại xong, Tuấn chuyển cho Hưng theo yêu cầu của anh ta. Hơn một tháng sau, ông Cảnh vào TP. HCM gặp Hưng. Thấy bị hại “dễ dãi”, Hưng tiếp tục vòi vĩnh ông Cảnh đưa thêm 50.000 USD cùng lời hứa “sau một ngày sẽ có công văn hỏa tốc đến Tập đoàn Vinashin Việt Nam giải ngân trả nợ công ty ông Cảnh 25 tỷ đồng”. Tin tưởng, ông Cảnh liền đưa tiền cho Hưng.
Chờ mãi không được trả nợ, ông Cảnh mới biết đã dính bẫy của siêu lừa nên đến cơ quan công an trình báo.
Bị đưa ra tòa xét xử, Tuấn và Hưng không thừa nhận hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của ông Cảnh như cáo trạng truy tố. Họ cho rằng đây là quan hệ vay mượn dân sự. Ngoài ra các bị cáo còn tố bị ông Cảnh dùng “xã hội đen” ép ký vào các giấy tờ nhận nợ…
Tuy nhiên, căn cứ vào các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, Hội đồng xét xử, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên Tuấn 12 năm tù, Hưng 18 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Không đồng ý với mức án trên, Tuấn và Hưng kháng cáo kêu oan, cho rằng giao dịch giữa họ với ông Cảnh chỉ là quan hệ dân sự, cơ quan chức năng đã hình sự hóa quan hệ dân sự. Việc bị cáo Hưng viết giấy nhận tiền là do bị hại dùng xã hôi đen ép buộc. Mặc dù kêu oan nhưng luật sư lại đề nghị giảm án cho thân chủ.
Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã bác kháng cáo của các bị cáo, tuyên y án sơ thẩm.