Là nạn nhân của bệnh SARS nhưng bác sỹ (BS) Carlo Urbani (sinh ở Ý và là một chuyên gia về bệnh nhiễm trùng, thầy thuốc y tế công cộng), cũng là người tìm ra, cứu giúp cả thế giới thoát khỏi căn bệnh nguy hiểm này. Chính vì thế, nhân sự kiện 10 năm phòng, chống dịch SARS, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Đại sứ quán Italia tại Việt Nam và Bộ Y tế đã tổ chức buổi lễ: “Tưởng nhớ BS Carlo Urbani, 10 năm sau SARS”.
Urbani trở thành thần tượng của thế giới. |
SARS – thảm họa của cả nhân loại
Phải khẳng định như vậy vì chỉ trong thời gian rất ngắn, dịch bệnh SARS đã tấn công vào 32 quốc gia và vùng lãnh thổ với 8.422 người mắc và 916 ca tử vong. Diễn tiến nhanh của căn bệnh và tốc độ lây lan nhanh chóng của căn bệnh đã khiến người dân cả thế giới, đặc biệt là những người dân sống trong, gần khu vực có đông người mắc vô cùng hoang mang, lo lắng.
Tại Việt Nam, sau trường hợp mắc đầu tiên là một người Hoa nhập viện tại BV Việt – Pháp với những triệu chứng của bệnh viêm đường hô hấp cấp tính (26/3/2003) đến ngày 8/4/2003 chúng ta đã có tổng số 63 trường hợp mắc bệnh SARS. Trong số đó, có tới 37 người là BS, nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân. Thật đáng tiếc, trong số 37 người này, BS Urbani và 5 BS, y tá khác đã thiệt mạng.
Là một trong những nạn nhân may mắn sống sót sau dịch bệnh này, ông Nguyễn Hữu Hùng vẫn không thể quên được không khí ảm đạm của Hà Nội 10 năm về trước. BS, y tá cũng mắc và tử vong vì SARS, BV thì bị cô lập không ai dám bén mảng đến. Ông và hai người thân khác trong gia đình và tất cả các bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Nhiệt đới trong tình trạng thoi thóp thở.
Tưởng khoảng cách giữa sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc, cũng may được sự tận tình cứu chữa của các BS, nhân viên y tế BV Nhiệt đới, ông và vợ, em gái đã thoát chết.
Không lùi bước…
Thời điểm đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, mọi người vẫn chưa biết đó là căn bệnh gì, tuy nhiên với những diễn biến nhanh và khá nặng của bệnh khiến họ vô cùng lo sợ. Mặc dù đã nhận được những cảnh báo nguy hiểm, nhưng với tình yêu thương vô bờ dành cho con người, hầu như ngày nào BS.
Urbani cũng có mặt ở BV, cùng các BS, nhân viên y tế thăm khám, chăm sóc cho bệnh nhân đầu tiên và những người mắc sau đó. Đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm, quan sát, ghi chép về lâm sàng, tư vấn về chống nhiễm trùng, an ủi bệnh nhân và các BS, y tá trong BV.
Và, với sự nhạy bén của một chuyên gia về bệnh nhiễm trùng cũng như một thầy thuốc y tế công cộng, Urbani đã nhận ra đây là một bệnh dịch mới, nguy hiểm, dễ lây lan nên ông đã cùng các đồng nghiệp bàn cách cách ly, phòng lây lan và khống chế dịch bệnh.
Ngoài cảnh báo với Bộ Y tế Việt Nam để đóng cửa BV Việt – Pháp và triển khai các biện pháp phòng, chống tại Việt Nam, Urbani cũng liên lạc khẩn cấp với WHO để tránh lây lan dịch bệnh ra toàn thế giới. Khi lệnh ban bố phòng, chống dịch khẩn cấp của WHO được ban ra cũng là lúc bệnh của Urbani bắt đầu tái phát, với những triệu trứng điển hình của bệnh. Và ông đã mất trong khoảng thời gian đến Băng Kốc dự một cuộc họp về ký sinh trùng.
Vô cùng xúc động khi có mặt tại buổi lễ tưởng nhớ cha mình tại đất nước Việt Nam – nơi ông đã sống và làm việc một thời gian khá dài, ông Tommaso Urbani, con trai Urbani cho hay, trước khi đến Việt Nam, bố ông rất yêu quý đất nước Việt Nam, cũng như luôn yêu thương và quan tâm đến những trẻ em nghèo, khuyết tật ở những nước nghèo.
Và ông không bao giờ chấp nhận việc có quá nhiều người chết vì những căn bệnh có thể cứu chữa được. Chính vì thế, ông đã thuyết phục cả gia đình đến Việt Nam và Campuchia để thực hiện ước mơ của đời mình. Noi theo tấm gương của cha, sau ngày ông mất bản thân ông Tommaso và gia đình đã tiếp tục công việc của ông là chăm sóc, hỗ trợ và giúp đỡ các bệnh nhân nghèo ở các nước khó khăn.
Để tưởng nhớ ông cũng như tiếp tục sự nghiệp còn dang dở của ông, GS. Piero Cabuccinelli, Trường Đại học Sassari cho biết, ông và các cộng sự đã thành lập Dự án mang tên “Carlo Urbani” . Cụ thể, xây dựng một Trung tâm kiểm soát bệnh hô hấp tại Việt Nam tại BV Y Dược Huế, đồng thời thành lập Hội “Carlo Urbani”, với mục đích tăng cường giảng dạy, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ Việt Nam kiểm soát bệnh tật, đặc biệt là các bệnh dễ lây nhiễm.
Tấm lòng và sự hy sinh cao cả của Carlo Urbani đã làm rung động con tim của hàng tỷ người trên toàn thế giới cũng như hàng triệu người dân Việt Nam. Mặc dù ông đã mất đi nhưng ông mãi là điểm sáng để chúng ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đặc biệt là trong cuộc chiến đấu với bệnh tật.
Thực tế, sau chiến thắng dịch SARS, chúng ta đã kiểm soát được dịch cúm A (H1N1, H5N1) và đang vững vàng để đương đầu với dịch bệnh mới cúm A (H7N9). Chúng ta không được lơ là, lẩn tránh, mà phải cảnh giác để chủ động kiểm soát được dịch bệnh. Và trong 10 năm tới, sẽ là một thế giới an toàn hơn cho mọi người – ông Takeshi Kasai, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam khẳng định.
Đoan Trang