Có thể kể đến là cái tên gây kinh hoàng cho nhiều người mà lịch sử pháp luật hình sự Việt Nam còn phải lưu giữ như là một cuộc chiến pháp lý về tội danh, đó là “nữ siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như.
Mặc dù vụ án đã khép lại vào đầu năm 2015 với phiên xử phúc thẩm, tuyên Huyền Như chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hơn 4.000 tỷ đồng, tuy nhiên, còn hơn 1.000 tỷ đồng Như chiếm đoạt của 5 công ty có dấu hiệu của tội “Tham ô” được tách ra và chuẩn bị được TAND TP Hồ Chí Minh đưa ra xét xử. Sẽ vẫn là tội danh lừa đảo và các lãnh đạo ngân hàng vẫn vô can!
Một cái tên khác cũng gây rúng động dư luận là Giang Kim Đạt, nguyên Trưởng phòng của Vinashin. Đạt chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng, mua 40 biệt thự, chung cư, đất, ô tô đắt tiền, mua biệt thự vài triệu đô ở Singapore, căn hộ ở Anh quốc, trốn ra nước ngoài và bị bắt. Vụ này thì không có chuyện cá nhân lừa đảo nữa mà tội “Tham ô” rành rành, cả sếp lớn cũng hầu tòa và cả ông bố Đạt cũng liên quan vì tội “Rửa tiền bẩn” của thằng con trai, chỉ giữ chức Trưởng phòng của công ty “Quả đấm thép” mà tham ô được chừng ấy tiền, một con số khổng lồ! Vụ này từng bị hoãn giờ đưa ra xét xử.
Tiếp tục là vụ chiếm đoạt 66 tỷ đồng tại Công ty Dệt Quế Võ (Bắc Ninh) với sự tiếp tay của các cán bộ tín dụng. Đáng tiếc là chủ mưu trong vụ này là hai vợ chồng Giám đốc đã bỏ trốn và hẳn là ôm hết cả tiền chiếm đoạt theo. Đáng chú ý là vụ đưa và nhận hối lộ tại Tổng Công ty Xây dựng đường thủy (Vinawaco) trị giá nhiều tỷ đồng ngỡ đã “chìm xuồng” nhưng đã được đưa ra xét xử hồi giữa năm ngoái và tạm hoãn đến tận bây giờ! Tiếp theo là vụ Hà Văn Thắm bị cáo buộc gây thất thoát hơn 1.500 tỷ đồng khi trên cương vị Chủ tịch OceanBank và vụ gây thiệt hại 90 tỷ đồng tại Công ty In, Thương mại và Dịch vụ Agribank.
Đó là các vụ “đại án” xảy ra trong quá khứ và phần lớn đều có liên quan đến hoạt động ngân hàng. Mới đây, cơ quan điều tra đề nghị truy tố bộ sậu lãnh đạo Ngân hàng MHB với cáo buộc gây thiệt hại gần 300 tỷ đồng, vụ án này như một sự tiếp nối trong tội danh “Cố ý làm trái” của các ông chủ ngân hàng.
Có thể, danh sách các đại án còn tiếp tục khi Bộ Công Thương đang xem xét 12 dự án nghìn tỷ “đắp chiếu” với những cái tên đình đám như Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ, các dự án thua lỗ của Vinachem,... và phát hiện gần đây nhất của Kiểm toán Nhà nước đối với Dự án Xử lý nước thải Yên Sở, kết toán khống hàng nghìn tỷ đồng và các dấu hiệu không trung thực về thuế.
Không mong có nhiều đại án đưa ra xét xử mà chỉ mong những kẻ tham nhũng không thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật và Nhà nước thu hồi được tài sản mà bọn chúng đã chiếm đoạt, sung công quỹ, phục vụ cuộc sống nhân dân./.