Khi đó, gần 100 trường ĐH, CĐ cử giáo viên và sinh viên về coi thi. Kỳ thi cho các kết quả độc lập với nhau nên tiêu cực (nếu có) ở kỳ thi THPT không tác động trực tiếp lên tuyển sinh ĐH, CĐ. Tuy nhiên, học sinh phải tham gia hai kỳ thi căng thẳng, áp lực.
Từ năm 1991- 2002, kỳ thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD&ĐT ra đề; tỉnh, thành phố tổ chức thi, chấm thi. Từng trường ĐH, CĐ tự ra đề, tổ chức thi và xét tuyển theo nhiều đợt khác nhau. Học sinh có quyền lựa chọn trường để thi, các trường ĐH, CĐ chủ động trong tuyển sinh.
Tuy nhiên, việc thi cử kéo dài gần 1 tháng, nặng nề, tốn kém; gây “quá tải” ở các TP lớn. Hiện tượng học thêm, dạy thêm tràn lan và đặc biệt xuất hiện các “lò luyện thi” đại học.
Từ 2002 đến 2014, thi tốt nghiệp THPT được Bộ GD&ĐT ra đề; tỉnh, thành phố tổ chức thi, chấm thi. Thi ĐH, CĐ “ba chung”: chung đề, chung đợt thi, và sử dụng chung kết quả thi. Kỳ thi tổ chức thành các cụm: Thi tại các trường ĐH, CĐ ở Hà Nội và TP HCM; sau đó tổ chức thêm các cụm ở Cần Thơ, Quy Nhơn, Vinh, Hải Phòng.
Thí sinh và gia đình vẫn phải đi đến thành phố lớn để dự 1 kỳ thi PTTH và nhiều đợt thi tuyển sinh nặng nề, tốn kém. Nhiều “lò luyện” thi đại học, “phao thi” phát triển mạnh. Bệnh thành tích, tiêu cực, gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT ngày càng nhiều, đặc biệt là trong khâu coi thi (như vụ việc ở Trường THPT Phú Xuyên A năm 2006, Trường THPT Đồi Ngô năm 2012).
Năm 2015, kỳ thi THPT quốc gia lần đầu tiên được tổ chức dưới hình thức thi liên tỉnh hoặc tại tỉnh. Các trường ĐH và Sở GD&ĐT địa phương được Bộ phân công chủ trì hai loại cụm thi: liên tỉnh và tỉnh (chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT).Việc tổ chức thi như vậy nhẹ nhàng hơn trước; giảm áp lực thi cử đối với học sinh, xã hội.
Thi trên máy tính được đánh giá sẽ tiết kiệm nhiều nhân lực, vật lực so với thi trên giấy. |
Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận thí sinh phải di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác, gây khó khăn nhất định cho thí sinh, gia đình; thời gian thi kéo dài (thi 8 môn trong 4 ngày); việc chấm bài chưa thể đảm bảo tính khách quan (chấm thi tự luận); Bộ GD&ĐT “độc quyền” công bố kết quả thi dẫn đến nghẽn mạng.
Năm 2017, Bộ tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia có điều chỉnh cả về cách thức và phương thức. Cụ thể kỳ thi chỉ còn duy nhất 1 cụm thi tại mỗi tỉnh do Sở GD&ĐT chủ trì, trường ĐH, CĐ được Bộ phân công phối hợp.
Kỳ thi áp dụng thi trắc nghiệm khách quan với hầu hết các bài thi (trừ môn Ngữ văn), mỗi thí sinh trong một phòng thi có 1 mã đề thi riêng. Các trường ĐH có nhu cầu sử dụng kết quả kỳ thi để tuyển sinh tự nguyện thành lập theo nhóm trường để sử dụng chung một phần mềm xét tuyển.
Kỳ thi được đánh giá ngắn gọn, nhẹ nhàng hơn, cơ bản giảm được áp lực xã hội; Học sinh có nhiều cơ hội lựa chọn trường ĐH; CĐ. Tuy nhiên, độ phân hóa của đề thi chưa cao, nhiều thí sinh đạt điểm cao mà vẫn không vào được trường ĐH mong muốn (nhất là trường công an, quân đội).
Năm 2018, tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, ổn định như năm 2017. Tuy nhiên, kỳ thi xảy ra tiêu cực chấn động ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới kỳ thi.
Năm 2019 kỳ thi giữ ổn định cơ bản như năm 2018 tuy nhiên Bộ áp dụng một số giải pháp kỹ thuật điều chỉnh nhằm khắc phục hạn chế, bất cập. Cụ thể, thay vì địa phương chấm thi, Bộ GD&ĐT trực tiếp tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao các trường ĐH chủ trì; đồng thời quy định chặt chẽ hơn về kỹ thuật ở một số khâu trong quy trình tổ chức thi.
Kết quả, kỳ thi vẫn để xảy ra một số sai sót về kỹ thuật trong chấm thi trắc nghiệm. Việc phối hợp giữa địa phương và trường ĐH, CĐ ở một số Hội đồng thi chưa thật nhịp nhàng, hiệu quả.
GS Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội: Bài học từ những vụ gian lận năm 2018
“Việc tổ chức thi trên máy tính có nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, điều hết sức quan trọng và bài học từ những vụ gian lận thi cử năm 2018 là thi trên máy tính thì có điểm mấu chốt là người cầm chìa khóa phần mềm có thể can thiệp vào hệ thống và làm thay đổi kết quả thi.
Trước kia, nếu thi trên giấy thí sinh sai phạm thì đối với từng cá nhân nhưng bây giờ một người nắm vị trí chủ chốt có thể can thiệp hàng loạt. Đây là cái mà chúng ta phải bàn luận”. Cũng theo ông Đức, do vấn đề trên, việc thi trên máy tính phải gắn chặt với việc coi trọng yếu tố con người, lựa chọn nhân sự làm công tác khảo thí.
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình GDPT mới: “Cách thi trên giấy khó đánh giá được hết các năng lực”
“Muốn thực hiện chương trình GDPT 2018 chuyển từ nền giáo dục nặng về kiến thức sang giáo dục phát triển toàn diện năng lực phẩm chất của người học thì thi cử buộc phải đổi mới.
Theo đó, đề thi phải được ra theo hướng đánh giá được năng lực, phẩm chất của học sinh. Cách thi trên giấy như hiện nay khó đánh giá được hết các năng lực cần thiết, ví dụ năng lực nghe - nói của môn Ngoại ngữ sẽ không thể đánh giá được bằng bài thi trên giấy. Thi trên máy tính do đó là phương án tối ưu”.
Ông Đào Tuấn Đạt - Hiệu trưởng Trường THPT Anhxtanh Hà Nội: Kiểm soát gian lận thế nào?
“Điều quan trọng nhất vẫn là phải xác định được mục tiêu của kỳ thi là để xét tốt nghiệp hay kết hợp cả tốt nghiệp và tuyển sinh vào đại học. Chương trình phổ thông mới dù chưa thực thi nhưng hướng tới mục tiêu là phát triển năng lực của học sinh.
Tuy nhiên, nếu vẫn thi theo hình thức trắc nghiệm bằng cách chọn các phương án A, B, C, D thì sẽ khó đạt được mục tiêu phát triển năng lực. Đó là chưa kể đến một số tình huống rủi ro có thể xảy ra như thi trên máy tính mà bị hacker thì sao? Thi trên giấy, đáp án tô màu rõ ràng vẫn có thể tẩy xóa. Thi trên máy không có dấu vết gì, kiểm soát gian lận sẽ thế nào?” .
Về vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng việc thi trên máy tính hiện còn nhiều băn khoăn về hiệu quả hình thức thi trắc nghiệm. “Không chỉ với môn thi xã hội mà ngay cả môn Toán nếu chỉ thi theo hình thức trắc nghiệm để đánh giá học sinh thì cũng chưa ổn. Nhiều yêu cầu về tư duy mà trắc nghiệm không thể đánh giá đúng”, TS Tùng Lâm nhấn mạnh.
Uyên Na