“Tôi đọc báo cáo của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam đề nghị với Chính phủ, Bộ Chính trị giảm thuế đến mức không còn gì nữa?. Chính phủ sống bằng thuế, mà kho báu bôxít Tây Nguyên nếu không thu thuế thì lấy gì cho ngân sách?. Cứ đi vay để đầu tư, đi vay để chi tiêu, đi vay để trả nợ thì chết! Bô xít quý thế này đáng lẽ đánh thuế 40%, đằng này 20% cũng kêu lỗ, mà lỗ thật. Nên đòi xuống 10%, xuống 5%, thậm chí xuống nữa, thế này thì không ổn. Các đồng chí làm ra nhôm, rồi sau nhôm nữa, thì chuỗi giá trị gia tăng sẽ khác, và từng công đoạn thuế phải phát sinh, cho nên cần tính tổng hợp lại kết luận bài toán”, ông thẳng thắn.
Câu chuyện rất Việt Nam. Đầu tư bằng mọi giá, suất đầu tư rất cao và khi sản xuất tiếp tục xin “ưu đãi”, thậm chí đề nghị thuế suất 0%.
Không biết đầu tư để làm gì?.
Nói chuyện làm ăn và khát vọng “ra biển lớn” của Việt Nam, không thể không nhắc đến ý kiến của các chuyên gia kinh tế hàng đầu. Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, vĩ mô ổn định và tăng trưởng GDP 6,68% trong năm 2015 là ấn tượng nhưng đóng góp chủ yếu đến từ khu vực đầu tư nước ngoài (FDI). Kết quả của khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và kinh tế tư nhân thì không được như vậy. Cổ phần hóa (CPH) mới chỉ tập trung vào số lượng, chưa quan tâm nhiều tới chất lượng. Chưa ai trả lời câu hỏi: DNNN sau CPH đang như thế nào?.
TS Lê Đăng Doanh thì lo ngại nhiều hơn về phần nợ công, sự mất thanh khoản, hiện tượng không cân đối được các khoản chi ở một số địa phương trong thời gian gần đây. Đỉnh nợ công được cho là sẽ lên tới trên 64% GDP trong năm 2017, nhưng nhiều người lo ngại đến “phần chìm của tảng băng nổi”.
Bội chi ở mức cao, sự lãng phí, mất cân đối ngân sách và tốc độ tăng nợ công quá nhanh là điều đáng lo ngại. Những thông tin về việc vay tiền Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại, vay thông qua trái phiếu quốc tế hay sự nôn nóng bán các DN tốt trên sàn… cho thấy áp lực lên ngân sách đang rất lớn… Đây là điều rất dễ nhận ra.
Có thể thẳng thắn để nói rằng, sau nhiều năm chống chọi với khó khăn, nguồn lực cho phát triển của Việt Nam ngày càng hạn chế, trong khi thời gian cho cơ hội đột phát, vượt lên không còn nhiều.
Việt Nam sẽ đi tới thịnh vượng hay tiếp tục bị tụt hậu lại phía sau?. Nhìn từ Alumin Nhân Cơ, không khó để thấy câu trả lời.