Theo hồ sơ vụ án, vào tối 5/4/2015, Nguyễn Văn An, Phạm Trung Tín và nhiều người bạn cùng nhậu ở trên đường Huỳnh Thiện Lộc, quận Tân Phú. Khoảng 22h cuộc nhậu kết thúc thì An và Tín đứng trước cổng nhà Phan Hà Phong (sinh năm 1992, ngụ quận Tân Phú) nói chuyện. Nghe thấy ồn ào, Phong chạy ra nhắc thì phát sinh mâu thuẫn với An và Tín.
Nghe tiếng con cãi nhau với nhóm thanh niên, ông Phan Hà Nam (cha của Phong) chạy ra để bênh con. Tuy nhiên An đã xông vào đánh ông Nam, Tín xông vào đánh nhau với Phong.
Trong lúc đánh nhau, An lấy tuốc nơ vít đâm 6 nhát vào vùng cổ, vai, tai của ông Nam khiến ông này gục ngã. Vẫn không chịu dừng lại, An còn khênh chậu hoa kiểng và một nồi kim loại dùng đốt vàng mã gần đó ném lên người ông Nam.
Quá uất ức, Phong chạy tới rút cây tuốc nơ vít mà An vừa đâm ông Nam (vẫn còn găm trên lưng ông Nam) đâm An nhiều nhát nhưng chỉ trúng một nhát vào trán khiến An chết ngay sau đó.
Kết quả giám định cho thấy ông Nam bị thương tật 55%, Phong cũng bị tổn thương 8%. Trong vụ án này, ngoài bị cáo Phong bị tuyên 2 năm tù về tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”, còn có bị cáo Phạm Trung Tín cũng bị tuyên 1 năm tù về tội “Gây rối trật tự công cộng”.
Cho rằng mình bị hạn chế năng lực hành vì bị tâm thần nên bị cáo Phong kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Cha bị cáo cũng có đơn kháng cáo với tư cách người giám hộ để xin giảm nhẹ hình phạt cho Phong. Về phía đại diện bị hại cũng kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm tăng hình phạt với bị cáo vì cho rằng chồng mình không có lỗi, mà Phong là người chủ động giết người chứ bị hại không hề kích động Phong. Bên cạnh đó, đại diện người bị hại còn đề nghị cấp phúc thẩm xem xét tuyên buộc bị cáo phải có trách nhiệm cấp dưỡng cho đứa con mà vợ bị hại vừa sinh vì cấp sơ thẩm chưa tuyên vấn đề này.
Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 8/11/2016, bị cáo Phong cho rằng trước khi gây án, Phong từng có thời gian sử dụng ma túy và đã đi điều trị tâm thần ở Biên Hòa. Tuy nhiên, khi HĐXX cũng như đại diện Viện kiểm sát truy vấn lại rằng: “Tại sao trong suốt quá trình điều tra bị cáo không hề khai ra điều này? Bị cáo có giấy tờ gì thể hiện điều này hay không?...”. Bị cáo Phong cúi đầu đáp: không có.
Về vấn đề cấp sơ thẩm không xem xét tuyên bị cáo có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con bị hại, đại diện Viện kiểm sát cho rằng vào thời điểm bị hại mất thì người vợ đang mang thai. Lúc xét xử sơ thẩm, do cháu bé chưa được khai sinh, chưa xét nghiệm ADN để chứng minh đó là con bị hại… nên cấp sơ thẩm quyết định tách riêng, dành quyền cho phía đại diện bị hại khởi kiện bằng một vụ án dân sự khi có đầy đủ cơ sở chứng minh cháu bé là con bị hại.
Xét thấy vụ án còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ như: Cha bị cáo Phong có đơn kháng cáo nhưng lại không có mặt tại phiên tòa; việc giám định tâm thần đối với bị cáo có nhiều điểm chưa rõ nghĩa… nên nhất thiết cần phải triệu tập cha bị cáo và giám định viên tới phiên tòa mới làm rõ được những vấn đề này, do đó HĐXX quyết định hoãn phiên tòa.