“Thông báo về gia công phân bón” gây áp lực hành chính đối với doanh nghiệp
Theo quy định tại khoản 11 Điều 1 Dự thảo bổ sung Điều 8b thì bên nhận gia công phải gửi thông báo đến Sở Công Thương thuộc địa bàn quản lý để theo dõi trong thời gian 20 ngày trước khi tiến hành gia công phân bón. Đây là quy định mới so với Nghị định 202/2013/NĐ-CP.
“Không rõ cơ quan nhà nước sẽ “theo dõi” điều gì ở hoạt động gia công này, trong khi thực tế đây cũng là một hoạt động sản xuất của doanh nghiệp đã được cấp phép sản xuất phân bón, tức là cơ quan nhà nước đã tiền kiểm rồi” – các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lĩnh vực phân bón đã gửi thắc mắc về đại diện của mình là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Trên thực tế, theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp thì định kỳ doanh nghiệp đều phải báo cáo về tình hình hoạt động. Đây thực chất là một cách cơ quan nhà nước kiểm soát quá trình hoạt động của doanh nghiệp rồi. “Nói cách khác, quy định về việc thông báo để “theo dõi” này là trùng lặp với các quy định khác và rất ít ý nghĩa từ góc độ hiệu quả quản lý” – văn bản của VCCI gửi Bộ Công Thương nêu rõ.
Hơn nữa, từ góc độ cải cách hành chính, quy định này nếu áp dụng đối với doanh nghiệp nhận nhiều hợp đồng gia công thì việc phải thực hiện thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền mỗi khi thực hiện hoạt động gia công sẽ tạo ra một gánh nặng lớn về thủ tục hành chính mà doanh nghiệp phải thực hiện, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Chính vì thế, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn cơ quan hữu trách cân nhắc, hủy bỏ quy định này.
Xem xét lại Hồ sơ đăng ký sang chiết, đóng gói phân bón
Theo quy định tại khoản 14 Điều 1 Dự thảo bổ sung Điều 10a thì trong hồ sơ đăng ký hoạt động sang chiết, đóng gói phân bón, doanh nghiệp phải nộp: Giấy đăng ký địa điểm sang chiết, đóng gói phân bón (trường hợp địa chỉ sản xuất chưa được đăng ký trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp): Bản công chứng hoặc bản sao có dấu chữ ký của đại diện pháp luật của tổ chức, cá nhân sang chiết, đóng gói phân bón (điểm b khoản 1); Giấy tờ chứng minh nguồn gốc của loại phân bón được sang chiết, đóng gói và phù hợp với quy định hiện hành về sở hữu trí tuệ (điểm g khoản 1).
Điều kiện “phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận địa điểm sản xuất, kinh doanh” bị đề nghị hủy bỏ vì cho rằng thực tế đây là một loại giấy phép con, không có quy định rõ ràng, không chỉ không bảo đảm yêu cầu của Luật Đầu tư mà còn có nguy cơ lớn tạo dư địa tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Hơn nữa, bản thân điều kiện phải được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về địa điểm sản xuất là chưa hợp lý, vì doanh nghiệp chỉ cần xây dựng nhà máy sản xuất phân bón phù hợp với quy hoạch là có thể được cấp phép mà không cần phải trải qua một bước “xin phép” cơ quan có thẩm quyền về địa điểm sản xuất nữa.
Còn đối với giấy tờ chứng minh nguồn gốc của các loại phân bón được sang chiết, đóng gói thì đây là loại tài liệu không liên quan tới điều kiện sang chiết, đóng gói phân bón nào quy định tại Điều 8c. Hơn nữa, tại thời điểm xin phép trước khi hoạt động, yêu cầu doanh nghiệp phải có giấy tờ chứng minh về nguồn gốc của các loại phân bón được sang chiết, đóng gói (vốn là hoạt động kinh doanh sẽ diễn ra sau khi được cấp phép), là chưa hợp lý. Bởi, tại thời điểm đó, doanh nghiệp có thể sẽ chưa xác định được nguồn gốc của loại phân bón sẽ được sang chiết hoặc các thông tin này có thể sẽ được thay đổi trong quá trình hoạt động, ví dụ thay đổi nhà cung cấp phân bón.
Để đảm bảo tính hợp lý, cộng đồng doanh nghiệp đề nghị bỏ yêu cầu phải có “Giấy tờ chứng minh nguồn gốc của loại phân bón được sang chiết, đóng gói và phù hợp với quy định hiện hành về sở hữu trí tuệ” trong Hồ sơ, thủ tục đăng ký sang chiết, đóng gói phân bón.
Bỏ bước “kiểm tra thực tế” khi cấp giấy phép sản xuất phân bón?
Khoản 17 Điều 1 Dự thảo sửa đổi Điều 14 về cơ quan cấp phép, theo đó chuyển thẩm quyền từ Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sang cho Sở Công Thương cấp phép. Đồng thời, Điều 14 sửa đổi có quy định: “Sở Công Thương kiểm tra cơ sở sản xuất phân bón theo quy định tại Điều 8 Nghị định này trước khi cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón”. Phải chăng điều này được hiểu, trong thủ tục cấp giấy phép sản xuất phân bón thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền không chỉ xem xét hồ sơ mà còn sẽ tiến hành kiểm tra thực tế doanh nghiệp trước khi cấp giấy phép hoạt động?
Tuy nhiên, quy định về trình tự, thủ tục cấp giấy phép sản xuất phân bón vẫn giữ nguyên quy định tại khoản 4 Điều 12 Nghị định 202/2013/NĐ-CP, theo đó cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ chỉ thẩm định, xem xét các điều kiện mà doanh nghiệp phải đáp ứng trên giấy tờ, tài liệu, không có kiểm tra thực tế.
“Do đó, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi lại Điều 14 cho thống nhất với các quy định khác liên quan, theo hướng: Sở Công Thương cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón, cấp văn bản xác nhận đăng ký hoạt động sang chiết, đóng gói phân bón cho các tổ chức, cá nhân thuộc địa bàn quản lý, tức là bỏ bước về kiểm tra thực tế” – VCCI kiến nghị trong văn bản gửi Bộ Công Thương.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu