Để đảm bảo nguyên liệu cho các vụ ép, theo đó, nhiều năm qua, Công ty mía đường Nghệ An (công ty Nasu) đóng tại Nghĩa Xuân, Quỳ Hợp, Nghệ An nhận cung ứng phân theo hợp đồng với các hộ dân mía. Với phương thức, bước vào đầu vụ, công ty sẽ bán nợ phân cho các hộ dân, khi đến mùa thu hoạch, nhà máy sẽ khấu trừ vào sản phẩm do người dân bán cho nhà máy.
Phía nhà máy chịu trách nhiệm kiểm soát chất lượng phân bón đúng theo hàm lượng được công bố trên bao bì và trong hợp đồng. Thế nhưng theo phản ánh của nhiều nông dân, không ít lần họ lâm vào cảnh "khóc dở, mếu dở" vì mua phải phân bón giả.
Phân kém chất lượng nông dân vẫn phải dùng
Anh Trần Quang Thái ở Xóm Hải Lâm 1, xã Quế Sơn cho hay, vụ mía năm 2015, gia đình anh từng được công ty Nasu cung ứng một tấn phân bón NPT, khi đem bón cho mía, với kinh nghiệm của nhà nông, anh đã nhận ra những điểm bất thường của loại phân này nên đã kịp thời dừng lại.
"Khi đó, chúng tôi đem ngâm vào nước hàng tiếng đồng hồ thấy phân không tan, có người cắn thử thì cứng như gạch, mọi người mới biết mình mua phải phân bón giả, gọi nhà máy xuống lấy về họ bảo để đó, chờ mãi không thấy họ xuống, cuối cùng mình cũng phải trả tiền cả tấn phân vì trước đó đã lỡ bón mất mấy tạ", anh Thái cho biết. Thế nhưng theo anh Thái như vậy đã là may mắn vì phát hiện sớm nên không bị thiệt hại về năng suất, dù rằng gia đình anh đã phải mất gần chục triệu đồng để mua phân bón thay thế.
Còn theo Phó chủ tịch UBND xã Quế Sơn, ông Trần Điệp Trùng Dương thì tại địa phương, chuyện người dân "tiền mất, tật mang" khi mua phải phân bón kém chất lượng, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng đang trở thành nỗi lo thường trực. Chính vì thế mà bước vào vụ mía năm nay, khi hay tin phía Công ty Nasu cung ứng cho nông dân sản phẩm phân bón NPK do Công ty CP phân bón Nhật Long - Thanh Hóa sản xuất có hàm lượng công bố trên bao bì sản phẩm cao hơn một số sản phẩm trên thị trường nhưng lại có giá thấp hơn đến bất ngờ, xã đã báo cáo lãnh đạo huyện để mời cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm tra đồng thời khuyến cáo bà con nông dân tạm ngưng sử dụng vì nghi ngờ phân kém chất lượng. Và không ngoài dự đoán, kết quả phân tích mẫu cho thấy, 2 trong tổng số 3 chỉ tiêu là Đạm và Kaly thấp hơn mức cho phép so với hàm lượng công bố.
Không chỉ ở Quế Phong, mà tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng tràn lan trên thị trường đang khiến cho người nông dân không khỏi hoang mang, lo lắng. Ngay trong tháng 3 vừa qua, một lượng lớn phân bón NPK giả nhãn hiệu Mặt Trời do công ty CP dịch vụ nông nghiệp AGRIPRO sản xuất theo đơn đặt hàng của Công ty Nasu được bán cho các hộ trồng mía ở tại xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Đàn và xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cũng được phát hiện, thu giữ.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Làm việc với Công ty Nasu về tình trạng phân bón do công ty cung ứng kém chất lượng ông Ngô Tuấn Tú - Phó giám đốc công ty Nasu khẳng định: Công ty kiểm soát chất lượng rất chặt chẽ, sau mỗi chuyến hàng phía công ty phân bón chở lên vùng nguyên liệu. Công ty cử cán bộ khuyến nông lên lấy mẫu kết hợp đại diện nông dân tại bàn cùng phía công ty phân bón lấy mẫu. Các bên ký niêm phong và đưa về nhà máy phân tích kiểm tra mẫu
Tuy nhiên, thực tế việc lấy mẫu nhằm kiểm tra chất lượng phân lại hoàn toàn khác. "Khi nhà máy phân bón chở phân lên thì tôi lấy mẫu gửi xe khách về nhà máy kiểm tra, còn trên đường đi bị đổi mẫu thì cũng không quản lý được việc đó - ông Nguyễn Văn Tuấn người được trích phần trăm từ việc cung ứng phân bón cho người dân tại Quế Sơn, Quế Phong cho biết.
Phân bón giả, đó không còn là một câu chuyện mới song vẫn chưa có hồi kết - Đặc biệt là đối với Nghệ An - một vùng chuyên canh nông nghiệp rộng lớn. Mỗi năm, người nông dân tiêu thụ hàng ngàn tấn phân bón với hàng trăm nhãn hiệu trong và ngoài tỉnh. Lợi dụng ưu thế này thì các loại phân bón giả, phân bón kém chất lượng dễ dàng thâm nhập vào thị trường.
Trao đổi về vấn đề này, một cán bộ trong ngành nông nghiệp thừa nhận: Phân bón được đánh giá là có đóng góp đến 70% năng suất cây trồng, nhưng đáng buồn tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng ngày càng gia tăng khiến cho người nông dân phải khóc trên chính đồng ruộng của mình. Điều này không chỉ cho thấy những yếu kém, bất cập trong khâu quản lý phân bón, mà còn phản ánh việc thực thi pháp luật về lĩnh vực này chưa thực sự nghiêm túc.
Một số vụ việc vi phạm khi bị phát hiện, xử lý nhưng không được công bố rộng rãi nên không đủ sức răn đe. Cụ thể như vụ việc Đội quản lý thị trường số 6, chi cục quản lý thị trường Nghệ An bắt giữ lô phân bón NPK nhãn hiệu Mặt Trời do công ty CP dịch vụ nông nghiệp AGRIPRO sản xuất ngày 18 -1- 2016. Lẽ ra phải thông báo rộng rãi để tránh thiệt hại cho người nông dân khi biết đây là lô hàng giả và bàn giao số tang vật này cho cơ quan điều tra mở rộng vụ án (Bởi đây là lô hàng trùng với lô hàng mà Đội QLTT số 4, Chi cục QLTT Nghệ An bắt giữ ngày 11/3/2016 tại xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu, Cả 2 lô hàng đều do Công ty CP dịch vụ nông nghiệp AGRIPRO sản xuất ngày 18 -1- 2016 theo đơn đặt hàng của Công ty Nasu đặt hàng với tổng số 300 tấn) thì đơn vị này lại tổ chức tiêu hủy toàn bộ số phân bón giả nói trên. Điều này khiến dư luận không khỏi nghi ngờ: Liệu đơn vị này có thực sự vì lợi ích người dân hay đang cố tình bao che cho doanh nghiệp sai phạm?
Ông Nguyễn Đình Thắng - Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Lưu bày tỏ quan điểm: Việc kiểm tra xử lý là việc quan trọng rồi, nhưng khi kiểm tra xử lý, phát hiện sai phạm thì theo tôi cũng cần thông báo, khuyến cáo rộng rãi, kịp thời để vừa ngăn chặn được vi phạm, vừa để người nông dân biết mà từ chối các sản phẩm không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng đến hiệu quả và năng suất..."
Vấn đề đặt ra hiện nay là, ngoài việc xử lý các tổ chức, cá nhân sai phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém kém chất lượng, cơ quan chức năng cần làm rõ đã có bao nhiêu tấn phân bón trong số này đã được công ty Nasu bán cho người trồng mía, và thiệt hại về năng suất cây trồng do phân bón giả, phân bón kém chất lượng gây ra cho người nông dân - ai chịu trách nhiệm.